Đại biểu trao đổi thảo luận tại hội nghị tập huấn
Tại hội nghị, Sở TT&TT đã triển khai Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017; Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018-2019. Tiếp đó, Chi nhánh Viettel Bình Phước triển khai nội dung hướng dẫn sử dụng các tính năng của phần mềm Cổng Dịch vụ công tỉnh và hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính mức 3, mức 4.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Thời gian qua, Bình Phước luôn quyết tâm và đồng hành cùng các địa phương trong cả nước từng bước hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề ra quyết tâm trong giai đoạn 2019-2020 phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Tối thiểu 30% DVCTT thực hiện ở mức độ 4; 50% Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT; 100% Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ; 20% DVCTT sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% DVCTT sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Do đó, hội nghị tập huấn lần này rất quan trọng và ý nghĩa, là điều kiện then chốt để hiện thực các chỉ tiêu trên của Chính phủ. Vì cán bộ, công chức chuyên trách giải quyết thủ tục hành chính của các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh muốn làm tốt cần phải “thông thạo” quy trình và cách thức sử dụng các tính năng của phần mềm thì mới xử lý công việc trên hệ thống DVCTT một cách trôi chảy, đạt hiệu quả./.