Thủ tướng: 4 ưu tiên để đột phá hơn nữa về chuyển đổi số

Thứ năm - 13/07/2023 07:48

(CTTĐTBP) - Chiều 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

img1582 168915991229916535373
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực.
 

img1575 1689160016641565345796
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 01 Luật, ban hành 01 Nghị định, 02 Chỉ thị, 01 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển hệ sinh thái công dân số, kinh tế số và xã hội số. 100% bộ, ngành, địa phương thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.

Các tổ chức chính trị-xã hội cùng đồng hành, tham gia tích cực trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động Tháng Thanh niên năm 2023 với chủ đề "Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số". Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả với gần 75.000 tổ và gần 350.000 thành viên ở tất cả các tỉnh, thành (tăng gần 6.000 tổ và 30.000 thành viên so với cuối năm 2022).
 

img1576 1689160072341281358259
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khung khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực. Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào ngày 22/6/2023; ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật triển khai Đề án 06 nhằm cắt giảm thủ tục, giấy tờ; hướng dẫn số hóa…

Kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số chiếm tỉ trọng trên 15,2% GDP trong 06 tháng đầu năm 2023. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính đến 100% xã trên toàn quốc. Đã phủ sóng cho 2.164/2.418 thôn, bản lõm sóng (đạt 89,5%).

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Đã hoàn thành về cơ bản cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc; cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 01 doanh nghiệp nhà nước và 03 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra nhiều tiện ích, phục vụ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như: Tích hợp thẻ căn cước công dân với thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) (đã có trên 95% cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng với gần 36,5 triệu lượt khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân); làm sạch 41 triệu thông tin tín dụng ngân hàng; bước đầu sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM với trên 17.000 lượt sử dụng; triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống…

Bên cạnh đó, các CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh xây dựng, kết nối, liên thông và ứng dụng ngay.
 

img1567 16891601141421806840198
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Đã có gần 8 triệu tài khoản và 20,7 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Triển khai 35/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4, giúp tiết kiệm hàng năm trên 2,5 nghìn tỷ đồng; ngành công an đã đưa 227 dịch vụ công lên môi trường điện tử (cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an...). Thí điểm thành công 02 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí tại Hà Nội và Hà Nam.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được quan tâm, chú trọng. Đến tháng 6/2023, có 63% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Góp phần thúc đẩy tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các báo cáo và ý kiến cho thấy một số kết quả tích cực trong chuyển đổi số quốc gia, cụ thể là trong nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về dữ liệu, đầu tư tài chính, cơ sở vật chất và con người, tạo các dịch vụ công, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân trong triển khai Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng nêu rõ, những kết quả tích cực này mới chỉ là bước đầu và chúng ta vẫn chưa hài lòng, còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Nhiều chỉ tiêu chưa có thông tin để đánh giá; trong các chỉ tiêu có thông tin đánh giá cũng có một số chỉ tiêu khó hoàn thành. Tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn là mức trung bình khá.

Chất lượng dịch vụ công trực tuyến (theo tiêu chí đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, an ninh) còn thấp, chưa đạt kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia còn thấp.

Nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. An toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân và bài học, mà trước hết là vai trò của người đứng đầu, nếu người đứng đầu vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì ở phía dưới có sự chuyển động mạnh mẽ; phát triển hạ tầng phải đồng bộ, toàn diện, liên thông, nhanh chóng hiện đại hóa hạ tầng số; tạo động lực, cảm hứng để người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào chuyển đổi số.

Tạo đột phá hơn nữa trong chuyển đổi số

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm quý, bài học hay, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để triển khai thành công Đề án 06, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo.

Theo đó, phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng phải có ưu tiên. Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên gồm: Ưu phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" (dữ liệu là tài nguyên), ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thủ tướng nêu rõ: Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam. Xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam. Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. 

Cùng với đó, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Có tầm nhìn chiến lược và liên tục đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; phát triển từ quy mô cấp tỉnh, vùng, quốc gia sang quy mô quốc tế gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tổ chức triển khai chuyển đổi số quốc gia tại từng bộ, ngành, địa phương phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia trong tương lai.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên trực tiếp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, sản phẩm chuyển đổi số của chính bộ, ngành, địa phương mình; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06.

Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDLQG về dân cư. Đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới. Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đẩy mạnh sử dụng, phát triển nền tảng định danh điện tử VneID

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, mà trước hết là phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, với quan điểm "chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được".

Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số quốc gia ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư, tháo gỡ các điểm nghẽn, khẩn trương hoàn thành các nhóm công việc chưa triển khai trong 6 tháng đầu năm 2023.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng với phương châm một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản, áp dụng quy trình rút gọn. Thể chế phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản điều chỉnh phù hợp với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, hoàn thành trong tháng 8/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan theo hướng đẩy mạnh sử dụng, phát triển nền tảng định danh điện tử VneID (sử dụng định danh điện tử VNeID để tạo lập tài khoản mới đối với thông tin thuê bao di động; cấp chữ ký số gắn liền với định danh điện tử; sửa đổi Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo trình tự, thủ tục rút gọn…).

Cùng với đó, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, hoàn thành trong tháng 7/2023; cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 3.0), hoàn thành trong tháng 9/2023.

Thủ tướng giao Bộ Công an sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID. 

Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành hoàn thành thực thi 19 Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và rà soát sửa đổi văn bản, thủ tục hành chính có yêu cầu giấy tờ cư trú, làm cơ sở cho địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện. Việc sửa đổi cần phải đơn giản hóa giấy tờ, thông tin người dân phải khai nộp, nhưng phải bảo đảm thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong khai thác dữ liệu công dân phù hợp với các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, chuyển từ thụ động sang chủ động. Tổ chức triển khai 02 dịch vụ công liên thông Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc với tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện, nâng cấp.

Phấn đấu đến cuối năm 2023 có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng, triển khai các nền tảng số, CSDL chuyên ngành gắn với CSDL quốc gia về dân cư trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử…; sớm hoàn thành xây dựng CSDL quốc gia về công chức, viên chức để chính thức đưa vào hoạt động vào cuối năm 2023; sớm triển khai CSDL về an sinh xã hội để nắm bắt tình hình người lao động bị mất việc làm, người đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm…; triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân gắn chip tại các cơ sở khám chữa bệnh để rút ngắn quá trình làm thủ tục; phục vụ hành khách làm thủ tục đi tàu bay tại các sân bay trên các tuyến nội địa…

Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh cấp tài khoản định danh cấp độ 2 trở lên và đẩy mạnh phát triển ứng dụng trên nền tảng VNeID. Phấn đấu đến cuối năm 2023 có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID với ít nhất 10 ứng dụng, tăng trưởng 3-5%/tháng.

Đẩy mạnh làm giàu thông tin, tích hợp các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VneID bằng cách cho phép người dân được cập nhật dữ liệu cá nhân lên hệ thống và xác thực (trình độ học vấn, quan hệ họ hàng; giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, điện nước, viễn thông, công chức, viên chức, Đảng viên….).

Sớm nghiên cứu, thí điểm tại một số đô thị loại 3 để triển khai đồng bộ ứng dụng VneID từ làm giàu dữ liệu và triển khai ứng dụng quản lý xã hội và tiện ích cho người dân (tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; tiện ích cho người dân như lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn, ly hôn, dịch vụ ngân hàng; dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công…).

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế. Phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vào hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, siêu thị, trung tâm thương mại…

Thứ năm, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo ra những giá trị mới. Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Trung tâm dữ liệu quốc gia để tổ chức triển khai đi vào thực hiện cuối năm 2024. Sớm nghiên cứu và xây dựng Trung tâm điều phối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (để chuyên xử lý dữ liệu, đối soát dữ liệu, làm sạch, làm giàu dữ liệu; xác thực dữ liệu; tra cứu dữ liệu; tích hợp và chia sẻ dữ liệu; triển khai phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; tổng đài giải đáp thông tin, giải đáp phản ánh, kiến nghị...)

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân; huy động nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các nước trên thế giới về chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông tạo đồng thuận xã hội.

Về nguồn lực, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, vốn chi thường xuyên của chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn lực thực hiện. Bộ Nội vụ tiến hành rà soát chung và đề xuất tổng thể với Chính phủ về nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án 06. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn định mức đầu tư phù hợp trong chuyển đổi số để thống nhất thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công ở cấp độ quốc gia, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,452
  • Hôm nay152,057
  • Tháng hiện tại17,974,393
  • Tổng lượt truy cập477,867,080
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây