Cầu 38 (huyện Bù Đăng) nhìn từ trên cao. Ảnh: Lâm Á Rịa
Sự kiện này đánh dấu một mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh của quân, dân tỉnh Bình Phước cùng với quân, dân cả nước làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tự hào về chặng đường lịch sử vẻ vang 45 năm đã qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bình Phước đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, kết thành một khối thống nhất, chung sức, chung lòng, đem tất cả công sức, tâm huyết, tài năng và trí tuệ, vững bước tiến lên, xây dựng tỉnh Bình Phước phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Bình Phước bước vào thời kỳ mới khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều lần tách, nhập về hành chính, đến ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Phước được tái lập và đi vào hoạt động. Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 11 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí không xa Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước - lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển thương mại, du lịch và xuất khẩu... Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 8 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, hơn 30 nhà phân phối và 6.500 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, cửa hàng tiện lợi đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, gia tăng hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 912.270 lượt khách tham quan (khách nội địa 879.860 lượt, khách quốc tế 32.410 lượt), doanh thu đạt khoảng 570,7 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ 2018). Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước thực hiện 2.370 triệu USD, nhập khẩu ước thực hiện 1.450 triệu USD.
Bình Phước có đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu..., tạo nên tiềm năng và lợi thế to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước. Năm 2019, toàn tỉnh hiện có 423.970ha cây lâu năm (cây ăn quả các loại 11.795ha, cây công nghiệp lâu năm hiện có 411.611ha: 137.368ha cây điều, 241.014ha cây cao su, 17.198ha cây hồ tiêu, 15.031ha cây cà phê). Hướng tập trung vào phát triển cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả nông nghiệp và đem lại thành công cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Bình Phước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện: năm 2017 thu nhập bình quân đầu người 40,8 triệu đồng/người/năm, năm 2018 là 43,3 triệu đồng/người/năm và đến năm 2019 đạt 44,4 triệu đồng/người/năm (riêng năm 2019, GRDP bình quân đầu người(*) của tỉnh ước đạt 62,01 triệu đồng/người/năm, tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2018).
Công nghiệp của tỉnh cũng đang từng bước phát triển với nhiều dự án lớn; hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2019 đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (19,38%), góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh (tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2019 đạt 7,8%), công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng phát triển chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu toàn ngành. Năm 2019, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.080 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 13.189 tỷ đồng; về thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), toàn tỉnh đã thu hút được 43 dự án với tổng vốn đăng ký 304,7 triệu USD.
Những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết quả năm học 2018-2019 đạt nhiều thành tích nổi bậc, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 96,06%, đến cuối năm 2019 có 141/435 trường được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt chuẩn 32,3%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cơ bản triển khai đạt yêu cầu. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, nhất là dịch sốt xuất huyết, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Việc lựa chọn các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống đã góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân.
Có thể nhận thấy, trải qua hơn 23 năm xây dựng kể từ ngày tái lập tỉnh (1997), từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp về kinh tế, Bình Phước ngày nay đang từng ngày đổi mới. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông thông suốt, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh chóng, những khu công nghiệp đã hình thành và trên đà phát triển; văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… phát triển và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận; cộng đồng các dân tộc đoàn kết cùng phát triển, mức sống và thu nhập người dân năm sau luôn cao hơn năm trước... Tất cả đã tạo nên một diện mạo xã hội mới trên quê hương Bình Phước, với nhiều kỳ vọng bứt phá hơn nữa trong tương lai./.
(*) Chỉ tiêu “GRDP bình quân đầu người” thường được sử dụng để phản ánh trình độ, năng suất, hiệu quả nền kinh tế trên địa bàn tỉnh; còn chỉ tiêu “Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh” thường được sử dụng để phản ánh mức đời sống, thu nhập bình quân của một người dân trong tỉnh.