Đề xuất quy định bảo vệ các thành phần môi trường

Thứ sáu - 18/06/2021 10:36
(CTTĐTBP) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đề xuất các quy định cụ thể về bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Ảnh minh họa

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 nhằm mục tiêu thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Luật BVMT 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.

Luật BVMT 2020 được thông qua với 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương và tăng 1 điều so với Luật BVMT năm 2014), trong đó có 65 nội dung giao Chính phủ quy định. Để sớm đưa các quy định của Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, đồng thời bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật một cách hiệu quả, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT 2020 là cần thiết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường gồm có 13 chương 197 điều và các phụ lục. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất các quy định cụ thể về bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu…

Về BVMT nước, dự thảo Nghị định đề xuất quy định nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh và sông, hồ nội tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và BVMT; mối liên hệ của kế hoạch với quy hoạch BVMT quốc gia; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh trong việc lập, ban hành hoặc trình ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.

Về BVMT không khí, dự thảo đề xuất quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện triển khai kế hoạch. Đặc biệt, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể việc thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng như việc xác định môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp liên vùng, liên tỉnh và cấp tỉnh.

Về BVMT đất, dự thảo đề xuất quy định các khu vực phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất; việc điều tra, đánh giá khu vực có khả năng bị ô nhiễm được thực hiện ở mức độ sơ bộ và khu vực bị ô nhiễm được thực hiện chi tiết. Dự thảo đề xuất quy định cụ thể trách nhiệm cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh trong việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra. Theo đó, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất phải bị xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả thông qua việc xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm.

Về BVMT di sản thiên nhiên, dự thảo đề xuất quy định cụ thể các tiêu chí để xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác; quy định việc xếp hạng các di sản thiên nhiên khác thành di sản thiên nhiên cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt căn cứ vào quy mô, giá trị và tầm quan trọng. Đồng thời, đề xuất quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác; trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, đề xuất quy định các biện pháp quản lý và BVMT di sản thiên nhiên, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, địa phương trong việc điều tra, đánh giá, quản lý, BVMT di sản thiên nhiên. 

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,119
  • Hôm nay65,879
  • Tháng hiện tại9,890,141
  • Tổng lượt truy cập455,285,263
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây