Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là làm sao để chính quyền cơ sở và người dân khu vực nông thôn hiểu thấu và chung tay tham gia ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là sử dụng các dịch vụ số do chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp.
Chuyện về đăng ký khai sinh, làm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 06 tuổi
Trước đây chưa chuyển đổi số, để làm thủ tục đăng ký khai sinh, phụ huynh em bé hoặc người đi đăng ký khai sinh mang các giấy tờ: Tờ khai đăng ký khai sinh (làm theo mẫu, thường đến trực tiếp để được cấp và điền thông tin, ký xác nhận), Giấy chứng sinh, Căn cước công dân (CCCD) và Giấy chứng nhận kết hôn đến trực tiếp bộ phận tư pháp xã/phường/thị trấn (qua bộ phận một cửa). Tại đây, cán bộ tư pháp sẽ làm thủ tục cấp Giấy khai sinh cho em bé, rồi trả kết quả (thường trong ngày).
Sau khi có Giấy khai sinh, để được cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi, phụ huynh mang một bản sao Giấy khai sinh đến bộ phận Lao động - Xã hội tại xã/phường/thị trấn (qua bộ phận một cửa) nơi sinh sống để đăng ký cấp thẻ BHYT.
Phụ huynh sẽ được hẹn ngày trả thẻ BHYT (do cán bộ Lao động - Xã hội phải đem hồ sơ lên Bảo hiểm Xã hội (BHXH) huyện để đăng ký. Việc này thường được thực hiện theo đợt, gộp nhiều hồ sơ để không đi lại nhiều lần, khi có kết quả sẽ báo phụ huynh đến nhận. Như vậy, phụ huynh phải mất ít nhất 04 lần đến xã/phường/thị trấn để có được Giấy khai sinh và thẻ BHYT cho con em.
Chuyển đổi số giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số đã áp dụng triển khai việc cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến đăng ký Giấy khai sinh. Để đăng ký Giấy khai sinh, phụ huynh chỉ cần lên Cổng DVC quốc gia đăng nhập vào hệ thống, với điều kiện đã có tài khoản sử dụng (nếu chưa có thì thực hiện thêm bước đăng ký tài khoản này trên Cổng DVC). Sau đó, lựa chọn dịch vụ Đăng ký khai sinh, nơi đăng ký khai sinh và điền thông tin lên biểu mẫu điện tử “Tờ khai đăng ký khai sinh”, kèm theo bản chụp các giấy tờ: Giấy chứng sinh, thẻ CCCD và Giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ.
Để đăng ký làm thẻ BHYT, người đăng ký khai sinh chọn “Đăng ký làm thẻ bảo hiểm y tế” trước khi nộp hồ sơ trực tuyến. Sau khi nộp hồ sơ, phụ huynh sẽ nhận được thông báo tiếp nhận hồ sơ qua thư điện tử và thông tin về thời gian trả kết quả.
Trong quá trình xử lý hồ sơ, nếu có sai sót thông tin, giấy tờ đã nộp, cán bộ tư pháp sẽ liên hệ trực tiếp qua kênh điện thoại hoặc qua mạng để hướng dẫn trực tuyến, phụ huynh không phải đến xã/phường/thị trấn. Phụ huynh sẽ được trả kết quả Giấy khai sinh tại bộ phận một cửa xã/phường/thị trấn và ký xác nhận vào Sổ khai sinh. Thẻ BHYT cũng sẽ được thông báo, gửi cho phụ huynh.
Như vậy, phụ huynh không cần trực tiếp đến xã/phường/thị trấn để làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thẻ BHYT. 02 thủ tục này chỉ cần thực hiện một lần. Người dân chỉ cần một lần đến nhận Giấy khai sinh, do quy định phải kiểm tra thông tin Giấy khai sinh, thông tin trong Sổ khai sinh, ký nhận và một lần nhận thẻ BHYT (có thể được gửi qua đường bưu điện tới tận nhà).
So với trước đây, khi chuyển đổi số, thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký cấp thẻ BHYT, phụ huynh giảm được ít nhất 03 lần đến cơ quan cấp xã để làm thủ tục. Điều này, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Chuyện về tiếp cận dịch vụ giáo dục cho trẻ em vùng nông thôn
Trước đây, trẻ em, học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ giáo dục chất lượng thường hạn chế hơn trẻ em, học sinh ở khu vực đô thị, nhất là so với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, đặc biệt các môn học như ngoại ngữ, kỹ năng mềm, các chương trình ôn luyện nâng cao. Đội ngũ giáo viên có trình độ cao hay các giáo viên các môn học như ngoại ngữ, kỹ năng thường tổ chức giảng dạy ở những nơi người dân có điều kiện sống tốt hơn, có khả năng đáp ứng yêu cầu và tiếp nhận dịch vụ tốt hơn.
Điều này tạo ra khoảng cách về tiếp cận dịch vụ giáo dục, do ở nông thôn không có, hoặc có rất ít các dịch vụ giáo dục tốt, hoặc các em phải lên thị trấn, đô thị trung tâm để được học, sử dụng dịch vụ. Rào cản về địa lý, giao thông, thời gian, tài chính… tạo ra khoảng cách lớn về tiếp cận dịch vụ giáo dục giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn.
Hiện nay, khi thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đã thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ giáo dục bằng dịch vụ giáo dục số. Để rút ngắn khoảng cách này, các dịch vụ giáo dục được số hóa, đưa lên các nền tảng số, cung cấp dịch vụ cho người học mọi nơi, mọi lúc, không phân biệt khoảng cách, vùng miền.
Những bài giảng hay của giáo viên có trình độ chuyên môn cao ở khu vực nông thôn hay thành thị khi được số hóa, sẽ được đưa lên nền tảng số giáo dục. Học sinh khắp mọi miền đều có thể được tiếp cận, miễn là có kỹ năng số, có kết nối internet tốc độ cao và có phương tiện số để truy cập, sử dụng. Các nền tảng số như thế này có rất nhiều, chẳng hạn như trong đại dịch Covid-19, học sinh hay chính các phụ huynh thường sử dụng Zoom, Google Meet, hay MS Team để học tập, làm việc, trao đổi.
Các thầy cô ở một nơi, các học sinh ở nhà của mình, nhưng vẫn có thể cùng nhau tham gia lớp học. Cũng với mô hình này, hiện nay, học sinh ở nông thôn có thể tham gia lớp học của thầy cô ở Hà Nội hay TP.HCM mà không cần phải lên tận Hà Nội, TP.HCM để tham gia lớp học.
Ngoài các nền tảng trên, các em học sinh có thể tham gia các nền tảng học trực tuyến để đăng ký các khóa học bồi dưỡng nâng cao theo chương trình giáo dục các cấp, học kỹ năng, học ngoại ngữ, ôn thi tuyển sinh. Các nền tảng giáo dục có thể kể đến như: Hệ thống giáo dục học mãi (hocmai.edu.vn), Học tập Cốc Cốc trên trình duyệt Cốc Cốc (hoctap.coccoc.com)... Ngoài ra, các em còn có cơ hội tiếp cận các tài nguyên tri thức của cả thế giới trên không gian mạng.
Chuyển đổi số thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ giữa thành thị với nông thôn
Như vậy, với chuyển đổi số trong giáo dục, các em học sinh ở nông thôn có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ giáo dục như trẻ em, học sinh ở đô thị. Điều này giúp giảm khoảng cách giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh ở khu vực nông thôn.
Chuyển đổi số là gì?
Với các câu chuyện về chuyển đổi số trên, đã trả lời câu hỏi “Tại sao phải chuyển đổi số?”. Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu bắt buộc của mọi tổ chức, cá nhân, nó không còn là phong trào hay xu hướng nữa. Vậy chuyển đổi số là gì?
Tiếp cận từ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thụ hưởng của chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, có thể hiểu chuyển đổi số là việc sử dụng các phương tiện số (điện thoại thông minh, máy tính, kết nối internet…) để khai thác, sử dụng các dịch vụ số trên các nền tảng số nhằm sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ giáo dục, y tế, thương mại… trên môi trường số. Qua đó, nhằm phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Chuyển đổi số cũng là việc tích hợp công nghệ số sâu rộng vào hoạt động của chính quyền địa phương, hoạt động của các hợp tác xã, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất ở nông thôn để đổi mới mô hình kinh doanh, cách bán hàng, quản lý bán hàng tốt hơn, tăng năng suất lao động, tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người dân, người lao động.
Tóm lại, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số là việc tích hợp công nghệ số sâu rộng vào mọi hoạt động của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân
Khi đã hiểu được sự cần thiết của chuyển đổi số, chúng ta sẽ ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số như thế nào để mang lại hiệu quả, cải thiện các hoạt động xung quanh thường ngày của người dân, nhất là tại cấp cơ sở, các thôn, ấp, bản, sóc. Làm thế nào đưa người dân gần hơn với công nghệ số, các dịch vụ số do chính quyền cấp huyện, tỉnh, bộ ngành hay các dịch vụ số do các doanh nghiệp cung cấp để người dân ở cơ sở sử dụng, phục vụ các hoạt động thường ngày của mình.
Để tiếp cận hiệu quả với chuyển đổi số?
Dưới đây là câu chuyện chuyển đổi số thành công của một doanh nghiệp bán lẻ, sản phẩm của họ là hàng may mặc, giày dép.
Vấn đề bắt đầu là dưới sức ép cạnh tranh trên thị trường, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải đảm bảo cạnh tranh, không những duy trì mà còn mở rộng thị phần khách hàng. Tổng giám đốc của doanh nghiệp đặt ra tầm nhìn đưa doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần số 1 trong nước và cắt giảm 60% đối tác phân phối sản phẩm.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu trên, việc đầu tiên doanh nghiệp này thực hiện đó là tìm ra “điểm nghẽn”, “nỗi đau” hay điểm tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp. Vì là doanh nghiệp bán hàng tiêu dùng nên mấu chốt họ xác định điểm nghẽn là trong hệ thống bán hàng, phân phối sản phẩm của doanh nghiệp trên toàn quốc, cách phân phối như hiện nay có tiếp cận được tập khách hàng của họ không. Bất kỳ một tổ chức, doanh nghiệp nào ở một thời điểm nhất định cũng có những điểm tồn tại, hạn chế cản trở sự phát triển và cần được giải quyết.
Và điểm nghẽn họ xác định được là trên thị trường có rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu bán sản phẩm của họ (có tới hàng ngàn cửa hàng), trong đó có bán cả sản phẩm của các thương hiệu khác nhau, dẫn tới đánh đồng giá trị, thương hiệu của họ với các thương hiệu khác và điều này cũng không tiếp cận được khách hàng mục tiêu mà họ đã xác định. Đây là tồn tại chính, là điểm nghẽn cần được tháo gỡ, khi tháo gỡ được điểm nghẽn này, lượng khách hàng, doanh thu của doanh nghiệp sẽ cải thiện, tăng nhanh chóng, giúp hiện thực hóa tầm nhìn.
Trên cơ sở điểm nghẽn đã tìm ra, doanh nghiệp tiến hành giải quyết điểm nghẽn bằng ứng dụng công nghệ số, bằng chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng, tiếp thị sản phẩm, tiếp cận khách hàng, cũng như tăng tốc độ cải thiện mẫu mã sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Họ làm bằng cách xây dựng nền tảng quản trị sản phẩm, cung cấp kênh bán hàng online kết hợp với bán trực tiếp, thu thập hành vi tiêu dùng của khách hàng bằng công nghệ số (camera thông minh, các thiết bị IoT, nền tảng quản trị khách hàng…).
Dựa vào dữ liệu này, ứng dụng phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để phân tích nhu cầu khách hàng, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng theo giới tính, độ tuổi, vùng miền, mức chi tiêu, sở thích… Kết quả là doanh nghiệp đã hoàn thành mục tiêu cắt giảm hàng ngàn cửa hàng, cửa hiệu ban đầu, duy trì kênh bán hàng trực tuyến thành kênh bán hàng chính, giúp cắt giảm chi phí duy trì, đội ngũ hàng nghìn nhân viên, hoàn thành mục tiêu tăng 30% doanh thu chỉ trong một nửa thời gian thực hiện kế hoạch.
Bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào ở một thời điểm nhất định cũng có những điểm tồn tại, hạn chế cản trở sự phát triển và cần được giải quyết
Với một câu chuyện về cách làm chuyển đổi số trên, chúng ta có thêm cách tiếp cận về chuyển đổi số. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy có nhiều yếu tố góp phần thực hiện chuyển đổi số thành công như: chiến lược, tầm nhìn của tổ chức; vai trò của người đứng đầu; xác định “điểm nghẽn” bước đầu, xây dựng kế hoạch; thực thi kế hoạch; thay đổi cách làm truyền thống sang cách làm dựa vào dữ liệu; đào tạo nhân lực số; nắm bắt đúng nhu cầu, thói quen của khách hàng…
Làm gì để chuyển đổi số tại thôn, xã?
Căn cứ tình hình thực tế địa phương và định hướng của trung ương, của tỉnh, của huyện, cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tại xã (tự xây dựng, có sự tham vấn của cơ quan chuyên trách chuyển đổi số của huyện, tỉnh; mời các chuyên gia tư vấn trực tiếp/trực tuyến). Nội dung hướng tới mục đích trang bị kỹ năng, nhận thức cho người dân để họ có năng lực tự chuyển đổi, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn bằng công nghệ số; phân công cụ thể các cá nhân, tổ chức tham gia, thực hiện. Trong đó, cần phát huy đội ngũ cán bộ, công chức xã, đoàn thành niên, hội phụ nữ, hội nông dân, tổ công nghệ số cộng đồng...
Song song đó, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số cấp xã. Cụ thể bồi dưỡng nhận thức, kỹ năng, cách sử dụng các nền tảng số gắn với các sự kiện diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Huy động sự tham gia của con em người dân trong làng, xã đã qua đào tạo, có kỹ năng số tốt để cùng tham gia. Đẩy mạnh kế hoạch truyền thông, tuyên truyền; tổ chức chuỗi ngày hội chuyển đổi số (tuần, tháng); triển khai các sáng kiến chuyển đổi số như “Tối thứ 6 vui vẻ”, “Nhà văn hóa 4.0”… để nâng cao nhận thức, tạo thói quen cho người dân. Bên cạnh đó, đảm bảo hạ tầng internet, thiết lập các điểm truy cập, điểm hướng dẫn cộng đồng về chuyển đổi số.
|