Thị trường nông sản 6 tháng đầu năm 2020

Thứ hai - 13/07/2020 10:37
(CTTĐTBP) - Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2020, giá cà phê trong xu hướng biến động giảm là chủ đạo, giá điều thô biến động giảm với mức giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg; giá hồ tiêu trong nước biến động giảm trong tháng 6/2020, còn mủ cao su nguyên liệu biến động tăng.
thi truong nong san 6 thang 2020
CÀ PHÊ

Xuất khẩu cà phê tháng 6/2020 ước đạt 128 nghìn tấn với giá trị đạt 216 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2020 đạt 943 nghìn tấn và 1,59 tỷ USD, tăng 2,4% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 14,7%, 9% và 7,9%.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá trị cà phê xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan (tăng 51%, đạt 20,9 triệu USD), Nhật Bản (tăng 17,2%, đạt 84 triệu USD), Đức (tăng 15,2%, đạt 202,1 triệu USD)... Ngược lại, giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất tại các thị trường: Anh (giảm 29,7%, đạt 27,1 triệu USD), Trung Quốc (giảm 16%, đạt 34,6 triệu USD), Hoa Kỳ (giảm 4,9%, đạt 124,2 triệu USD) và Ý (giảm 4,3%, đạt 107,9 triệu USD). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1.684 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 5/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 đồng/kg xuống mức 30.400 - 30.900 đồng/kg. Giá cao nhất tại khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Tại cảng TP. HCM, giá cà phê giao cũng đã giảm xuống và đang được bán với giá 32.000 đồng/kg. Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2020, giá cà phê trong xu hướng biến động giảm là chủ đạo. So với thời điểm cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.500 - 1.900 đồng/kg. Dự báo thời gian tới, giá cà phê trong nước có thể tăng lên do nguồn cung sụt giảm vì người nông dân không muốn bán hàng với giá quá thấp.

HỒ TIÊU

Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 6/2020 ước đạt 22 nghìn tấn với giá trị đạt 48 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 168 nghìn tấn và 358 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019.  Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu sang nhiều thị trường lớn giảm đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, xuất khẩu hồ tiêu sang Ấn Độ, thị trường xuất khẩu tiêu lớn thứ hai của Việt Nam với 5,1% thị phần, đã giảm đến 39,6% về khối lượng và giảm 47,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu sang Pakistan đã giảm 10,3%; Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất giảm 11,2%; Hà Lan giảm 14%. Đáng chú ý, xuất khẩu hồ tiêu sang Hoa Kỳ và Đức, hai thị trường xuất khẩu tiêu chính của Việt Nam với tổng 25% thị phần, đều giảm trong tháng 5/2020. Cụ thể, xuất khẩu hồ tiêu sang Hoa Kỳ đã giảm 4,2% (về khối lượng) và Đức đã giảm 18,5%.

Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu trong nước biến động giảm trong tháng 6/2020. Cụ thể, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 5.500 đồng/kg xuống mức 49.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 4.500 đồng/kg xuống 47.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắc Lắc, Đắc Nông giảm 5.500 đồng/kg xuống 49.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai giảm 7.000 đồng/kg xuống 47.000 đồng/kg.

ĐIỀU

Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 6/2020 ước đạt 41 nghìn tấn với giá trị 244 triệu USD, lũy kế xuất khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2020 đạt 223 nghìn tấn và 1,47 tỷ USD, tăng 14,4% về khối lượng nhưng giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 36,7%, 12,6% và 9,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Saudi Arabia (tăng 69,4%), ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Nga (giảm 43%).

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 6.721 USD/tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 6/2020 ước đạt 194 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu ước đạt 219 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 6 tháng đầu năm 2020 đạt 602 nghìn tấn và 799 triệu USD, giảm 15,3% về lượng và giảm 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Campuchia, Tanzania, Bờ Biển Ngà là ba thị trường cung cấp hạt điều nhập khẩu chính cho Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu hạt điều từ thị trường Tarzania tăng đột biến với mức tăng 176 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, các thị trường Campuchia, Bờ Biển Ngà cho thấy sự sụt giảm về xuất khẩu hạt điều sang Việt Nam với mức giảm lần lượt là 13,7% và 57,4%.

Tại thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu diễn biến trái chiều trong tháng 6. Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước giảm từ 31.000 đồng/kg xuống 30.500 đồng/kg; tại Đắc Lắc, điều tươi (chưa phân loại) tăng từ 23.500 đồng/kg lên 26.000 đồng/kg, điều khô loại 1 ở mức 47.000 đồng/kg; tại Đồng Nai, điều thô mua xô giảm từ 27.000 đồng/kg xuống còn 26.500 đồng/kg. Tính trong 6 tháng đầu năm, giá điều thô biến động giảm với mức giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

CAO SU

Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 6/2020 ước đạt 115 nghìn tấn, giá trị 136 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2020 đạt 460 nghìn tấn, giá trị 612 triệu USD, giảm 24,7% về khối lượng và giảm 27,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2020 khoảng 1.378 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 64,6%, 5,2% và 3,9%. Khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 6/2020 ước đạt 75 nghìn tấn, giá trị đạt 85 triệu USD; nâng khối lượng nhập khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam lên 377 nghìn tấn, giá trị 534 triệu USD; tăng 20,5% về lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam là Hàn Quốc (chiếm 14,2%), Nhật Bản (7,6%), Campuchia (65,8%).
 
Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động tăng trong tháng 6/2020. Bình Phước bắt đầu cạo mủ trở lại sau thời gian gián đoạn, giá thu mua mủ nước tăng nhẹ từ 245 đồng/độ lên 250 đồng/độ, mủ cao su dạng thô ở mức 12.000 đồng/kg. Giá mủ tại Đồng Nai tăng từ 9.000 - 9.500 đồng/kg lên 9.100 -10.000 đồng/kg./.

Tác giả: Hải Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,079
  • Hôm nay229,301
  • Tháng hiện tại1,228,584
  • Tổng lượt truy cập485,092,022
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây