Triển khai thực hiện Chương trình hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ ba - 04/07/2023 09:02
(CTTĐTBP) - Ngày 03/7, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 12/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

Về nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11% trong cơ cấu kinh tế GRDP. Tỷ lệ độ che phủ rừng và cây lâu năm đạt khoảng 65%; nâng cao năng suất chất lượng rừng (theo Chương trình hành động số 40 CTr/TU ngày 12/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh).

Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 các sản phẩm chủ yếu của tỉnh (tiêu, cà phê, rau, củ, quả; sản phẩm chế biến từ điều, gỗ, cao su, chăn nuôi heo, gà ... có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động theo chuỗi trong nước. Trên 60% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch có trình độ công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên. Khoảng 35% sản phẩm nông sản tham gia chuỗi liên kết giữa sản xuất - sơ chế - bảo quản - chế biến và tiêu thụ. Đảm bảo khoảng 30% sản lượng nông sản sau thu hoạch được sơ chế, bảo quản đúng phương pháp nhằm hạn chế thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Giảm tổn thất sau thu hoạch bình quân xuống còn 18,6% (theo Kết luận số 367-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030).

Phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đối với gia cầm, 11 huyện, thị xã, thành phố đạt ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà theo tiêu chuấn Việt Nam, trong đó có 06 địa phương gồm: Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Đối với gia súc, 11 huyện, thị xã, thành phố đạt ATDB đối với bệnh Lở mồm long móng trên gia súc và bệnh Dịch tả lợn cổ điển trên lợn theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 06 địa phương gồm: Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt ATDB theo tiêu chuẩn của OIE (theo Kết luận số 368-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030).

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: Hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Sản xuất nông sản sạch trên diện tích khoảng 31.500 ha, ước đạt 15,42% (không tính diện tích cây cao su), trong đó có 7.400 ha sản xuất hữu cơ, ước đạt 3,62%.

Tỷ lệ trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn đạt 100% số cơ sở. Tiếp tục duy trì các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được công nhận ATDB trong giai đoạn 2021-2025 và mở rộng xây dựng vùng ATDB tại các huyện, thị xã còn lại. Thu hút đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến nông sản... với tổng mức đầu tư lũy kế khoảng 28.000 tỷ đồng. Khai thác có hiệu quả các mô hình liên kết giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ kết hợp với đô thị sinh thái - khu dân cư - du lịch - cảnh quan trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành (theo Kết luận số 369- KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030).

Về nông dân, phấn đấu GRDP bình quân/người đến năm 2030 đạt 180 triệu đồng (khoảng 7.500 USD). Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2030 dưới 20%; bình quân hàng năm đào tạo nghề nông nghiệp cho cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tế việc làm của địa phương (theo Chương trình hành động số 40 CTr/TU ngày 12/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh). Củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện nông dân; tiếp tục vận động nông dân tham gia chuỗi giá trị trong từng sản phẩm từ các khâu: sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến đến phân phối, tiêu dùng. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn về các kiến thức trong việc sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, hộ gia đình trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

Về nông thôn, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phấn đấu 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90% (theo Chương trình hành động số 40 CTr/TU ngày 12/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh). Phát triển các khu dân cư trên địa bàn tỉnh: Phát triển thêm khoảng 4.000 ha khu dân cư thương mại, khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chỉnh trang 978 ha khu dân cư đô thị hiện hữu. Phát triển khoảng 173 ha nhà ở xã hội; giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người. Xây mới khoảng 2-3 điểm dân cư biên giới; mở rộng từ 3-5 điểm dân cư liên kề chốt dân quân, đồn biên phòng hiện hữu (theo Kết luận số 408-KL/TU ngày 18/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển khu dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2025, định hướng 2030). 

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp gồm: (1) Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; (2) Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vũng theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; (3) Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; (4)  Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá; (5) Rà soát, xây dựng, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (6) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; (7) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; (8) Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ; (9) Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, tiềm năng (OCOP), lợi thế của từng địa phương trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Về trồng trọt, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đối cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực; tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây rau, cây công nghiệp, lúa chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực; giữ ổn định diện tích đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực; chuyển một phần diện tích đất lúa, đất trồng cây ăn quả, đất rừng sang các mục đích sử dụng khác để phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững. Hỗ trợ xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng với các cây trồng chính (điều, tiêu, cây ăn quả), đặc biệt là những cây trồng có có tiềm năng xuất khẩu, song song với việc hỗ trợ xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, chế biến sản phẩm và hệ thống kho bảo quản nông sản, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp xuất khẩu và thị trường các nước nhập khẩu.

Về chăn nuôi, hình thành khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín, xa khu dân cư, đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018. Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi hướng tới giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê); phát triển chăn nuôi lợn quy mô trang trại tại các vùng có dư địa phát triển đảm bảo các điều kiện chăn nuôi; chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo, phát triển đàn dê... tại một số huyện: Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc. Khuyến khích tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi tới giết mổ chế biến, phân phối sản phẩm. Nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, nhất là đối với đàn gà và đàn lợn để hướng đến thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Về thuỷ sản, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, sinh thái, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản hướng tới sự phát triển bền vững; tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Phát triển nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao ở các huyện: Hớn Quản, Phú Riềng, Đồng phú, Lộc Ninh và phát triển nuôi thủy sản trên hồ chứa, nuôi các loài thủy sản truyền thống và thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế kết hợp với sinh thái; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, dư lượng kháng sinh; xây dựng vùng thâm canh nông nghiệp công nghệ cao, phát triển vùng chuyên nuôi trồng thủy sản tập trung.

Về lâm nghiệp, thực hiện điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển rừng kinh tế bền vững trên cơ sở lựa chọn đưa vào trồng rừng giống mới, giống có năng suất cao, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa nghề rừng. Phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt, kém chất lượng bằng biện pháp khoanh nuôi, trồng bổ sung cây bản địa.

Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hậu kiểm việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, các cơ sở thu gom, giết mô và sản xuât, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản thực phâm; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm. Giám sát ô nhiễm thực phẩm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất bảo quản, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước và sau khi thu hoạch, trong quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông trên thị trường...

Tác giả: Thanh Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập806
  • Hôm nay588,861
  • Tháng hiện tại18,411,197
  • Tổng lượt truy cập478,303,884
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây