KẾT QUẢ CHỈ SỐ PCI CỦA TỈNH NĂM 2017
Đây là vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm và đề nghị làm rõ nguyên nhân, cũng như trách nhiệm chính của cơ quan, đơn vị đối với kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Bình Phước đạt thấp (xếp 62/63 tỉnh, thành trong cả nước).
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng giải trình: Trong năm 2017, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình cải thiện Chỉ số PCI. Cụ thể như: Đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận “Một cửa liên thông” tại các cấp; sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã; xây dựng
quỹ khởi nghiệp; xây dựng mô hình cà phê doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là, thường xuyên duy trì việc tiếp xúc, gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, qua đó tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Dù đã có nhiều nỗ lực và cố gắng, nhưng kết quả thực hiện PCI chưa đạt như mong muốn.
Nguyên nhân cơ bản là do khâu tổ chức thực hiện ở một số sở ngành và huyện, thị xã chưa tốt; thiếu tính đồng bộ, nhất là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với các huyện, thị xã trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn chậm trễ (có tới 80% doanh nghiệp đánh giá có sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành và 67% doanh nghiệp đồng tình đánh giá lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng nhưng chưa thực hiện tốt ở cấp huyện thị). Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp ở một bộ cán bộ, công chức.
Việc phân công các đơn vị phụ trách các chỉ số thành phần (CSTP) chưa thật sự sát, đúng với chức năng, nhiệm vụ; chưa đầy đủ đến các chỉ số chi tiết; cộng với trách nhiệm của các cơ quan được phân công đảm nhiệm các CSTP chưa cao, thiếu giải pháp hiệu quả để cải thiện từng chỉ số. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các CSTP chưa được thường xuyên; chưa có biện pháp xử lý, kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị được phân công phụ trách trực tiếp từng CSTP.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng, Chỉ số PCI bao gồm 10 CSTP, trong 10 CSTP này có 128 chỉ số con. Nội dung của các chỉ số con có liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của các sở ngành và huyện thị. Do đó, nếu một CSTP tụt giảm điểm số và thứ bậc thì sẽ rất khó xác định được cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trước hết là do cơ quan tham mưu trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó là những cơ quan được phân công phụ trách trực tiếp từng CSTP đạt thấp.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
ĐẤU THẦU THUỐC VÀ VẬT TƯ Y TẾ
Nội dung này được cử tri phản ánh, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm chất vấn.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông đăng đàn trả lời: Phản ánh của cử tri về việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hàng năm chậm từ tháng 1 đến tháng 3 là đúng. Hàng năm, việc tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế diễn ra vào dịp cuối năm. Do khối lượng công việc cuối năm nhiều, nhân sự làm công tác đấu thầu ít; các văn bản quy định về đấu thầu thay đổi liên tục, nên có sự chậm trễ trong công tác công bố kết quả thầu.
Về nội dung cử tri phản ánh các bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông cho biết: Dù việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế chậm nhưng Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh có chủ trương gia hạn kết quả thầu, nên không để tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra trên địa bàn. Về biện pháp khắc phục, Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu sớm vào giữa năm để công bố kết quả thầu theo đúng thời gian. Trong năm 2018, đấu thầu thuốc đã công bố kết quả theo đúng thời gian, không chậm trễ.
Cũng tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đồng Thông đã làm rõ nội dung chế độ đãi ngộ cho y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh; đồng thời trả lời việc xuất hiện hiện tượng y, bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư. Nguyên nhân là do mức lương và chế độ đãi ngộ bệnh viện công quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Các bác sĩ xin nghỉ việc để làm việc trong lĩnh vực y tế tư nhân, được chi trả mức lương cao hơn gấp nhiều lần. Trước thực trạng này, Sở Y tế đã có báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nội vụ nhằm có chính sách thu hút, đãi ngộ để giữ chân các bác sĩ hiện có, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác thu hút bác sĩ còn thiếu cho ngành y tế tỉnh nhà.
BẠO HÀNH VÀ XÂM HẠI TRẺ EM
Câu hỏi chất vấn dành cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là: Số vụ bạo hành và xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Vai trò quản lý và trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH trong việc bảo vệ trẻ em? Giải pháp của ngành trong thời gian tới?
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Võ Văn Mãng cho biết: Trong những năm qua, tại tỉnh Bình Phước, mỗi năm có khoảng 20 - 35 vụ xâm hại trẻ em, chủ yếu là xâm hại tình dục được các ngành chức năng khởi tố và toà án xét xử nghiêm minh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16/862 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em so với cả nước. Trẻ em bị xâm hại sẽ gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí hủy hoại tương lai của trẻ. Những trẻ bị bạo hành có nguy cơ bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, có thể dẫn đến tự tử; đáng lo ngại là trẻ bị xâm hại trong chính gia đình mình.
Nguyên nhân chính là xuất phát từ nhận thức của gia đình, cộng đồng còn hạn chế về bảo vệ,
chăm sóc trẻ em (BVCSTE); nhiều bậc cha mẹ coi việc đánh con là bình thường, là “quyền của cha mẹ” để dạy con; đội ngũ cộng tác viên công tác trẻ em ở thôn, ấp thay đổi thường xuyên - đây là lực lượng thường xuyên đến từng hộ gia đình để tuyên truyền (ít nhất 3 lần trong tháng) về cách thức CSBVTE, về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em năm 2016, Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2017, Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật dân sự đều quy định rõ điều khoản bảo vệ trẻ em. Pháp luật đã hoàn thiện nhưng trên thực tế để pháp luật đi vào thực tiễn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, trong đó ngành LĐ-TB&XH có vai trò, chức năng tham mưu trực tiếp.
Trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các bộ ngành trung ương về lĩnh vực BVCSTE trên địa bàn tỉnh, xem trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các Luật định có liên quan đến công tác BVCSTE, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại. Các quy trình bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) từ khi phát hiện vấn đề, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em tới các quy trình hỗ trợ can thiệp; trách nhiệm của các ban ngành, đơn vị liên quan trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 quy định cũng đã tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.
Một số giải pháp mà Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đó là, tham mưu củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ở thôn, ấp, khu dân cư. Tăng cường đầu tư nguồn lực, ngân sách địa phương cho công tác BVCSTE. Tổ chức nâng cao năng lực, xây dựng các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tăng cường hơn nữa truyền thông trong gia đình, nhà trường và xã hội. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành thực thi pháp luật, bảo vệ quyền của trẻ em. Quan tâm công tác đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em.