Bình Phước quyết tâm đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Thứ ba - 22/11/2022 11:10
(CTTĐTBP) - Với quyết tâm “tất cả hướng tới một mục tiêu chung là phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, thời gian qua, tỉnh Bình Phước là một trong những điểm sáng về đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó nổi bật là kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hướng tới xây dựng chính quyền số ngày càng minh bạch, hiệu quả.

Triển khai Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm

Tỉnh Bình Phước đã xác định rõ quan điểm trong chuyển đổi số là coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số. Lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp để chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm. Một trong những nội dung ưu tiên trong chuyển đổi số của Bình Phước là đến năm 2025, tỉnh cơ bản hình thành chính quyền số.

Trong đó, Bình Phước ưu tiên tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện dữ liệu nền tảng, thực hiện kết nối liên thông, chia sẻ thuận lợi. 100% dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp phải sử dụng hồ sơ đã được số hóa khi làm thủ tục trước đó, mà không được yêu cầu bổ sung thêm (chỉ bổ sung thêm hồ sơ theo yêu cầu của thủ tục mà trên cơ sở dữ liệu chưa có). Các hồ sơ công việc đều được xử lý trên môi trường mạng, được ký số và cập nhật, chia sẻ trên hệ thống dữ liệu (không bao gồm hồ sơ có nội dung mật).

Để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra, Tỉnh uỷ Bình Phước đã nỗ lực, quyết tâm bằng việc đã sớm ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ năm 2021. Đồng thời, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã cụ thể hoá những nội dung, phần việc được giao bằng các chương trình, kế hoạch, dự án, phần việc… rất cụ thể trong từng tháng, quý, năm và xác định rõ ưu tiên các lĩnh vực, dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, phải kể đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 01/6/2022 về triển khai Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm (từ ngày 01/6/2022 đến ngày 31/8/2022) nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số.

Chiến dịch đã giao chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tới từng cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện trong năm 2022, hướng tới hoàn thành sớm các chỉ tiêu chủ yếu phát triển Chính phủ số trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số). Bình Phước đặt mục tiêu đến Ngày Quốc khánh 02/9, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 80%, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện đạt 50%; 100% hồ sơ, TTHC được giải quyết đúng hạn, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái quá hạn. Nếu có phát sinh hồ sơ quá hạn phải có văn bản xin lỗi, gửi văn bản xin lỗi trước thời điểm hết hạn giải quyết ít nhất 01 ngày, đồng thời có thời hạn giải quyết trong văn bản xin lỗi.

Nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả

Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND, các sở, ban ngành và huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai các nội dung của Kế hoạch này đến từng đơn vị trực thuộc. UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện, tổ chức 4 hội nghị sơ kết (trong đó 3 hội nghị trực tuyến đến cấp xã) nhằm nắm bắt tiến độ thực hiện của các đơn vị, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn của cơ sở. Tại các hội nghị sơ kết đều có báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của chiến dịch, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đặt ra từ kỳ sơ kết trước đó, đánh giá tình hình thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; nguyên nhân của những hạn chế và đặt ra các chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu cho kỳ sơ kết tiếp theo.

Để thông tin trao đổi được kịp thời, đồng bộ, nhóm Zalo “Chiến dịch 92 ngày đêm” được lập ra gồm các thành viên là thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương nhằm cập nhật thông tin, số liệu báo cáo, xử lý những vấn đề (không mật) hàng ngày, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh. Ở các địa phương, tiếp tục tổ chức các nhóm Zalo cấp huyện, cấp xã, tạo nên một kênh thông tin bổ sung xuyên suốt, thống nhất. UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra đột xuất, bên cạnh việc kiểm tra định kỳ về kết quả thực hiện và mức độ thực chất khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu trong Chiến dịch 92 ngày đêm. Chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, sai sót, đảm bảo đúng theo quy trình giải quyết DVCTT cũng như trong công tác báo cáo, thống kê.

Về công tác triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện đầy đủ việc cập nhật hồ sơ tiếp nhận lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Chủ động rà soát, tập trung phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến. Quán triệt, theo dõi và kiểm soát thường xuyên việc giải quyết hồ sơ TTHC. Thí điểm nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số loại hình DVCTT, cụ thể: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương đã triển khai thí điểm 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (đến nay đã thực hiện thành công kết nối chia sẽ giữa Cổng Dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ, ngành Trung ương).

Đồng thời, nhằm thống nhất nguồn lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo sáp nhập Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP thành Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06/CP. Tỉnh đã tổ chức, triển khai tập huấn, hướng dẫn đến các thành viên trong tổ về cách tạo tài khoản, cập nhật thông tin, thao tác các chức năng trên các ứng dụng: VNEID, Bình Phước Today và Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh và các kỹ năng số cần thiết khác, phục vụ cho tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại cơ sở.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT. Đẩy mạnh triển khai việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đối với các TTHC về đất đai và thanh toán phí, lệ phí trong thực hiện TTHC cho các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua các tài liệu hướng dẫn (tờ rơi, pano, áp phích…), qua Cổng Dịch vụ công tỉnh và trực tiếp tại các đơn vị tiếp nhận và trả kết quả.

Kết quả chuyển biến rõ rệt

Việc thực hiện Chiến dịch đã góp phần thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã trong việc cung cấp DVCTT, xây dựng chính quyền điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ. Từ đó, nâng cao hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tạo nề nếp tốt trong việc triển khai DVCTT, số hóa trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

Trong thời gian triển khai Chiến dịch, kết quả xử lý DVCTT của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Số hồ sơ tiếp nhận/tháng bình quân là 57.090 hồ sơ, tăng gần 4.500 hồ sơ so với bình quân 5 tháng đầu năm 2022 (tăng 8,28%). Kết thúc triển khai Chiến dịch, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ tại: Cấp tỉnh (các sở, ban, ngành) 99,52% (tăng 8,52%, vượt 19,52% so với mục tiêu); Bộ phận một cửa cấp huyện 96,39% (tăng 36,81%, vượt 16,39% so với mục tiêu); Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện 87,97% (tăng 21,99%, vượt 7,97% so với mục tiêu); Bộ phận một cửa cấp xã 98,86% (tăng 17,36%, vượt 18,86% so với mục tiêu). Các chỉ tiêu về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của Chiến dịch được hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Về công tác số hóa hồ sơ, trước Chiến dịch đạt 20%. Sau Chiến dịch, tỷ lệ này đối với cấp tỉnh là 98,05%; Chi nhánh Văn phỏng đăng ký đất đai cấp huyện là 22,69%; Bộ phận một cửa cấp huyện là 63,80%.

Về thanh toán trực tuyến, trước Chiến dịch, việc thanh toán trực tuyến nhìn chung còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở cấp huyện, xã do nhiều đơn vị chưa hoàn thành việc khai báo tài khoản thanh toán và tích hợp chức năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Trong thời gian thực hiện Chiến dịch, bình quân 1 tháng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí tăng gấp 15 lần số giao dịch, gấp hơn 8 lần số tiền so với trước Chiến dịch; thanh toán trực tuyến lĩnh vực đất đai tăng 1,9% số giao dịch, tăng 69,2% số tiền so với trước Chiến dịch.

Kết quả đạt được bước đầu của Chiến dịch đã tạo tiền đề để Bình Phước tiếp tục tự tin, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong thời gian tới. Qua đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính của tỉnh chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Bài học kinh nghiệm

Qua công tác đẩy mạnh DVCTT và thực hiện Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm, Bình Phước nhận thấy việc triển khai DVCTT, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số phải thật sự dựa trên cơ sở là phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân, doanh nghiệp theo hướng dễ làm, dễ sử dụng, giảm thời gian, giảm chi phí, góp phần minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả của nền hành chính nhà nước thì mới nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân.

Thứ hai, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là hết sức quan trọng trong việc triển khai DVCTT, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Vì điều này sẽ góp phần thay đổi cách làm cũ, truyền thống, minh bạch kết quả hoạt động của cơ quan hành chính trong việc phục vụ nhân dân. Để đảm bảo tính hiệu quả của việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, người lãnh đạo cần thật sự sâu sát, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC để kịp thời chấn chỉnh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn trong giải quyết TTHC của cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị mình phụ trách.

Thứ ba, trong chỉ đạo, thực hiện phải quyết liệt, không ngại va chạm; lấy hiệu quả công việc là thước đo. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giải quyết TTHC ở tất cả các cấp, có khen thưởng và kỷ luật kịp thời để thường xuyên chấn chỉnh các sai phạm, khuyến khích các cá nhân, tập thể cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, trong quá trình thực hiện phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức ở các Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp để thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, thao tác đúng tiến độ giải quyết hồ sơ để đảm bảo tính minh bạch trong giải quyết TTHC, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo UBND tỉnh. Bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người dân, doanh nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ, trả kết quả.

Thứ năm, để đảm bảo tính thực chất trong việc cải thiện chất lượng DVCTT, xây dựng chính quyền, hướng đến chính quyền số cần phải triển khai đồng bộ các tiêu chí đánh giá có thể lượng hóa được, so sánh được giữa các sở, ban, ngành, các địa phương để có cơ sở đánh giá, xếp hạng và khuyến khích những ý tưởng hay, những cách làm mới của các đơn vị, địa phương./.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,319
  • Hôm nay29,140
  • Tháng hiện tại19,205,646
  • Tổng lượt truy cập479,098,333
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây