Tạo động lực phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ

Thứ năm - 30/03/2023 09:59
(CTTĐTBP) - Nhiều năm qua, Đông Nam bộ (ĐNB) luôn là vùng có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đầu cả nước với nhiều lĩnh vực nổi trội. Tuy nhiên, trước sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tốc độ tăng trưởng vùng đang có dấu hiệu chậm lại, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá trong liên kết vùng, hợp tác thúc đẩy giao thương, đầu tư hạ tầng… nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu được nêu ra trong Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 24). Đó là nội dung cốt lõi đặt ra tại Hội nghị tổng kết chương trình phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh ĐNB vừa diễn ra tại TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước).
 
xhh 7a 7630
Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thường xuyên bị quá tải
Nhận diện các điểm nghẽn

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhận xét, với vai trò là cửa ngõ phía Bắc của TPHCM, qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã trở thành một đô thị vệ tinh hết sức quan trọng, tận dụng lợi thế sát một siêu đô thị như TPHCM để bứt phá, trở thành một tỉnh có công nghiệp phát triển và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Tuy vậy, hạ tầng kinh tế - xã hội của Bình Dương hiện đang trong tình trạng quá tải; trong đó, giao thông, y tế, giáo dục là các lĩnh vực chịu nhiều áp lực nhất. Lưu lượng phương tiện ngày càng lớn đổ về các trục đường bộ huyết mạch như QL13, Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, ĐT 743… trong khi tính kết nối và đồng bộ với các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường thủy nội địa còn thiếu và yếu đã làm tăng thời gian di chuyển giữa Bình Dương đến các cảng biển, sân bay quốc tế, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, làm giảm lợi thế cạnh tranh của Bình Dương và cả vùng.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế lớn về giao thông thủy, hàng hải với nhiều luồng tuyến quan trọng như luồng hàng hải Sài Gòn, luồng hàng hải Lòng Tàu - Nhà Bè, luồng hàng hải Đồng Nai và hệ thống giao thông thủy nội địa trên sông Đồng Nai khá đa dạng nhưng việc khai thác lợi thế này của các tỉnh, thành trong vùng còn rất hạn chế, chưa chia sẻ được áp lực cho hệ thống đường bộ vốn đang quá tải.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, những năm qua, kết nối giao thông liên vùng có cải thiện nhưng Bình Phước vẫn cách sân bay và cảng biển khoảng 3 giờ, chưa có kết nối cao tốc. Nhiều nhà đầu tư quốc tế cho rằng, chỉ cần rút ngắn được 40% thời gian di chuyển thì Bình Phước sẽ là điểm đến hấp dẫn.
 
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với một số địa phương trong vùng, lãnh đạo các tỉnh/thành vùng ĐNB và cộng đồng doanh nghiệp đã thống nhất phương hướng hợp tác phát triển thời gian tới, tập trung vào 7 lĩnh vực trọng yếu gồm: công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư; kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá, trong những năm qua, các địa phương trong vùng đã quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy lợi thế nhiều mặt, tập trung thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Với diện tích chiếm 9%, dân số chiếm 20% nhưng vùng ĐNB đã đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; sự liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành ngày càng được tăng cường và có nhiều điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, như Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã đánh giá, vai trò động lực, đầu tàu, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng những năm qua có xu hướng chậm lại mà một trong những nguyên nhân cơ bản là việc liên kết phát triển vùng, xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, khiến cho nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của vùng.

Tạo cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá

Trên cơ sở nhận diện các điểm nghẽn phát triển, tỉnh Bình Dương đề xuất Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ TPHCM cũng như vùng ĐNB để sớm hoàn thiện các kết nối đa phương thức về giao thông gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và hành khách. Đặc biệt, ưu tiên kết nối đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào trung tâm TPHCM, sân bay Tân Sơn nhất theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm TPHCM để mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện để Bình Dương trở thành một vệ tinh đi đầu trong đổi mới sáng tạo của vùng ĐNB và quốc gia. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị UBND TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng để hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh; tập trung đầu tư bệnh viện tuyến cuối tại TP Thủ Dầu Một, phát triển các bệnh viện vệ tinh tại TP Dĩ An, TP Thuận An để giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM vốn đã quá tải.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai quan tâm đến vấn đề quy hoạch, đầu tư kết nối hệ thống giao thông khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Tỉnh đề xuất sớm mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3; đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TPHCM để kết nối các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh với sân bay quốc tế Long Thành, kết nối hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải với sân bay quốc tế Long Thành, xây cầu thay phà Cát Lái tại vị trí hiện hữu; cần khai thác nhiều hơn lợi thế của hệ thống giao thông đường thủy, đặc biệt là việc vận chuyển hành khách và kết nối tour du lịch giữa TP Biên Hòa với TPHCM, Bình Dương theo hình thức kết hợp giữa buýt đường bộ và buýt đường sông.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng nhằm tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục những điểm nghẽn. Nghị quyết số 154 ngày 23-11-2022 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 đã giao Bộ KH-ĐT hoàn thiện cơ chế, tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng. Hiện Bộ KH-ĐT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐNB do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch hội đồng. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐNB.
 
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, các địa phương trong vùng ĐNB cần tập trung những vấn đề sau: thay đổi nhận thức, tư duy trong toàn hệ thống chính trị về yêu cầu liên kết phát triển vùng ĐNB; cùng nhau tổ chức thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế chính sách mới vượt trội, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm để toàn vùng phát triển nhanh và bền vững; trong lúc chờ hoàn thiện cơ chế và thành lập Hội đồng điều phối vùng, cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết; có kế hoạch phân công, điều phối liên kết hiệu quả, không để lợi ích kinh tế bị chi phối bởi địa giới hành chính; lĩnh vực nào là lợi thế tối ưu, cần ưu tiên phát triển ở đâu phải rõ ràng, bảo đảm tập trung nguồn lực và không làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng quát và một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của vùng ĐNB. Đồng thời, cùng nhau đi đầu trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ các lĩnh vực: quy hoạch vùng và địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là tập trung kết nối hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Tác giả: Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,369
  • Hôm nay700,853
  • Tháng hiện tại17,652,157
  • Tổng lượt truy cập477,544,844
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây