Đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững

Thứ ba - 21/03/2023 09:54 37893
(CTTĐTBP) - Hội đồng nhân dân tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/01/2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới quy hoạch

Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới hành chính của tỉnh Bình Phước; tổng diện tích tự nhiên là 6.873,56 km2, ở toạ độ địa lý từ 11°22’ đên 12°16’ độ vĩ Bắc, 102°8’ đến 107°8' độ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia.

Quan điểm quy hoạch

Theo Nghị quyết, quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ-TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới.

Phát huy các lợi thế chiến lược (đất đai và vị trí địa lý) trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng, giải quyết những nút thắt chiến lược để đưa tỉnh Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sự lan tỏa của địa phương kết nối với Tây Nguyên. Phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển cho vùng phía Nam: thành phố Đồng Xoài - huyện Đồng Phú - thị xã Chơn Thành.

Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo đà để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng; chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm và là yếu tố then chốt để phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế; tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý để khai thác hiệu quả lợi thế vị trí của Bình Phước trong vùng kinh tế Đông Nam bộ và chuyển tiếp Tây Nguyên.

Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, góp phần vào việc hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã được xác định cho cả nước.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Mục tiêu quy hoạch

Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,5%; giai đoạn 2031 - 2050 đạt 8 - 9%.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 20%. Đến năm 2030, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.

GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt 106 triệu đồng (4.600 USD); năm 2030 đạt 180 triệu đồng (7.500 USD); đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7%/năm.

Thu ngân sách nhà nước vào năm 2025 đạt 19.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt 30.000 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 là 600 nghìn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 210 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 390 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD; đến năm 2030 đạt 8 - 9 tỷ USD.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 42%, đến năm 2030 đạt 50%; đến năm 2050 đạt 75 - 80%; số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ 2021 - 2030 là 15.000 doanh nghiệp. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, ICT Index đến năm 2025 đứng thứ 35; đến năm 2030 đứng thứ 25 so với cả nước.

Khách du lịch đến năm 2025 đạt 02 triệu lượt khách; năm 2030 đạt 3,5 triệu lượt khách.

Các nhóm giải pháp chủ yếu

Giải pháp về huy động vốn đầu tư

Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục khẳng định huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng, chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2030.

Sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; tập trung đầu tư, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng tâm, trọng điểm có tính lan toả và kết nối, liên kết vùng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện.

Giải pháp thu ngân sách

Tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu biện pháp tài chính theo quy định của pháp luật.

Rà soát, đánh giá lại các nguồn thu nhằm xác định rõ những nguồn thu không ổn định, nguồn thu còn thất thu và nguồn thu còn tiềm năng; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới.

Tăng cường công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận giá; đẩy mạnh công tác quản lý và tập trung thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững làm cơ sở phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tăng cường hiệu quả kinh tế trong các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nắm tốt các xu thế vận động, diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của tỉnh. Tăng cường thu hút các nguồn lực về tri thức, vốn, công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh thực thi và tranh thủ các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết trong khuôn khổ các FTA "thế hệ mới" như Hiệp định CPTPP, EVFTA...

Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực tốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng lực giáo dục, đào tạo cho các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, truyền thông, quảng bá, xúc tiến giới thiệu việc làm; xây dựng hạ tầng xã hội, nâng cao mức độ cạnh tranh của tỉnh trong thu hút lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm, đảm bảo đời sống của người lao động.

Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ

Rà soát hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả áp dụng các công cụ trong quản lý môi trường; tăng cường ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. 

Tăng cường công tác thẩm định công nghệ của các dự án thu hút đầu tư. Quan tâm công tác chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình đàm phán, xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI, các dự án tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật...; đưa khoa học, công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện dự án đổi mới khoa học công nghệ. Tăng cường hiệu quả quản lý, năng lực kỹ thuật của hoạt động đo lường thử nghiệm về năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương; đánh giá trình độ, chất lượng của sản phẩm hàng hóa.

Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

Nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai lập, thẩm định quy hoạch; kịp thời công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn lực quỹ đất; đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện; thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch; triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hàng năm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý thực hiện quy hoạch.
 
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 9 (chuyên đề) thông qua ngày 17/01/2023 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

Tác giả bài viết: Hải Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay213,220
  • Tháng hiện tại10,513,727
  • Tổng lượt truy cập372,519,530
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây