UBND tỉnh vừa giao Sở NN&PTNT hỗ trợ phục hồi nghề dệt thổ cẩm cho 30 hộ đồng bào S’tiêng tại thôn Phu Mang II, xã Long Hà, H.Bù Gia Mập.
Toàn tỉnh cũng đã xây dựng 2 mô hình thí điểm dạy nghề quản lý chăm sóc khai thác cao su và kỹ thuật chăn nuôi gà; thành lập thêm 3 trung tâm dạy nghề cấp huyện, nâng tổng số trung tâm dạy nghề toàn tỉnh là 6/10 huyện, thị xã. Theo đó, trong 3 năm các trung tâm đã đào tạo nghề cho 18.451 lao động nông thôn; bồi dưỡng kỹ năng tin học cho cán bộ văn phòng thống kê, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ địa chính – xây dựng và bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho 796 cán bộ, xã, phường, thị trấn về công tác đào tạo nghề nông thôn.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm đánh giá về công tác này do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, các đại biểu dự họp cho rằng: Việc triển khai đề án tại tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do một số huyện triển khai chậm; chưa có nhiều mô hình mới dạy nghề gắn với việc làm có hiệu quả để nhân rộng trên toàn tỉnh; chưa bố trí được biên chế cán bộ phụ trách công tác dạy nghề tại các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thị xã và giáo viên cơ hữu cho các trung tâm dạy nghề huyện, thị xã…
Bên cạnh đó, mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn còn ít, chủ yếu là các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có thời gian đào tạo ngắn. Tỉnh chưa tổ chức đào tạo các nghề mang tính dịch vụ, kỹ thuật chất lượng cao; đồng thời chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho công tác đào tạo nghề. Do đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động; phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, huy động các đơn vị đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh phấn đấu trong năm nay sẽ đào tạo cho 6.000 lao động, trong đó lao động nông thôn trên 4.000 người./.
Lê Thanh