Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của tỉnh Bình Phước tăng 24 bậc so 2016

Thứ tư - 09/05/2018 09:23
(CTTĐTBP) - Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa tổ chức hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017.
>>> Cải cách hành chính góp phần hiện đại hóa nền hành chính
>>> Nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
>>> Chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh
>>> Quyết liệt trong CCHC và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
PAR INDEX 2017
Kết quả PAR INDEX năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nguồn: moha.gov.vn.

Theo thông tin công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, giá trị trung bình PAR INDEX của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt 79,92%, không có Bộ nào có kết quả PAR INDEX dưới 70%. Kết quả PAR INDEX năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả PAR INDEX trên 80% bao gồm 12 Bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp, Công thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhóm thứ hai, đạt kết quả PAR INDEX từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 7 Bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Y Tế và Ủy ban Dân tộc. 
 
PAR INDEX năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giá trị trung bình đạt 77,72%, cao hơn so với giá trị trung bình năm 2016 là 3,08% (năm 2016 đạt 74,64%). Trong đó, 32/63 tỉnh, thành phố có kết quả chỉ số đạt trên giá trị trung bình; 60/63 tỉnh, thành phố đạt kết quả chỉ số trên 70%; có 3 tỉnh đạt kết quả chỉ số dưới 70% (năm 2016 là 15 tỉnh).

Tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc vượt lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2017 với kết quả đạt 89,45/100 điểm, cao hơn 3,99 điểm so với Hà Nội xếp ở vị trí thứ 2; tiếp theo là tỉnh Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng... Tỉnh Bình Phước xếp ở vị trí thứ 33, đạt 77,49 điểm, tăng 24 bậc so với năm 2016 (năm 2016 xếp vị trí thứ 57 với 67,54 điểm).

Theo đánh giá, kết quả triển khai nhiệm vụ CCHC của các tỉnh, thành phố trong năm 2017 đã có nhiều chuyển biến tích cực và đồng đều hơn so với năm 2016. Nền hành chính đã có chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả CCHC đạt được toàn diện trên các lĩnh vực đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của một số Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Vai trò trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan trong CCHC chưa cao, chưa quyết liệt trong triển khai CCHC; công tác xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao… Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao; việc hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp còn chậm; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt kết quả theo yêu cầu…
 
Sipas 2017
Kết quả SIPAS năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nguồn: moha.gov.vn.
 
Về kết quả SIPAS năm 2017, tỉnh cao nhất là Vĩnh Phúc (95,75%), tỉnh thấp nhất là Kon Tum (67,70%) và giá trị trung vị của các tỉnh, thành phố là 79,76%; 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số SIPAS nằm trong khoảng 79,76 - 95,75% và 50% còn lại có chỉ số nằm trong khoảng 67,70 - 79,76%.

SIPAS năm 2017 được xác định trên cơ sở khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở cả 3 cấp hành chính tại địa phương, với tổng số mẫu khảo sát là 33.900 người. SIPAS năm 2017 được thực hiện với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tục hành chính, Công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công, Việc tiếp nhận, giải quyết, góp ý phản ánh, kiến nghị./.

Tác giả: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,711
  • Hôm nay586,727
  • Tháng hiện tại18,409,063
  • Tổng lượt truy cập478,301,750
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây