(CTTĐTBP) - Ngày 3/7, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2030.
Việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này sẽ góp phần thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, mới, cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, mở rộng được thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm nội địa; thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong nước. Qua đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Phước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.
Thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này cũng góp phần hoàn thành các mục tiêu cụ thể tại Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 07/10/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh lên hơn 70% đến năm 2030, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand. Thu hút 1 - 2 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng đầu tư vào tỉnh Bình Phước. Nằm trong nhóm 35 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp được giao tại các văn bản, chỉ đạo của trung ương và địa phương. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đổi mới và nâng cao cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan tỏa. Phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Về thể chế, tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. Bảo đảm môi trường đầu tư, pháp luật ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, thích ứng kịp thời với vấn đề mới, xử lý được các bất cập để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài. Thực hiện áp dụng các thủ tục đầu tư kinh doanh một cách linh hoạt theo nguyên tắc hậu kiểm đối với những ngành, nghề kinh doanh phù hợp theo quy định của pháp luật để tạo sự cạnh tranh trong quá trình thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Rà soát và tham mưu đề xuất các bộ, ngành trung ương tiếp tục cắt giảm ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tăng cường minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, công tác giám sát và thi hành pháp luật, công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp đầu tư; đề xuất giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, tranh chấp của nhà đầu tư. Theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hành vi thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược; kiểm soát chặt chẽ đối với dự án đầu tư có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, trật tự công cộng và môi trường.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh; đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết trong EVFTA theo hướng đảm bảo lợi ích giữa Việt Nam - EU, trong đó tăng cường giám sát thực thi ở cấp cơ sở để bảo đảm các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Tăng cường khả năng dự báo trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.
Về cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ hiện đại, với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, gắn với liên kết vùng nhằm tạo động lực lan tỏa phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực đầu tư nước ngoài, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức tuân thủ theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao như: hạ tầng giao thông, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, điện, nước, logistics...; hạ tầng xã hội như: bệnh viện, trường học, trung tâm dạy nghề, khách sạn...
Về thị trường hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế đem lại từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hình thành đầy đủ và đảm bảo vận hành hiệu quả các loại thị trường phục vụ cho sản xuất hàng hóa, đặc biệt là các thị trường liên quan trực tiếp đến đầu tư nước ngoài như: tài chính, đất đai, lao động, công nghệ... Tăng cường tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất hàng hóa; bảo đảm nguyên tắc thị trường trong tiếp cận đất đai, vốn và cơ hội gia nhập thị trường.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đối mới sáng tạo. Hiện đại hóa và thị trường hóa giáo dục đào tạo, gồm cả đào tạo nghề, chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, kỹ năng công nghệ số phù hợp với nhu cầu thực tế và đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ chuyên gia, nâng cao năng suất để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xác định rõ ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh chủ đạo để có những chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp; tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, mới, tiên tiến, chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong những ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, mới, tiên tiến, tiến tới sở hữu và làm chủ công nghệ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam tại Bình Phước, tiến tới lao động Việt Nam tại Bình Phước có thể đảm nhiệm vị trí quan trọng trong doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa với các cơ quan trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp, các đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài... trong công tác xúc tiến đầu tư. Tiếp tục rà soát và công bố kịp thời danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư thực chất, hiệu quả, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm.
Đầu tư thỏa đáng nhằm đa dạng hóa và hiện đại hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư. Tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện. Xây dựng bộ tài liệu quảng bá, xúc tiến đầu tư của tỉnh và lĩnh vực quản lý; đẩy mạnh tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về hợp tác đầu tư nhằm đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư...