Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong giai đoạn 2017 - 2020, doanh số cho vay hộ đồng bào DTTS của huyện là 29,293 tỷ đồng, với 1.035 lượt hộ vay. Dư nợ bình quân các nguồn tín dụng ưu đãi cho đồng bào DTTS của huyện hiện đạt 34,27 triệu đồng/hộ, tăng 9,07 triệu đồng so với thời điểm năm 2017. Với 11 chương trình tín dụng chung mà đồng bào được thụ hưởng ở Phú Riềng, còn có 2 chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù, dự nợ đến nay đạt 36,215 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng dư nợ. Cả huyện còn 3 xã với 5 thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 39,62% so tổng số hộ nghèo toàn huyện.
Để có cơ sở thực tế, đoàn giám sát đã đến thăm, làm việc với 4 gia đình tại thôn 6, xã Long Tân. Qua khảo sát cho thấy, những hộ này đã sử dụng vốn đúng mục đích, bước đầu phát huy hiệu quả. Bà con mong muốn tiếp tục được tiếp cận các nguồn vốn mới, tăng hạn mức vay để đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy đây là những hộ nghèo, hoặc vừa thoát nghèo nhưng độ tuổi trung bình còn rất trẻ.
Thời gian qua, về mặt nhận thức và đời sống của đồng bào DTTS ở đây có nhiều tiến bộ, việc sử dụng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng hiệu quả hơn, nhưng vấn đề mà Phú Riềng gặp phải hiện nay là tình trạng hộ nghèo đồng bào DTTS phát sinh, có xu hướng trẻ hóa do tách hộ. Cùng với đó, không ít hộ vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách, không chủ động, tích cực lao động sản xuất để vươn lên.
Đoàn giám sát đề xuất với huyện Phú Riềng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của bà con. Cùng với đó, cần lồng ghép truyên truyền về chính sách dân số, hôn nhân gia đình để hạn chế tảo hôn, sinh nhiều con. Tăng cường các nguồn vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn. Giải quyết vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở những khu vực có đủ điều kiện, để người dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình./.