Chiến thắng Đồng Xoài: Ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật quân sự

Thứ sáu - 03/07/2020 21:18
(CTTĐTBP) - Chiến thắng Đồng Xoài là một trong những trận đánh then chốt của chiến dịch Đường 14 - Phước Long, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời cho thấy tư duy quân sự khoa học và sáng tạo của quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật quân sự.
1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Sau đợt 1 của chiến dịch tiến công Đường 14 - Phước Long, ta đã tiêu diệt chi khu Bù Đăng, yếu khu Bù Na và một loạt các vị trí trên đường 14 dài khoảng 100km. Hệ thống phòng thủ của địch ở khu vực Phước Long bị mất một mảng lớn. Tuy nhiên, khi phát hiện được lực lượng đánh Bù Đăng của ta là Trung đoàn 271 (đơn vị đã hơn một năm hoạt động ở vùng này), địch cho rằng “khả năng Trung đoàn 271 chỉ đánh Đức Phong, Bù Na là đuối sức, phải củng cố”. Trong khi đó, trên toàn miền, ta hoạt động mạnh ở nhiều nơi, nhất là các khu vực lân cận như Tây Ninh, Tánh Linh… khiến quân đoàn 3 địch luôn phải đối phó.

Ngày 17/12 trong cuộc họp bàn cách đối phó với hoạt động của ta mùa khô năm 1974, 1975, Tư lệnh Quân đoàn 3 địch Dư Quốc Đống nhận định: “Tình hình Phước Long sôi động nhưng đó không phải là trọng điểm tiến công của Việt cộng, trọng điểm vẫn là Tây Ninh”. Từ nhận định trên, địch chủ trương không đưa lực lượng lớn lên Phước Long, sợ bị kìm chân ở đó, nếu bị ta tiến công ở các khu vực khác xung yếu hơn thì không có lực lượng đối phó. Nắm được ý định của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đề nghị và được cấp trên nhất trí: Chớp thời cơ có lợi do thế trận của chiến dịch vừa mở ra, tiêu diệt hai chi khu quân sự Đồng Xoài và Bù Đốp, cô lập chi khu Phước Bình và tiểu khu Phước Long. Mục tiêu chủ yếu của chiến dịch là Chi khu quân sự Đồng Xoài. 

* Tình hình địch:

Chi khu quân sự Đồng Xoài là căn cứ khá lớn, có chiều dài khoảng 600m, chiều rộng khoảng 300m án ngữ một đầu mối giao thông chiến lược ở miền Đông Nam Bộ và là bàn đạp để địch lấn chiếm chia cắt vùng giải phóng của ta. Lực lượng địch ở Chi khu Đồng Xoài có khoảng 1.300 tên. Trong chi khu địch xây dựng lô cốt, ụ chiến đấu và những bức tường dày. Xung quanh căn cứ có hàng rào thép gai các loại xen kẽ các bãi mìn chống xe tăng và bộ binh. Bên ngoài căn cứ có các chốt điểm, chốt cầu Số 2, đồn Phước Thiện, đồn Tạ Thế (phía Bắc). Quân địch ở Chi khu Đồng Xoài được các lực lượng quân đoàn 3, ngụy gần đó chi viện, chiến đoàn 8, sư đoàn 5 ở Phước Vĩnh, 2 chiến đoàn 7 và 9 của sư đoàn 5 ở Bàu Bàng và Bến Cát, liên đoàn 31 biệt động quân ở Chơn Thành; 2 trung đoàn của Sư đoàn 18 ở Bình Dương, trận địa pháo 175 ở Phước Vĩnh. Ngoài ra, không quân địch ở Tân Sơn Nhất, Biên Hòa sẵn sàng chi viện. Có thể nói, Chi khu quân sự Đồng Xoài là một căn cứ lớn và kiên cố, án ngữ một vị trí quan trọng, địch có thể dựa vào công sự vững chắc chống trả lại tiến công của quân ta với sự chi viện của các lực lượng từ nhiều hướng. 

* Tình hình ta:

Ngay từ khi chiến dịch chuẩn bị và tiến hành trận then chốt thứ nhất, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã sử dụng một bộ phận lực lượng vây lỏng quân địch ở Đồng Xoài (Trung đoàn 141 ở vòng trong, Trung đoàn 209 ở vòng ngoài). Sau khi ta hoàn thành trận then chốt mở đầu, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lệnh ngay cho Trung đoàn 165 theo đường 311 cơ động lực lượng lên áp sát Phước Tín và Chi khu Bù Đốp từ phía Nam. Thế trận mới của chiến dịch đã hình thành, tạo điều thuận lợi cho ta tiếp tục tiến công. Thực hiện trong kế hoạch tác chiến chiến dịch, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng hai Trung đoàn 141 và 209 thuộc Sư đoàn 7, 1 Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 201, 2 Tiểu đoàn pháo cao xạ, 7 khẩu đội pháo 85, 105, 122mm và 4 khẩu đội cối 120 và 160mm tiến công đánh chiếm Chi khu quân sự Đồng Xoài.

Để bảo đảm cho Trung đoàn 141 đánh trận then chốt chiến dịch, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng Trung đoàn 201 (thiếu) tổ chức chặn địch ở nam Chi khu Đồng Xoài sẵn sàng đánh địch từ Phước Vĩnh lên Trung đoàn 165 được tăng cường 1 Tiểu đoàn (Trung đoàn 429) đặc công, 3 khẩu pháo 105mm, 1 khẩu đội cối 120mm, 1 khẩu đội pháo 85mm, 1 tiểu đoàn cao xạ có nhiệm vụ tiến công trên hướng thứ yếu của chiến dịch để phối hợp. Mục tiêu cụ thể của Trung đoàn 165 là chi khu Bù Đốp, đồn Phước Tín. Hướng thứ yếu sẽ nổ súng trước để nghi binh thu hút địch, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu triển khai lực lượng đánh trận then chốt.

2. DIỄN BIẾN

Theo đúng kế hoạch, ngày 22/12 Trung đoàn 165 sử dụng Tiểu đoàn 9 được tăng cường Đại đội 12 (Tiểu đoàn 6) và một số phân đội hỏa lực tiến công Chi khu Bù Đốp, Tiểu đoàn 6 (thiếu Đại đội 12) tiến công đồn Phước Tín, Tiểu đoàn 4 tiến công đồn Phước Quả, tạo thế uy hiếp vào hệ thống phòng thủ của địch ở nam thị xã Phước Long. Cùng thời gian trên, Trung đoàn 141 cơ động vào chiếm lĩnh trận địa tiến công Đồng Xoài. Đêm ngày 25/12, các đơn vị đã vào chiếm lĩnh trận địa xong.

Đúng 5 giờ 35 phút ngày 26/12, quân ta nổ súng tiến công. Từ 5 giờ 37 phút đến 7 giờ, các loại pháo cối của ta áp chế mãnh liệt vào các mục tiêu chi viện cho bộ binh mở cửa, đánh chiếm mục tiêu đầu cầu. Khi pháo chuyển làn, từ các hướng quân ta nhanh chóng tổ chức đánh chiếm mục tiêu và khu vực đầu cầu.

Trên hướng chủ yếu, địch dùng hỏa lực bắn chặn mãnh liệt, ta phải tổ chức thêm một mũi vu hồi mới tiêu diệt được các hỏa điểm của chúng. Đến 7 giờ 35 phút, quân ta đã chiếm xong khu vực mục tiêu đầu cầu và nhanh chóng tổ chức thọc sâu vào trung tâm. Quân địch tháo chạy dồn cả vào khu vực sở chỉ huy của tiểu đoàn 341 bảo an. Ba mũi tiến công của ta liên tục tiêu diệt các vị trí ngăn chặn của địch tiến dần vào sở chỉ huy của chúng.

Trên hướng tiến công thứ yếu, Đại đội 7 cũng bị địch ngăn chặn quyết liệt ở khu vực sân bay trực thăng. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 sử dụng ngay lực lượng dự bị là Đại đội 8 vào tăng sức tiến công, càng tiến vào bên trong, địch càng chống cự quyết liệt, quân ta lợi dụng các công trình vật cản tiêu diệt từng cụm quân địch và đánh chiếm các hầm ngầm của chúng. Đến 8 giờ 40 phút, trước nguy cơ bị tiêu diệt, từng tốp quân địch kéo nhau ra hàng. Đến 15 giờ ngày 26/12/1974, quân ta hoàn toàn làm chủ Chi khu Đồng Xoài.
 
3. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ
3.1. Ý nghĩa lịch sử


Trận tiến công Chi khu quận lỵ Đồng Xoài kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ quân địch ở đây, phá hủy và thu toàn bộ vũ khí trang bị của chúng.

Với trận thắng Đồng Xoài, ta giải phóng hoàn toàn quận lỵ Đôn Luân và đường 14, tạo điều kiện to lớn cho chiến dịch Phước Long thắng lợi. Ngày 9/1/1975, chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc đã giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi đó đánh dấu sự suy sụp của quân ngụy, chứng tỏ khả năng mới rất lớn của quân dân ta. Đồng Xoài tuy chỉ là Chi khu nhưng có vị trí hết sức quan trọng, vì là cửa ngõ, là con đường sống nối toàn tỉnh Phước Long và đường 14, đồng thời là cửa ngõ quan trọng để mở hành lang chiến lược chuẩn bị cho quân ta đánh vào Sài Gòn từ phía Đông.

Đồng Xoài được giải phóng, quân dân Đồng Xoài đóng góp nhiều sức của, sức người trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Hàng trăm thanh niên tình nguyện đi bộ đội, dân công phục vụ chiến dịch, đồng thời góp phần quan trọng giải quyết vấn đề lương thực, vận chuyển vũ khí, tổ chức dẫn đường cho bộ đội chủ lực. 3/6 tuyến vận tải bảo đảm cho các hướng tiến công vào Sài Gòn đều xuất phát hoặc đi qua Đồng Xoài. Cụ thể là tuyến 2 từ Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Đồng Xoài đi Bến Cầu tới các cụm thuộc Đoàn 210 đảm bảo cho hướng Bắc; tuyến 3 từ Đồng Xoài, Lộc Ninh đi Chơn Thành, Dầu Tiếng tới Đoàn 235 đảm bảo cho hướng Tây Bắc; tuyến 5 từ Bù Đốp, Lộc Ninh, Đồng Xoài đi Lò Gò, Tà Nông xuống đường 1 với Đoàn 230 và 240, bảo đảm cho hướng Tây và hướng Nam.

Đồng Xoài cũng là địa bàn Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đi lại nhiều lần. Quân đoàn 1 đã tiến công thần tốc qua Đồng Xoài để về cùng giải phóng Sài Gòn.

Như vậy, với chiến thắng ngày 26/12/1974, quân dân Đồng Xoài đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng tỉnh Bình Phước, vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

3.2. Nghệ thuật quân sự

Bộ Tư lệnh chiến dịch lựa chọn Đồng Xoài là mục tiêu then chốt trong đợt 2 là chính xác, tận dụng tốt thời cơ, tích cực tạo thời cơ, sử dụng lực lượng đủ mạnh để tiến công mục tiêu nhanh chóng giành thắng lợi và để lại nhiều bài học quý giá.

Một là, về tổ chức trận đánh then chốt trong chiến dịch.

Các trận đánh then chốt của chiến dịch thường nhằm vào các mục tiêu chủ yếu của chiến dịch. Kết quả của các trận đánh then chốt là dấu hiệu phản ánh toàn bộ kết quả chiến dịch. Trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tiến công Đồng Xoài và Phước Long là 2 trận đánh then chốt. Trận đánh Đồng Xoài phản ánh tính chính xác của việc chọn mục tiêu. Thắng lợi của trận then chốt Đồng Xoài đã góp phần quyết định cô lập hoàn toàn Chi khu Phước Bình và thị xã Phước Long, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi. Theo phân tích của Trung ương Cục và Quân ủy Miền: “Điểm Đồng Xoài là then chốt của toàn tỉnh Phước Long cũng như đoạn đường 14 vì nó là yết hầu, là cửa ngõ, là con đường sống nối toàn tỉnh với các vùng của quân đoàn 3 ngụy. Mất Đồng Xoài  thì toàn bộ tỉnh Phước Long và đường 14 bị cô lập, khốn đốn về tiếp tế mọi mặt cho một tỉnh miền núi nghèo lương thực, thực phẩm…”.

Ta chiếm được Đồng Xoài thì quân địch khốn quẫn ở Phước Long, tạo điều kiện để ta giải phóng toàn tỉnh. Như vậy, Đồng Xoài chỉ là một điểm, một quận lỵ, một chi khu tương đối kiên cố nhưng điểm đó lại là một khâu trong toàn bộ kế hoạch thống nhất của B2 vào mùa khô, một trận mở đầu bất ngờ đối với địch và gây phấn khởi cho lực lượng vũ trang của ta.

Hai là, đánh giá chính xác tình hình địch, tạo lập thế trận vững chắc đánh trận then chốt.

Tạo thế, tạo lực vừa là nội dung vừa là mục đích của giai đoạn tổ chức và chuẩn bị chiến dịch. Tạo được thế trận vững chắc là điều cơ bản để giành ưu thế, giữ chủ động cho cả quá trình phát triển chiến dịch và cũng chính là mở đường giành thắng lợi cho chiến dịch.

Ngay từ khi chuẩn bị và bước vào đợt 1 của chiến dịch, trong khi sử dụng một bộ phận lực lượng đánh chiếm Chi khu Bù Đăng và yếu khu Bù Na. Bộ Tư lệnh chiến dịch đã dự kiến Đồng Xoài là mục tiêu then chốt tiếp theo phải tiêu diệt; sử dụng Sư đoàn 7 (thiếu) hình thành vây lỏng quân địch ở Đồng Xoài (Trung đoàn 141 ở vòng trong và Trung đoàn 209 ở vòng ngoài). Bước vào đợt 2, ta chọn mục tiêu chủ yếu ở Đồng Xoài, mục tiêu thứ yếu nghi binh thu hút địch ở Bù Đốp. Về chiến thuật, đây là hai khu vực hoàn toàn tách biệt nhau, không có tác dụng chi viện cho nhau bằng cả xung lực và hỏa lực. Nhưng về chiến dịch, hai khu vực này có mối quan hệ rất chặt chẽ khi ta đặt chúng vào kế hoạch thống nhất. Chọn Bù Đốp là mục tiêu thứ yếu, có tác dụng nghi binh, thu hút địch, vì đây vừa là tuyến trung gian vừa là cửa ngỏ quan trọng nhất của tuyến trong cùng. Do đó, khi ta tiến công khu vực mục tiêu này sẽ buộc địch phải tập trung mọi nỗ lực để đối phó, thu hút lực lượng của chúng trên hướng đó, tạo thế bất ngờ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng tiến công vào Đồng Xoài.

Thực hiện thắng lợi trận then chốt tiếp theo của chiến dịch do Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nắm chắc thời cơ do đợt 1 của chiến dịch tạo ra, xác định chính xác mục tiêu chủ yếu của chiến dịch để tiếp tục tạo lập thế trận, tập trung lực lượng tiêu điệt địch. Ta tập trung gấp nhiều lần so với địch cả về bộ binh và pháo binh, nhất là trong khu vực đánh trận then chốt.

Ba là, tổ chức và chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ.

Thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh chiến dịch, với tư tưởng chỉ đạo chuẩn bị chu đáo, bao vây khống chế triệt để, tạo và nắm chắc thời cơ, phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng tiến công tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, làm tan rã các mục tiêu khác, đánh nhanh, đánh triệt để, tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Trung đoàn 141 đã có công tác chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Tổ chức trinh sát nắm chắc từng lớp tào của địch, vẽ sơ đồ từng vị trí trong căn cứ, tận dụng được một số cứ điểm cũ của địch ở Minh Hòa, cầu Bà Chiêm, xây dựng thao trường giống như Chi khu Đồng Xoài để luyện tập và hiệp đồng theo cách bước từ tiểu đội, phân đội đến diễn tập chiến thuật toàn Trung đoàn tiến công hiệp đồng binh chủng (tình huống không có xe tăng). Sau khi có mệnh lệnh chính thức, Trung đoàn đã tổ chức nắm địch kĩ lưỡng cụ thể, nắm chắc từng lớp rào, đóng chốt mìn, bí mật cắt dây thép gai trên các hướng ta dự kiến tổ chức vào căn cứ Đồng Xoài.

Trong lúc ta đang điều động lực lượng thực hiện trận then chốt, địch vẫn phán đoán ta chỉ vây Đồng Xoài và Phước Long để bất ngờ tiến công Phú Giáo - Tân Uyên (Biên Hòa), nhằm kéo chủ lực của chúng lên tiêu diệt ở khu vực Chơn Thành (đường 13), Phước Vĩnh. Tuy nhiên, khi phát hiện các hoạt động ngày càng tăng của ta ở xung quanh Đồng Xoài, địch cũng tăng cường thêm cộng sự, vật cản và đưa 1 trung đội ra chốt bên ngoài căn cứ (trên hướng tiến công của tiểu đoàn 1). Phát hiện ý đồ quyết giữ các khu vực Đồng Xoài, Phước Bình, Phước Long của địch, Bộ Tư Lệnh chiến dịch đã lệnh cho Sư đoàn 9 tăng cường các hoạt động ở khu vực đường 13 và đường 7, mạng lưới thông tin nghi binh của Sư đoàn 7 tiếp tục duy trì ở Đông Bắc Phú Giáo, đồng thời lệnh cho lực lượng phòng không tích cực đánh trả không quân địch, lực lượng pháo binh kìm chế chặt pháo binh của chúng ở căn cứ Phước Vĩnh.

Bốn  là, chọn hướng tiến công và xác định khu quyết chiến then chốt.

Xác định đúng hướng và khu vực tác chiến, đặc biệt là hướng chủ yếu và khu quyết chiến then chốt, là cơ sở ban đầu để tiếp tục dự kiến các nội dung, các kế hoạch khác trong công tác chuẩn bị, chi phối đến tổ chức và sử dụng lực lượng, bố trí đội hình. Căn cứ vào tình hình mọi mặt, chỉ huy Trung đoàn 141 xác định mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy tiểu đoàn 341 bảo an và chi khu, hướng tiến công chủ yếu từ phía Tây, hướng tiến công thứ yếu từ phía Đông.

Căn cứ vào đặc điểm bố trí phòng ngự của địch ở cụm cứ điểm Chi khu Đồng Xoài, căn cứ chi khu là mục tiêu then chốt, ở đó địch tập trung lực lượng chủ yếu cả binh lực và hỏa lực và bố trí sở chỉ huy. Mục tiêu này có tính quyết định đối với việc phòng thủ của cả cụm cứ điểm. Xung quanh mục tiêu then chốt, địch bố trí các mục tiêu nhỏ, hình thành nhiều vòng bảo vệ, nhưng các mục tiêu này chỉ làm được chức năng cảnh giới, phát hiện chứ không thể ngăn chặn hoặc bảo vệ. Thực chất các mục tiêu nhỏ vòng ngoài phải dựa vào căn cứ chi khu để tồn tại. Từ đánh giá chính xác khả năng phòng ngự của địch, ta đã chọn cách đánh: Tập trung sức mạnh và tiêu diệt mục tiêu then chốt trước, sau đó từ vị trí bàn đạp thuận lợi này ta phát triển chiến đấu, nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu vòng ngoài. Lựa chọn cách đánh vào cụm cứ điểm Chi khu Đồng Xoài của ta là hoàn toàn phù hợp, khi ta lách qua được sự cảnh giới của các mục tiêu vòng ngoài để tiêu diệt mục tiêu chủ yếu thì toàn bộ cụm phòng thủ của địch bị tan rã. 

Năm là, kết hợp tiến công địch liên tục, đồng thời với quá trình nổi dậy của quần chúng góp phần làm nên thắng lợi Đồng Xoài.

Tại đồn điền cao su Thuận Lợi, khi Đồng Xoài bị tiêu diệt, đội công tác và công nhân vào tiếp quản đồn điền, thu gom vũ khí của tàn binh địch bỏ lại, kêu gọi địch ra trình diện và truy quét bọn còn sống sót. Chiến thắng Đồng Xoài là kết quả của sự kết hợp 3 thứ quân, 3 mũi tiến công và tinh thần cách mạng triệt để của quần chúng đưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phát huy thành quả của chiến công giải phóng Đồng Xoài, Đảng bộ, quân và dân Đồng Xoài tiếp tục cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh giải phóng tỉnh nhà, góp phần cùng đồng bào cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối. Hiện nay, thành phố Đồng Xoài nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm của tỉnh Bình Phước. Với định hướng tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp - du lịch gắn liền với các trục giao thông quan trọng: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14, đường ĐT 741, là cầu nối Đồng Xoài giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có mật độ dân cư đông đúc, có tốc độ đô thị hóa cao và được xác định là một trong những vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước./.
Đồng Xoài, tháng 7/2020
ThS. Bùi Viết Trung
Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Đồng Xoài (2003), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị xã Đồng Xoài 1930 – 1975 (sơ thảo), Đồng Xoài.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2000), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước sơ thảo 1930 – 1975, Bình Phước.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước (2002), Lịch sử Bình Phước kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2011), Tổng kết những trận then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập994
  • Hôm nay228,940
  • Tháng hiện tại1,228,223
  • Tổng lượt truy cập485,091,661
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây