Bình Phước: Đột phá trong phát triển kinh tế

Thứ tư - 22/08/2018 15:07
(CTTĐTBP) - So với 13 tỉnh trong Khu vực “Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam” (CLV), Bình Phước có điều kiện thuận lợi hơn cả về phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Trăm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, so với 13 tỉnh trong Khu vực “Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam” (CLV), Bình Phước có điều kiện thuận lợi hơn cả về phát triển kinh tế.
 
so kh dt

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm và Thủ trưởng các đơn vị liên quan tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Phước


Bình Phước là tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cầu nối giữa khu vực miền Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Campuchia thông qua hệ thống quốc lộ 13, quốc lộ 14 và các tuyến tỉnh lộ đã được đầu tư rất thuận tiện. Bình Phước cũng có điều kiện giao thông thuận lợi đến sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng nước sâu như cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải...

Ưu tiên đầu tư hạ tầng

So với 13 tỉnh trong Khu vực tam giác phát triển CLV, Bình Phước có điều kiện thuận lợi hơn về phát triển kinh tế như: Quỹ đất rộng, đất đai màu mỡ; khí hậu ôn hòa và ít có bão lụt.

Cùng với 13 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 4.686 ha, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp Campuchia với diện tích quy hoạch 28.364 ha, trong đó 3.580 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động, có tuyến du lịch quốc tế qua cửa khẩu Hoa Lư: Bình Phước (Việt Nam) – Kratie, Stungtreng (Campuchia) – Champasak (Lào) – Upon Thani (Thái Lan)…

Ông Nguyễn Văn Trăm cho biết, để thu hút nhà đầu tư đến với địa phương, Bình Phước đã tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo ông Trăm, giai đoạn 2016-2018, vốn đầu tư phát triển của Bình Phước ước thực hiện 55.046 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm 20,8%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 70,5%, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 8,7%.

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế đã góp phần thay đổi tích cực mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn Bình Phước.

Cùng với việc ưu tiên phát triển hạ tầng các KCN, đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng cho nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Bình Phước đã đầu tư nâng cấp hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
 

Các dự án điện đã được triển khai trong thời gian gần đây phải kể đến dự án cấp điện cho KCN Minh Hưng - Sikico; KCN - Dân cư Becamex Bình Phước, xây dựng đường điện vào nhà máy xi măng Minh Tâm, điều chỉnh dự án thủy điện Đức Thành trên sông Đồng Nai… Bình Phước cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Ấn Độ, Singapor và các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu lập báo cáo khả thi dự án điện năng lượng mặt trời…
 

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án PPP (BOT, BT).
 

Tỉnh cũng đã hoàn thành một số dự án trọng điểm như: dự án BOT QL 13 đoạn An Lộc – Chiu Riu giai đoạn 1, Dự án BOT nâng cấp, mở rộng ĐT.741 đoạn Bầu Trư - Đồng Xoài giai đoạn 1, dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn cầu 38 - Đồng Xoài... tạo bước tiến lớn về kết cấu hạ tầng giao thông.

Trọng điểm thu hút đầu tư

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuận lợi nhất trong triển khai dự án, đặc biệt là các dư án trọng điểm, Bình Phước cũng tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt, BÌnh Phước cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án như: dự án Becamex Bình Phước, đường Đồng Phú - Bình Dương, đường ĐT 741, đường Minh Hưng - Đồng Nơ, dự án Khu du lịch sinh thái Bà Rá, dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp phim trường trảng cỏ Bù Lạch. Đồng thời, tập trung xây dựng hạ tầng các KCN, triển khai thực hiện KCN trong khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư và xây dựng cảng ICD... 

“Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như: sản xuất các sản phẩm từ cao su, điều, tiêu, cây ăn trái; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm; các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đầu tư tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời. Bình Phước cũng khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, thể dục thể thao...” – ông Nguyễn Văn Trăm cho hay.

Đổi mới mô hình tăng trưởng
Doi moi mo hinh tang truong
Hội chợ thương mại khu vực Tam giác phát triển CLV.
 
Báo cáo của tỉnh Bình Phước cho thấy, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 6,83%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tiếp tục tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ giảm tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản. Nếu như năm 2015, ngành nông lâm thủy sản chiếm 36,72%, công nghiệp và xây dựng 24,8%, dịch vụ 38,48%, thì đến năm 2018, tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản ước tính chiếm 26,15%, công nghiệp và xây dựng 38,09%, dịch vụ 35,76%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 tăng 6,64%, trong đó tốc độ tăng GRDP khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,15% so với cùng kỳ năm 2017. Kế hoạch đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản chiếm 32,4%, công nghiệp và xây dựng 30%, dịch vụ 37,6%.

Theo ông Nguyễn Văn Trăm, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế đã phát huy được hiệu quả, góp phần thay đổi tích cực mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn. Chẳng hạn, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bình Phước đã hình thành các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp lâu năm như: cao su, điều, hồ tiêu… Đến nay, toàn tỉnh có 237.000 ha cao su, 134.300 ha điều, 17.000 ha hồ tiêu, 16.000 ha cà phê và 9.000 ha cây ăn trái.

Cùng với các chính sách hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp, tỉnh Bình Phước đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp tiếp cận với đất đai, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã đóng góp lớn vào sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tăng rõ rệt từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Các phương thức sản xuất mới trong nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận đưa vào sản xuất, tạo được sức lan tỏa, mang lại hiệu quả. Các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với chuỗi sản xuất ngày càng đổi mới phương thức từ sản xuất đến quản lý, việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý hàng nông sản được chú trọng, đã xây dựng được thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh, chỉ dẫn địa lý hạt điều của tỉnh Bình Phước...

“Các chương trình phát triển công nghiệp, xây dựng, du lịch, nông, lâm nghiệp… đã góp phần thay đổi, đưa kinh tế xã hội Bình Phước ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng cao. Các giá trị văn hóa dân tộc, di tích lịch sử, di tích văn hóa được bảo tồn và phát huy ”, ông Nguyễn Văn Trăm cho hay.

Tác giả: Thùy Linh - Hồng Minh (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,067
  • Hôm nay133,851
  • Tháng hiện tại9,909,931
  • Tổng lượt truy cập493,773,369
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây