Hàng nông sản hữu cơ vẫn khó tiếp cận vào các kênh bán lẻ hiện đại

Thứ tư - 31/10/2018 16:45
(CTTĐTBP) - Bản tin “Thị trường sản phẩm nông nghiệp” kỳ 2 tháng 10/2018 của Cục Công thương địa phương và Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công thương) nhận định: Hàng nông sản hữu cơ của Việt Nam vẫn khó vào các kênh siêu thị.
Thu tuong Nguyen Xuan Phuc 5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh hồi đầu năm 2017 nhấn mạnh: Cần nhân rộng những mô hình như thế này.
 
Theo bản tin này, trong thời gian qua, hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch nói chung và nông sản hữu cơ nói riêng đã có những bước phát triển tương đối tích cực. Đến nay 33 tỉnh, thành đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70 ngàn ha. Số liệu từ Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng cho thấy, so với cách đây 10 năm, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ hơn 10 ngàn ha lên hơn 76 ngàn ha (năm 2018), tương đương sản lượng cũng tăng lên 4 lần.

Những năm gần đây, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các trung tâm thương mại được coi là một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định, có thể gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản hữu cơ. Dù Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, tuy nhiên nông sản Việt vẫn gặp nhiều khó khăn ở khâu đưa hàng vào chuỗi, hệ thống phân phối lớn, hiện đại, bao gồm các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các trung tâm thương mại do những rào cản về chất lượng, thương hiệu hàng hóa cũng như tính ổn định của sản phẩm.

Hệ thống phân phối hàng nông sản hiện nay trên cả nước có 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tự chọn. Nguồn hàng bán ra có cả hàng hóa nông sản nhập khẩu và hàng của Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho thấy, có đến 85% các loại nông sản ở Việt Nam được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các cửa hàng nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…); 15% còn lại là qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…). Con số hàng nông sản sạch tiêu thụ tại siêu thị, trung tâm thương mại nêu trên được đánh giá là khá hạn chế so với năng lực sản xuất của Việt Nam.

Nguyên nhân chính khiến số lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị mới chiếm một thị phần nhỏ, một mặt do những yếu kém của khâu sản xuất, mặt khác do mức chiết khấu quá cao cũng là rào cản gây khó để nông sản sạch vào được các kênh bán lẻ hiện đại. Hiện nay, chủ yếu nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán…

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nhà bán lẻ và nhà cung ứng còn những vướng mắc như chiết khấu cao, chi phí lớn khi đưa vào siêu thị và các trung tâm thương mại. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), mức chiết khấu thông thường cho nông sản sạch vào các kênh bán lẻ hiện đại hiện lên tới 25-30%, cộng với những chi phí khác, tăng gấp hơn hai lần so với mức chiết khấu bình quân 12,8% trước đó, gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất nông sản sạch.

Để giải quyết thực trạng trên, cần có những giải pháp thay đổi như: Các địa phương cần chủ động có những giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi, công tác kết nối cung - cầu chặt chẽ hơn; Xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản; Hình thành hệ thống chợ đầu mối, nghiên cứu thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản trong nước để đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất có thể dễ dàng tìm kiếm, kết nối thương mại.

Để ổn định đầu ra cho mặt hàng nông sản, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất về mặt chứng nhận an toàn thực phẩm. Cần có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại, hạn chế, tiến tới chấm dứt những hình thức độc quyền của thương mại bán lẻ; Đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển sản xuất hàng hóa lớn và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp.

Về phía các cơ sở sản xuất, phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động để đưa hàng vào siêu thị như hiện nay...

Trước đó, ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018, được kỳ vọng sẽ là tiền đề, là cú hích lớn cho nông nghiệp hữu cơ phát triển. Do đó, để phát triển thị trường cho nông sản sạch nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng, UBND các địa phương cần sớm triển khai đưa Nghị định số 109/2018/NĐ-CP vào thực tiễn./.

Tác giả: Thanh Phương (t/h)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập974
  • Hôm nay210,136
  • Tháng hiện tại9,986,216
  • Tổng lượt truy cập493,849,654
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây