Văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 04/2021

Thứ hai - 24/05/2021 14:22 1730
(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp vừa ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 04/2021.
 
vbqppl

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Trong tháng 04 năm 2021, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 05 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;

2. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

3. Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;

4. Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;

5. Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 04 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT.

1. Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 01 tháng 04 năm 2021).

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) về quy định chi tiết một số điều của Luật về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 06 chương và 35 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Doanh nghiệp xã hội; (3) Doanh nghiệp nhà nước và nhóm công ty; (4) Doanh nghiệp quốc phòng an ninh; (5) Công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước; (6) Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước; (7) Trách nhiệm các tổ chức liên quan và xử lý vi phạm; (8) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Luật Doanh nghiệp.

Ban hành kèm theo Nghị định 02 Phụ lục, cụ thể: (1) Phụ lục I - Danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn phục vụ quốc phòng, an ninh do doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện; (2) Phụ lục II gồm 06 Biểu mẫu về Giấy ủy quyền thực hiện công bố thông tin, Báo cáo mục tiêu tổng quát, kế hoạch kinh doanh, Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội, Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp 6 tháng/năm, Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp.

2. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký (ngày 01 tháng 04 năm 2021).

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; (2) Quy định chuyển tiếp; (3) Điều khoản thi hành.

3. Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký (ngày 01 tháng 04 năm 2021).

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 Điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; (2) Quy định chuyển tiếp; (3) Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

4. Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 01 tháng 04 năm 2021).

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, quản lý, bảo vệ khoáng sản và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia theo Luật Khoáng sản năm 2010.

c) Nội dung cụ thể: Nghị định gồm 05 Chương và 14 Điều về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia; (3) Quản lý, bảo vệ khoáng sản và thực hiện dự án đầu tư tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; (4) Trách nhiệm quản lý nhà nước tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; (5) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

5. Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 19 tháng 04 năm 2021).

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu, góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 Điều gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; (4) Trình tự, thủ tục gia hạn; (5) Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau:

(1) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau: a) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; b) Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; c) Xây dựng; d) Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; đ) Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng); e) Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; g) Thoát nước và xử lý nước thải;

(2) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau: a) Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; b) Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; c) Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim; d) Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin; đ) Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng;

(3) Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm;

(4) Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (5) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ban hành kèm theo Nghị định 01 Phụ lục về Mẫu Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất.

6. Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 04 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ được giao tại khoản 5 Điều 24 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 về việc ban hành quy chế dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2021).

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 Chương và 63 Điều quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão; (3) Dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; (4) Dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán; (5) Dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng, sương mù; (6) Dự báo, cảnh báo lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối; (7) Báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; (8) Truyền tin về thiên tai; (9) Cấp độ rủi ro thiên tai; (10) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai; (11) Tổ chức thực hiện.

Quyết định này áp dụng đối với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai.

Ban hành kèm theo Quyết định này 13 Phụ lục về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai./.

Tác giả bài viết: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,405
  • Hôm nay62,241
  • Tháng hiện tại366,666
  • Tổng lượt truy cập386,909,719
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây