Theo đó, về nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ được quy định như sau: tất cả các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật; người gây tai nạn giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ có trách nhiệm phối hợp giải quyết. Không được lợi dụng, lạm dụng công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người và phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đối với tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm, việc điều tra, giải quyết thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự và pháp luật về tố tụng hình sự. Đối với tai nạn giao thông đường bộ chưa xác định có dấu hiệu tội phạm, nội dung điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ bao gồm: kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ; khám nghiệm hiện trường, phương tiện, tử thi, công trình đường bộ liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông đường bộ; thu thập thông tin, dữ liệu; xác định hậu quả thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người bị nạn, người làm chứng và những người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông đường bộ; xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn; kiểm tra, xác minh điều kiện của phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ; kiểm tra hành khách, hàng hóa vận chuyển và các loại giấy tờ khác có liên quan; truy tìm phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn; giám định chuyên môn; dựng lại hiện trường. Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Việc kết luận vụ tai nạn giao thông đường bộ phải xác định diễn biến, hậu quả thiệt hại, nguyên nhân, lỗi và điều kiện liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông đường bộ; đề xuất xử lý vụ tai nạn giao thông đường bộ; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục khi phát hiện sơ hở, thiếu sót nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Khoản 3 Điều 10 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 89 của Luật này.
Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 89 của Luật này./.