Tham dự lễ đón nhận có đồng chí Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục công tác phía nam Bộ Khoa học và Công nghệ; Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và Công nghệ; ông Fabrice Richy - Giám đốc Cơ quan phát triển dự án Chỉ dẫn địa lý của Pháp tại Việt Nam. Về phía tỉnh Bình Phước, có các đồng chí: Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Thị Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã; các doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh và nông dân trồng điều tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng (bìa phải) đón nhận Văn bằng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Tuệ Hiền cho biết: Cây điều được trồng trên đất Bình Phước từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến nay, cây điều đã được phát triển và trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh. Hiện nay, Bình Phước có diện tích điều ổn định, chiếm 50% diện tích điều cả nước với hơn 134 ngàn ha. Sản lượng đạt khoảng 150 ngàn tấn, kim ngạch nhân điều của Bình Phước trong những năm gần đây đạt khoảng 500 triệu USD/năm. Bình Phước đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu chính với 200.000 ha điều vào năm 2020. Hạt điều Bình Phước được chọn xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia.
Các sản phẩm từ hạt điều có nguồn gốc từ Bình Phước có các đặc điểm riêng biệt, chất lượng nổi trội như: Năng suất cao, hình thức đẹp, tỷ lệ thu hồi lớn, giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon… Trong nhiều năm qua, hạt điều Bình Phước đã tạo được danh tiếng trong nước và thế giới. Xác định đây là cây trồng chủ lực của tỉnh, trong nhiều năm qua, lãnh đạo các bộ ngành trung ương cũng như lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã có sự quan tâm, đề ra những chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển ngành điều Bình Phước.
Cùng với sản phẩm tiêu Quảng Trị, hạt điều Bình Phước vinh dự được Quỹ tăng cường thương mại (Cơ quan phát triển dự án Chỉ dẫn địa lý của Pháp tại Việt Nam) chọn triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”. Trải qua hơn 2 năm phối hợp làm việc với tinh thần trách nhiệm, khoa học và hiệu quả của các đơn vị hữu quan, đến nay quá trình xây dựng hồ sơ bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” đã hoàn thành và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm hạt điều có nguồn gốc xuất xứ từ một số khu vực địa lý của tỉnh Bình Phước và có danh tiếng, chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên và bí quyết sản xuất của người nông dân quyết định. Việc này khẳng định thương hiệu “Hạt điều Bình Phước” không chỉ là danh tiếng mà thực sự đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, phạm vi vùng nguyên liệu điều được xây dựng chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh gồm các xã thuộc huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Phước Long; 7 xã, phường thuộc thị xã Đồng Xoài; 2 xã thuộc huyện Chơn Thành; 4 xã thuộc huyện Hớn Quản./.