Theo báo cáo của huyện Đồng Phú, thời gian qua việc triển khai tuyên truyền các luật, pháp lệnh trên của huyện được thực hiện sâu rộng từ huyện đến các ấp, khu phố của 11 xã, thị trấn trong huyện. Nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND huyện xuống đến các xã trong thực hiện luật và pháp lệnh được nâng cao, có hiệu quả tác động đến phát triển KT-XH địa phương.
Đối với xã Tân Lập, việc tuyên truyền luật và pháp lệnh đến người dân được tổ chức thông qua các mô hình lồng ghép với câu lạc bộ của các tổ chức chính trị trong xã. Xã đã thành lập được Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và 9 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại 9 ấp. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 39 vụ vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, tất cả nạn nhân đều là người già, phụ nữ và trẻ em. Đối với công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, toàn xã có số đảng viên nữ chiếm 36%, nữ đại biểu HĐND chiếm 7,7%, tỷ lệ cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương có nữ tham gia ban lãnh đạo là 9,2%...
Trên cơ sở số liệu các báo cáo, các thành viên trong đoàn giám sát đã chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân, gia đình và Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của huyện nói chung và xã Tân Lập nói riêng. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng, chính quyền, HĐND còn thấp; việc phối kết hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai Luật bình đẳng giới chưa được chặt chẽ và đồng bộ; việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa được sâu sát.
Kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những kết quả mà huyện Đồng Phú và xã Tân Lập đạt được trong thời gian qua, nhất là công tác truyên truyền, phổ biến và thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đoàn ghi nhận những kiến nghị của địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và sẽ có báo cáo trình Quốc hội xem xét. Bà Nguyễn Thúy Anh cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Đồng Phú và xã Tân Lập cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; hôn nhân, gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để các chính sách, pháp luật được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.
Minh Hiền