Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nơi thành lập Sư đoàn 302.
Dự lễ có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó Tư lệnh Quân khu 7; lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Về phía tỉnh, có đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 16/12/1977, Sư đoàn 302 (còn gọi là Sư đoàn Bộ binh 2) được thành lập theo Quyết định số 439/QĐ-77 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và làm lễ ra mắt tại xóm Bưng (Làng 2), xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay thuộc ấp 2, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Trải qua quá trình chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành, Sư đoàn 302 đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao - nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khơme Đỏ. Sư đoàn đã viết tiếp những trang sử hào hùng, tô thắm thêm truyền thống kiên cường, bất khuất của người lính Cụ Hồ và của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi lễ khánh thành khu di tích.
Năm 2017, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống của Sư đoàn 302, công trình Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn 302 được xây dựng tại địa điểm trước đây Sư đoàn 302 được thành lập và ra mắt với diện tích hơn 1 ha, gồm các hạng mục công trình: Nhà bia tưởng niệm; nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; bức phù điêu; nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ (cổng, hàng rào...).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng và Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng khẳng định: Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn 302 nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng có giá trị trên địa bàn huyện Lộc Ninh như: Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98, Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà Giao tế), Sân bay quân sự Lộc Ninh, Căn cứ Cục Hậu cần Miền, Địa điểm Chiến thắng Dốc 31… Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” cách mạng cho các hoạt động về nguồn, dâng hương tưởng nhớ, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.