Mô hình trồng rau an toàn ở ấp Thanh Thịnh, xã Thanh Lương, Bình Long. Ảnh: Hoài Thi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất rau sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát, duy trì, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường thực hiện các biện pháp sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất rau tập trung; tăng cường giám sát chất lượng rau, tập trung vào các vùng trồng rau và các loại rau có nguy cơ cao.
Theo báo cáo của Cục bảo vệ thực vật, nhóm rau ăn lá như: Rau muống, rau ngót, cải xanh, cải thảo, cải ngọt, cải bắp… là các loại rau được dùng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, nhưng có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người sản xuất chưa thực hiện tốt quy định trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức của người sản xuất rau an toàn còn nhiều hạn chế; công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau an toàn còn yếu kém; việc quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau còn lỏng lẻo… Do đó, Chỉ thị đã đề nghị các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, kỹ thuật, khuyến nông và người trồng rau về quy trình sản xuất rau an toàn./.
Lê Thanh