50 năm 'Thủ đô kháng chiến' Lộc Ninh - Bài cuối: 'Đất lửa' đơm hoa

Thứ hai - 28/03/2022 08:19

(CTTĐTBP) - Lộc Ninh là huyện biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Bình Phước, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, có đường biên giới dài trên 100km. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng, từ đó Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiến hành xây dựng “thủ phủ”, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến; làm nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chú thích ảnh
Làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Hàng chục ngàn đồng bào từ Campuchia về Lộc Ninh với hai bàn tay trắng, lương thực, thực phẩm khan hiếm, địch lại ra sức thực hiện chính sách “bao vây kinh tế vùng giải phóng”. Trước tình hình đó, Huyện ủy Lộc Ninh đã chỉ đạo các ban, ngành và các xã tổ chức thu mua hoặc đổi lương thực ở bên kia biên giới về cứu đói cho đồng bào, đồng thời phát động phong trào “sản xuất lương thực” trong toàn huyện. Kết quả chỉ sau vài tháng, gần một ngàn héc-ta hoa màu đã lên xanh, chen giữa núi đồi cạnh các lô cao su ven đường, ven suối.

Năm 2003, thực hiện Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20/2/2003 của Chính phủ, huyện Lộc Ninh chia tách 5 xã phía Đông Bắc để thành lập huyện Bù Đốp. Trải qua thăng trầm của lịch sử cùng với nhiều lần hợp nhất và chia tách, huyện Lộc Ninh hiện có tổng diện tích tự nhiên 86.297 ha gồm 15 xã và 1 thị trấn. Dân số của huyện hiện nay là 116.744 người (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20,1% và tín đồ tôn giáo chiếm 14% dân số); kinh tế của Lộc Ninh chủ yếu là nông nghiệp. Toàn huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 3 xã còn lại đạt bình quân từ 12-14 tiêu chí.

Theo ông Lê Trường Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2016, toàn huyện có hơn 2.000 hộ nghèo, chiếm 6,78% tổng số hộ dân, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo. Thực hiện Chương trình xóa 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, huyện đã sớm về đích, từng bước diệt “giặc nghèo”, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với việc ban hành nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, huyện đã triển khai chương trình “Khát vọng thoát nghèo”. Thông qua chương trình này, đến nay, hàng trăm hộ nghèo đã viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo, thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Thạnh hiện không còn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,78% năm 2016, xuống còn 1,42% vào cuối năm 2021.

Tạo bước đột phá phát triển kinh tế vùng biên

Là địa phương có hơn 100 km đường biên giới, với lợi thế của Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nơi giao thương, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước Campuchia, qua Lào, Thái Lan, đó là điều kiện để Lộc Ninh tận dụng thế mạnh, phát triển kinh tế vùng biên.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đánh giá, thời gian tới, Lộc Ninh tập trung xây dựng, khai thác Khu đô thị Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, trong đó xác định chức năng của các khu đô thị là thương mại, dịch vụ.

Đối với hạ tầng giao thông, một số dự án quốc gia được triển khai như: Dự án đường sắt Thị Vải - Dĩ An - Hoa Lư; đường cánh Tây nối Hoa Lư - Chơn Thành - Bình Dương – Thành phố Hồ Chí Minh; đường cánh Đông: Minh Lập - Lộc Hiệp; Quốc Lộ 13, đường tránh thị trấn Lộc Ninh; các tuyến nối Tây Ninh - Lộc Ninh… sẽ là động lực giúp Lộc Ninh phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư đến năm 2025 với tính chất là khu kinh tế cửa khẩu nhằm phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia; là trung tâm thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Phước; là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ quan trọng trong vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Chú thích ảnh
Một góc đô thị Lộc Ninh ngày nay

Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư có quy mô 28.364 ha bao gồm các xã Lộc Thái, Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc Thạnh và thị trấn Lộc Ninh. Đến nay, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu Kinh tế quản lý 3.535 ha, tỉnh đã cấp phép cho 88 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng diện tích 1.719 ha. Huyện đang đề xuất cơ chế phối hợp quản lý đặc thù đối với Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, hệ thống thoát nước, hồ chứa nước trong khu kinh tế, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư; phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp trong khu kinh tế.

Ngoài kinh tế cửa khẩu, huyện Lộc Ninh đang tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến năm 2025 phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP dựa trên việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực hiện có tại địa phương. Huyện đang quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời với công suất 5.000 MW; trong đó dự án 800 MW đi vào hoạt động, đóng góp vào ngân sách của tỉnh hơn 500 tỷ đồng/năm.

Đối với phát triển du lịch, huyện chú trọng các điểm nhấn như du lịch về nguồn khai thác thế mạnh của các Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt căn cứ Tà Thiết, nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, di chỉ khảo cổ Bãi Tiên; du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số Khmer, S’tiêng; du lịch gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp...

Tác giả: Sỹ Tuyên (TTXVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập751
  • Hôm nay88,808
  • Tháng hiện tại11,805,534
  • Tổng lượt truy cập495,668,972
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây