Chuyện gì đây?
Anh Phan Văn Tới, một chuyên gia vi tính, cho biết: “Chỉ cần vài phút lướt web trên mạng facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp những dòng chia sẻ trạng thái status (một tính năng đăng tải thông tin của facebook cấp cho người dùng) với nhiều câu gây sốc, lố bịch, ồn ào nhằm câu like (để người khác bấm thích). Kiểu như là: “Học học học… hộc máu”; “Cuộc đời còn dài tương lai còn khốn nạn, dòng người vẫn đi dòng chó vẫn sủa”; “Tuổi học sinh không yêu là tốt - Yêu vào rồi cái dốt lộ ra - Ngồi trong lớp nghĩ đến người ta - Bài kiểm tra toàn 3 với 4 - Học là lợi, yêu là hại - Vừa học vừa yêu thì quả là lợi hại…”.
“Dường như những phát ngôn gây sốc ấy đã trở thành mốt của các bạn trẻ đang sử dụng facebook hiện nay. Chỉ sau vài giờ đăng tải, những câu nói kiểu “cười té ghế” như trên đã thu hút một lượng lớn bạn bè, người dùng facebook khác bấm thích, bình luận nhằm thể hiện sự khoái chí, đồng hội đồng thuyền và còn chia sẻ cho nhiều bạn bè khác trên facebook để cùng bấm thích giống mình”, Đỗ Thế Sơn – một bạn trẻ dùng facebook tâm sự.
Clip 2 nữ sinh đánh nhau đăng trên trang facebook “hội những người thích xem 9x đánh nhau”
thu hút 11 lượt bấm thích. Ảnh chụp từ màn hình trang facebook này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều bạn trẻ dùng facebook đã không ý thức được những nội dung hay – dở, tốt – xấu; hoặc hiểu ý nghĩa và bản chất nội dung là xấu, là không nên nhưng vẫn cố tình bấm thích, bình luận ủng hộ theo quán tính. Nghĩa là cứ có thông tin chia sẻ gì mới của bạn bè đăng trên tường facebook là bấm thích túi bụi. Vô hình trung, hành động cẩu thả, dễ dãi này đã cổ súy cho những nội dung tiêu cực mang tính bạo lực, tục tiễu, chửi đổng… báo động sự tụt dốc, xuống cấp trong văn hóa ứng xử của một số bạn trẻ.
Những câu nói kiểu “không nên” như thế này dễ dàng bắt gặp trên facebook: “Chiều nay gặp mày việc đầu tiên là tao sẽ bóp cổ mày, đợi mà coi (trên tường facebook của Quỳnh Anh N.); ĐM cái lũ bán sim số đẹp đừng có tag (đính/dán) vào facebook bà mày nữa nha (trên tường facebook của V.D.Chu Thị); “Học sinh là thuyền – Tình yêu là biển – Phụ huynh không có quyền – Cấm thuyền và biển (trên tường facebook của Nguyễn N.)… Điều đáng buồn là những câu nói như thế lại thu hút một lượng đông người bấm thích và bình luận để a dua theo. Thậm chí một số bạn trẻ còn lập trang fanpage facebook (trang của nhóm người cùng sở thích) với tên gọi “Hội những người thích xem 9x đánh lộn”, đăng tải vô số clip học sinh đánh nhau và có đến 482 người bấm thích trang này (tính đến 9 giờ 5 phút ngày 29-1-2015).
Cười hay khóc?
Chị Đào Thị Phương – Giáo viên dạy môn văn (Trường THPT Trần Phú, Hớn Quản) chia sẻ: “Bên cạnh những phát ngôn gây sốc, các bạn trẻ thế hệ 9X, 10X còn bộc lộ những yếu kém về lối hành văn, chính tả và ưa dùng ngôn ngữ tuổi teen, viết tắt, ký hiệu vô tội vạ trên facebook. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, trong sáng của tiếng Việt. Hậu quả lâu dài là các em dùng sai từ, ngữ pháp tiếng Việt mà không hề hay biết”.
Để minh chứng điều này, chúng tôi trích đăng một số câu nói sử dụng ngôn ngữ teen, viết tắt của một số bạn trẻ dùng facebook: “Song o tren doi ban tki wa it ma bè tki wa nkiu (tạm dịch “sống ở trên đời bạn tri kỷ quá ít mà bè tri kỷ quá nhiều”), “ngày nào kug zuj kó 1mk tuj la pùn” (tạm dịch “ngày nào cũng vui có một mình tôi là buồn”), “Hum ni gặp ex of m tại wan café” (tạm dịch “hôm nay gặp người yêu cũ của mày tại quán cà phê”). Và những câu sai chính tả, lỗi hành văn kiểu như thế này vẫn được các bạn trẻ sử dụng: “Tối ấm nghủ ngon nha”, “mày túng tao cho mượn nhưng phải chả tháng sau xớm hen”, “cô nói hiểu chết liền lên bạn có thể chỉ rúp mình được không?”…
Anh Phan Văn Tới chia sẻ thêm: Hiện tại mạng facebook cung cấp cho người dùng 3 tính năng phổ biến (like – thích, comment – bình luận, share - chia sẻ) để người dùng tương tác, trao đổi với nhau. Do đó, đã có nhiều chuyện nực cười xảy ra đối với trường hợp bấm like trên facebook. Đơn cử như trường hợp người dùng facebook Thu Hoài T. đăng tải dòng tin: “Cảm thấy buồn quá. Em trai họ tôi mới mất vào tối qua vì tai nạn giao thông”. Ngay sau khi dòng thông tin được đăng tải, trên trang facebook cá nhân của Thu Hoài T. đã nhận được hơn 20 lượt bấm thích từ bạn bè của cô, nhằm bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ. Sở dĩ bạn bè của Thu Hoài T. bấm thích, vì facebook hiện tại chưa cung cấp nút dislike (không thích) cho người dùng.
|
Hãy biến facebook thành kênh thông tin hữu ích
Anh Trần Quốc Duy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, cho biết: “Facebook có những tính năng chat (tán gẫu), gửi thư điện tử, chia sẻ phim, ảnh, xã luận… nhằm kết nối các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau, không phân biệt không gian, thời gian. Những tính năng đó giúp người dùng kết nối bạn bè, cải thiện cuộc sống tình cảm, khích lệ nhau hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn; tăng hứng thú trong học tập, lao động, tìm kiếm việc làm; góp phần hình thành loại hình thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến… Tuy nhiên, nếu không biết dùng đúng cách, những thông tin chia sẻ, bình luận, đùa quá trớn, lố bịch, tục tiễu, phản cảm dễ bị người khác phản ứng, chỉ trích và tự đánh mất hình ảnh của mình; nhiều thông tin chia sẻ cá nhân dễ bị tiết lộ và bị người khác lợi dụng; nhiều người sử dụng facebook để rao vặt, bán hàng gây phiền toái cho người dùng khác; sử dụng facebook nhiều để tán gẫu sẽ gây nghiện, tiêu tốn thời gian, công sức một cách vô bổ. Do đó khi sử dụng facebook, các bạn trẻ cần lưu ý về quy tắc truyền thông cá nhân để tránh việc dùng facebook trở thành một thảm họa đối với bản thân và người xung quanh. Hãy biến facebook của bạn thành một kênh thông tin hữu ích cho bản thân và những người xung quanh.
|
|
Thanh Phương