50 năm 'Thủ đô kháng chiến' Lộc Ninh - Bài 1: Giải phóng Lộc Ninh, mở toang cánh cửa Đông Bắc Sài Gòn

Thứ hai - 28/03/2022 08:10

(CTTĐTBP) - Nói đến vùng đất Lộc Ninh, Thượng tướng Trần Văn Trà – nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam từng nói “... Đó là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, hy sinh to lớn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của đồng bào Kinh, Thượng, của biết bao con người trên mọi miền đất nước đã sống và chiến đấu trên vùng đất đỏ Lộc Ninh”.

Nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết: “Lộc Ninh xinh một cụm hồng - Ai hay đất lửa, máu hồng đơm hoa”. 

50 năm đã qua, từ vùng đất của “Thủ đô kháng chiến”, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam với những địa danh đã ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc như Căn cứ Tà Thiết, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Kho xăng dầu Lộc Quang chi viện cho chiến trường B2, Nhà giao tế - trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Lộc Ninh hôm nay là vùng đất trù phú với thế mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế vùng biên… 

Chú thích ảnh
Di tích bồn xăng - kho nhiên liệu VK98 Lộc Ninh, nơi chi viện cho chiến trường miền Nam

Bài 1: Giải phóng Lộc Ninh, mở toang cánh cửa Đông Bắc Sài Gòn

Theo Tỉnh ủy Bình Phước, giai đoạn 1970 - 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta có nhiều chuyển biến thuận lợi. Trước diễn biến mới trên chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở miền Nam.

Huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng

Cuộc tiến công chiến lược này được tiến hành đồng thời trên ba hướng chiến lược: Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ với ba chiến dịch tiến công quy mô cấp quân đoàn, trong đó cuộc tiến công ở miền Đông Nam Bộ mang mật danh “Chiến dịch Nguyễn Huệ”. Chiến dịch diễn ra trên không gian rộng bao gồm 4 tỉnh ở phía Bắc Sài Gòn: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương.

Xác định được vị trí chiến lược của Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Bộ Chỉ huy Miền xác định tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh là trận đánh then chốt. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định lấy hướng đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu, đường 22 làm hướng thứ yếu. Trên hướng thứ yếu, khu vực từ ngã ba đường 17 lên Bắc Lộc Ninh, trong đó có cụm cứ điểm Lộc Ninh được chọn làm khu quyết chiến then chốt mở màn chiến dịch.

Cụm cứ điểm Lộc Ninh do Chiến đoàn 9 thuộc Trung đoàn bộ binh 5 Ngụy phụ trách; có cấu trúc công sự kiên cố và lực lượng cơ động mạnh. Điểm hạn chế của nó là cách xa căn cứ quân sự lớn, khó tranh thủ được sự chi viện kịp thời từ phía sau lên, binh lực bố trí phân tán trên nhiều khu vực cách xa nhau.

4 giờ ngày 1/4/1972, đơn vị C30B nổ súng tiến công vào đội hình phòng ngự của Chiến đoàn 49 tại Xa Mát - Bàu Dung và Bắc Thiện Ngôn. Sau 4 ngày đêm mở chiến dịch, ta đã giành thắng lợi giòn giã trên hướng thứ yếu, tiêu diệt cụm cứ điểm tiền tiêu Xa Mát, đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 49 địch, làm chủ từ Bắc Thiện Ngôn đến biên giới.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 5/4/1972, pháo binh ta bắt đầu nổ súng tiến công vào cụm cứ điểm Lộc Ninh, phá hủy một phần công sự, làm cho quân địch hoảng loạn. Sau 3 ngày vừa liên tục bắn phá vây hãm, tiến công, vừa tổ chức đánh địch ứng cứu, khi quân địch tháo chạy, lọt vào trận địa chốt chặn của Trung đoàn 1, bộ đội đánh dồn địch xuống lòng suối Rong Can, chia cắt, tiêu diệt và bắt gọn, trong đó có viên Đại tá Nguyễn Công Vĩnh - Chỉ huy Chiến đoàn. 21 giờ ngày 7/4/1972, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm chi khu Lộc Ninh.

Lộc Ninh được giải phóng hoàn toàn (là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng) đã gây kinh hoàng cho Quân đội Sài Gòn. Chiến đoàn 52 bỏ căn cứ Đồng Tâm tháo chạy về An Lộc đã bị Trung đoàn 209 chặn đánh tiêu diệt một số lớn tại cầu Cần Lê.

Mở toang cánh cửa Đông Bắc Sài Gòn

Lộc Ninh được giải phóng với dân số 25.000 người đã nhanh chóng được biến thành một trung tâm chính trị, quân sự, ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của trận tiến công Lộc Ninh đã làm sụp đổ toàn bộ khu vực phòng ngự tiền tiêu của địch ở Bắc đường 13, mở toang cánh cửa xuống phía Nam, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển.

Thành công của trận Lộc Ninh – trận đánh then chốt đầu tiên, đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Đông Nam Bộ; tạo thế uy hiếp trực tiếp đối với tuyến phòng thủ ven Sài Gòn, tạo điều kiện cho các địa phương của Nam Bộ tiếp tục tiến công đánh phá bình định của địch.

Với Chiến dịch Nguyễn Huệ, lần đầu tiên miền Đông Nam Bộ giải phóng được một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu Bắc Sài Gòn, mở vùng Bắc Bình Dương, uy hiếp cửa ngõ Sài Gòn. Vùng giải phóng mới được nối thông với Đông Bắc Campuchia với Tây Nguyên và với vùng hậu phương chiến lược miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Khu rừng Chính phủ - nơi chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Đầu năm 1973, lực lượng vũ trang Bình Phước được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chủ lực Miền bảo vệ vùng căn cứ Lộc Ninh. Từ ngày 4 đến ngày 7/3/1973, Trung ương Cục có cuộc họp với Tỉnh ủy Bình Phước nhất trí trước mắt tập trung lực lượng xây dựng căn cứ địa tại Bình Phước trên cơ sở ba huyện được giải phóng gốm Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, trong đó Lộc Ninh là điểm trọng tâm.

Chú thích ảnh
 Hội trường làm việc của Bộ Chỉ huy Miền tại căn cứ Tà Thiết. 

Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ sóc Con Trăng – Tây Ninh về đóng tại sóc Tà Thiết – Lộc Ninh.

Căn cứ Tà Thiết là nơi từng diễn ra các cuộc họp và tiếp các phái đoàn cấp cao của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu – Trung ương Cục Miền Nam. Đặc biệt, tại căn cứ Tà Thiết, ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) về việc thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề nghị Trung ương đặt tên cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Sau đó, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên thành chiến dịch mang tên Bác – Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Căn cứ Tà Thiết là trung tâm đầu não của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, là nơi đóng chân của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, do vậy, người dân trong vùng quen gọi là "khu rừng Chính phủ".

Bài 2: Để những dòng tin chảy mãi

Tác giả: Sỹ Tuyên (TTXVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,470
  • Hôm nay422,483
  • Tháng hiện tại10,246,745
  • Tổng lượt truy cập455,641,867
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây