Lo cho dân từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, với tấm lòng thương yêu bao la

Thứ sáu - 03/09/2021 22:30
(CTTĐTBP) - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cả cuộc đời của Bác vì nước, vì dân. Lúc sắp ra đi, không màng danh vọng, không ham bia đá, tượng đồng, Bác vẫn chỉ nghĩ đến “Đầu tiên là công việc đối với con người” và không quên căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 
Bác Hồ viết bản Di chúc. Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước


Hơn 50 năm qua, từng câu, từng chữ trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vẫn vẹn nguyên “muôn vàn tình thân yêu” gửi lại toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Ngay từ khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911) cho đến khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác” (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở về một nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, nhân dân Việt Nam được tự do, hạnh phúc và có đầy đủ mọi quyền làm người cao cả nhất.

Chính tinh thần yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc đã hòa cùng bầu nhiệt huyết và ý chí kiên cường của tuổi trẻ để trở thành nguồn sức mạnh nội lực, thắp sáng chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước của Người. Đi qua nhiều châu lục, vừa kiếm sống vừa khảo nghiệm thực tiễn và lựa chọn con đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, đến với con đường cách mạng vô sản để theo đuổi mục tiêu cao nhất là giải phóng con người, làm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Vấn đề giải phóng dân tộc và con người còn được thể hiện sâu sắc trong tổ chức lực lượng cách mạng và trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dưới sự chỉ đạo của Người, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (năm 1941) chủ trương chuyển hướng trong chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trung tâm và cao hơn hết thảy, nhưng trong Chương trình Việt Minh vẫn thể hiện rõ việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc - con người.

Đó là: “Thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng; tự do”. Khơi dậy nguồn lực mạnh mẽ nhất của dân tộc - chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và lợi ích của các giai tầng xã hội, của mỗi con người là thống nhất với lợi ích dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc tập hợp hết thảy các lực lượng yêu nước, đoàn kết toàn thể nhân dân Việt Nam tạo nên lực lượng cách mạng vô cùng to lớn để giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với Tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Tiêu ngữ này một lần nữa khẳng định rằng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ quốc và nhân dân là một. Với tiêu ngữ ấy, năm 1946, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trả lời các nhà báo nước ngoài về mục đích cuộc sống mà Người theo đuổi là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30/5/1946), Người cũng khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.

Là lãnh tụ của dân tộc, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân là lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ: Từ việc tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, bảo vệ, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển mọi mặt xã hội, đến việc tương, cà, mắm, muối… để thoả mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân, để mọi người đều có cơm ăn, có áo mặc, có chỗ ở, được học hành, có điều kiện khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ.

Tinh thần cao cả ấy của Người luôn nhất quán trong bất cứ lúc nào và ở bất cứ hoàn cảnh nào: Vào những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám, do hậu quả của chính sách bóc lột của phát xít Nhật, Pháp mà hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói. Tự đáy lòng chân thành của một vị lãnh tụ cách mạng suốt đời vì nước, vì dân, tự trái tim giàu nhân đạo cao cả, bằng những lời lẽ hết sức cảm động, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo ”.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn quyết liệt, Bác đã rút toàn bộ số tiền tiết kiệm trong mấy chục năm viết báo, được hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền lớn, tương đương với 60 lạng vàng) để mua nước ngọt cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc (số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội Phòng không không quân được 1 tuần). Gặp năm mất mùa, viện trợ khó khăn, cả nước phải ăn độn, Bác đề nghị và kiên quyết thực hiện ăn độn 30% theo quy định và không đồng ý thay đổi với bất kỳ lý do gì. Bác cũng không đồng ý nghị quyết của Bộ Chính trị in sách mừng sinh nhật Bác vì nước nhà còn thiếu thốn, sách học, giấy học cho các cháu còn thiếu, nên cái gì cần lắm hãy in, để giấy cho các cháu học. Bác không ưa tiệc tùng, lễ tết rình rang, lãng phí, sinh thời Bác chỉ tổ chức ăn Tết với anh chị em Văn phòng Phủ Chủ tịch một bữa ăn vào chiều 30 còn tất cả những ngày sau đó Bác giữ mức sinh hoạt bình thường. Các dịp lễ tết, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là thăm các gia đình nghèo ở Hà Nội, các trường con em miền Nam, các công trường đang xây dựng, các nhà máy đang sản xuất, các đơn vị bộ đội, công an đang trực chiến, khi ở Hà Tây, Hà Bắc, Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng, Quảng Ninh...

Bác không quên những việc lớn, cũng không bỏ sót những việc nhỏ. Nhiều việc nhỏ không ai nhìn thấy trước mà về sau lại có một tầm quan trọng lớn, như việc chuyên chở muối lên chiến khu dự trữ trong kháng chiến chống Pháp chẳng hạn. Nhận thức được tầm quan trọng của loại hàng thiết yếu này nên ngay sau khi kháng chiến bùng nổ ít ngày, Bác đã chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng trực tiếp chịu trách nhiệm công việc chuyên chở muối. Thực tế đã chứng minh chỉ thị của Bác hoàn toàn đúng đắn khi mấy năm sau đó, thực dân Pháp chiếm hết các vùng ven biển, muối khan, giá lên cao vọt nhưng cán bộ, bộ đội, nhân dân ta vẫn có muối đủ dùng từ năm 1947. Đồng bào ở rẻo cao như Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng vẫn có muối ăn. Việc đó có một ảnh hưởng tốt về chính trị. Đồng bào miền núi rất biết ơn Chính phủ Cụ Hồ.

Chính tinh thần gắn bó với nhân dân, sự chăm lo thiết thực đến đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng đã làm cho mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ngày càng thêm mật thiết.

Đến thăm trại nhi đồng miền Nam, Bác chú ý đến cái mương nhỏ mới đào trước cửa phòng học và dặn các cô phụ trách trại phải đào lại cho thật thẳng, thật ngay, nuôi dạy các cháu, phải chú ý đến những việc như thế! Mùa hè năm 1960, về thăm Phú Thọ, Bác vào tận nhà dân, quan sát bồ thóc. Khi thấy hai bồ thóc đầy ắp, ngô, khoai, sắn chất đầy trong góc buồng, Bác hài lòng không lo dân đói. Năm 1962, về thăm nhân dân xóm Quảng Khánh nằm ven Hồ Tây, Hà Nội, thấy có cháu bé bị đau mắt nặng, Bác đã dành tiền lương tặng nhân dân trong xã mua vật liệu xây giếng. Giữa năm 1969, Bác để ý đến việc nhân dân còn phải xếp hàng dài mua hàng hóa và tình trạng mất trật tự đã lẻ tẻ xảy ra ở một số cửa hàng, nhất là các cửa hàng bia. Chiều ngày 30/7/1969, Bác đã có cuộc làm việc với Giáo sư Hoàng Tụy về khả năng vận dụng toán học vào công tác phân phối hàng tiêu dùng sao cho công bằng, hợp lý, dân chủ và thuận tiện để giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt của nhân dân.

Giáo sư Hoàng Tụy kể lại: "Sau này, khi thấy Di chúc Bác đề “Ngày 10 tháng 5”, nghĩa là chỉ trước hôm đó vài tháng, tôi không nén được xúc động. Cho đến những ngày đã cảm thấy không còn bao lâu nữa phải từ giã chúng ta, Bác vẫn lo cho dân từ cái lớn đến cái nhỏ với một tấm lòng thương yêu bao la và một tác phong hết sức tỉ mỉ, cụ thể mà ngay một người mẹ lo cho con trước khi ra đi cũng khó chu tất hơn. Trong lòng tôi tràn ngập niềm thương kính và biết ơn Bác. Thì ra cái ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc mà vì nó Bác đã sống, vì nó cuộc đời Bác đã trở nên vô cùng thân thiết đối với mỗi chúng ta là như thế đấy…".

Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Ở bản thảo tháng 5/1968, Bác đã vạch ra những dự kiến về việc xây dựng đất nước sau chiến tranh, có tính đến từng đối tượng cụ thể: Thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân.

Bác đã sử dụng những lời lẽ rất chí tình, với sự đồng cảm sâu sắc từng đối tượng được nêu trên và đặc biệt là Người đã đánh giá đúng tinh thần thái độ và sự đóng góp của họ vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Ngay cả với những người được coi là nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Bác cũng mong muốn “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Quan điểm này thể hiện rõ lòng nhân ái, đức hiếu sinh, văn hoá khoan dung của Người. Nó cũng chứng tỏ, sự nghiệp cách mạng mà chúng ta tiến hành thực sự là “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đó là một cuộc cách mạng chính nghĩa, nhân văn, xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, hợp với lòng dân, hợp với xu thế của thời đại và thực sự là cuộc hành trình đến những giá trị văn hóa đích thực nhất.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố cách đây 52 năm (năm 1969), nghĩa là chúng ta đã có 52 năm thực hiện Di chúc của Người.

52 năm qua, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa. Trong bối cảnh hết sức phức tạp do dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây ra hiện nay, các cấp chính quyền, các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch và mọi tầng lớp nhân dân ta đang nỗ lực ngày đêm sát cánh cùng Chính phủ để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tin tưởng rằng, chúng ta sẽ vượt qua và chiến thắng dịch bệnh nhờ sự góp sức của cả nước, sự đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân, sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, để chúng ta góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta luôn khắc ghi lời Bác dạy, đoàn kết một lòng để chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện trọn vẹn điều mong ước căn dặn của Người./.

Hải Thanh (Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,121
  • Hôm nay176,829
  • Tháng hiện tại9,623,569
  • Tổng lượt truy cập493,487,007
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây