Một người tham gia BHĐC muốn phát triển mạng lưới đều tuân thủ 3 điều cấm kỵ: Không được nói về sản phẩm, công ty và chế độ hoa hồng. Vì vậy, để thuyết phục khách hàng tham gia làm nhân viên BHĐC, họ đã dùng nhiều chiêu thức lừa gạt.
Chiêu “tiếp cận sinh viên”
Không phân biệt bằng cấp, địa vị xã hội chỉ cần là công dân đủ 18 tuổi đều trở thành đối tượng để những người hoạt động trong mạng lưới BHĐC tiếp cận mời mọc. Tuy nhiên, khách hàng được mọi công ty BHĐC chú ý vẫn là các bạn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất. Bởi những người này vừa chân ướt chân ráo vào trường, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên việc lôi kéo sẽ dễ dàng hơn.
Kinh doanh BHĐC theo hình kim tự tháp sẽ bị cấm từ ngày 1/7/2014.
Để tiếp cận sinh viên, những người làm việc trong công ty BHĐC đã dở nhiều chiêu thức lừa gạt, nhằm dụ dỗ lôi kéo các bạn tham gia. Có người đã đến tận trường, lớp và giới thiệu công ty đang mở một lớp học kỹ năng mềm miễn phí. Lớp học này được nhiều sinh viên đăng ký tham gia học, để phục vụ cho công việc sau khi ra trường. Lớp học hoàn toàn miễn phí, nhưng vì số lượng chỗ ngồi có hạn nên phải đăng ký trước. Cũng có người đóng vai tuyển dụng lao động, với lời mời: “Cửa hàng/công ty của anh/chị đang cần tuyển nhân viên làm thêm, thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng. Công việc cần các bạn sinh viên trẻ, nhiệt tình, nhanh nhẹn. Bạn nào cần việc làm thì nói để mình bảo anh/chị để cho một suất”. Những sinh viên con nhà nghèo muốn kiếm tiền thêm phụ giúp cha mẹ là những nạn nhân dễ bị lừa nhất.
Nhiều nhân viên BHĐC còn lắm chiêu trò hơn khi giả danh là chủ một công ty, cửa hàng nào đó và đăng tải thông tin tuyển dụng. Nếu ai đó tin và liên lạc trước khi đến xin việc thì câu đầu tiên mà những người này hỏi sẽ là: “Bạn tên là gì, sinh năm bao nhiêu? Tiếp đến mới là những câu hỏi khác liên quan đến quê quán, trình độ học vấn… Sau đó hẹn ngày đến phỏng vấn và nhắc mang theo chứng minh nhân dân, nếu đồng ý nhận việc luôn”.
Em Hồ Thị T., sinh viên Trường trung cấp y tế Bình Phước, cho biết: “Thấy tuyển dụng trên mạng nên em cũng muốn tìm hiểu cơ hội. Sau khi gọi điện theo số điện thoại ghi trên mạng thì được một người tự xưng là nhà tuyển dụng của công ty hẹn đến phỏng vấn. Nhưng khi đến nơi em mới biết công ty mà họ tuyển dụng có thật, nhưng địa chỉ lại là một cơ sở BHĐC. Từ đó, mỗi lần tìm việc em đều phải dè chừng”.
Lừa tiền bố mẹ để đóng phí tham gia
Hiện nay nạn nhân chủ yếu của hình thức bán hàng đa cấp là sinh viên, đặc biệt là những bạn sinh viên con nhà nghèo. Để có số tiền tham gia bán hàng đa cấp, mỗi người đã dùng nhiều cách làm khác nhau để có tiền. Một trong những cách phổ biến là lừa bố mẹ xin tiền để đóng học thêm hoặc vay mượn bạn bè.
Bạn C.T.H. là nhân viên của một công ty thiết kế ở TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Trước đây còn là sinh viên, nhiều công ty BHĐC đã tìm đến trường mời chúng em tham dự khóa học kỹ năng mềm mà không mất tiền. Vì vậy, em đã đồng ý tham gia. Tuy nhiên, điều kiện để được học lớp kỹ năng mềm là em phải trở thành đại lý chính thức của công ty. Phí vào công ty phải mua sản phẩm với giá thấp nhất là 1,7 triệu đồng. Lúc đó, em là sinh viên đâu có tiền nhiều. Mỗi tháng ba mẹ chỉ cho 800 trăm đến 1 triệu đồng, phải chi tiêu dè chừng mới đủ. Nhưng khi nghe bạn nói, đây là cơ hội kiếm tiền, sau này không cần phải xin tiền bố mẹ hàng tháng nữa, mà còn có thể gửi tiền về giúp gia đình. Thấy vậy, em đã nói dối bố mẹ cho em tiền học thêm anh văn, tin học. Ba mẹ tưởng thật nên không ngần ngại gửi tiền cho em. Có 1 triệu, còn thiếu 700 trăm ngàn đồng, em phải vay bạn bè và trích tiền ăn của mình ra để tham gia. Nhưng cuối cùng thì tiền mất tật mang, việc học của em cũng xuống dốc. Giờ vào trong đây làm, bắt gặp nhân viên của Công ty Unicity Power đến tư vấn làm thêm, em biết chắc là hình thức BHĐC nên không tham gia”.
Khác với bạn H., bạn P.T.C. còn có chiêu xin tiền độc hơn. Bạn C. chia sẻ: “Lúc mới ra trường, mình chưa kiếm được việc làm, chạy khắp thành phố kiếm việc làm thêm nhưng không được. Một hôm tình cờ gặp một người lớn tuổi, có đeo bảng tên là Lê Thanh Phú – nhân viên của công ty truyền thông. Người này liền bắt chuyện với em và hỏi em học ngành gì. Sau khi trả lời xong, người đó bảo chú đang cần một người tốt nghiệp ngành của cháu, nếu cháu cần việc chú dẫn lại công ty xin việc luôn. Tại công ty đó, em được nghe nhiều bài giảng làm giàu, muốn giàu phải thay đổi nhận thức. Sau một thời gian bị thuyết phục, lôi kéo em đồng ý tham gia. Nhưng để trở thành đại lý của công ty này phải đóng phí ít nhất 5,6 triệu đồng. Để có số tiền đó em đã phải nói dối mẹ xin được việc ngoài thành phố, làm cho một công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, thử việc trong vòng 3 tháng sau mới có lương. Nhà không có điều kiện, nhưng khi nghe em nói tìm được việc nên mẹ cũng vay mượn hàng xóm một ít và một ít của nhà cho em đi xin việc. Cuối cùng tiền mất đã đành, mà sản phẩm mua về dùng có giá cao gấp 2 - 3 lần so với ngoài thị trường”.
Mất bạn bè, người thân cũng vì BHĐC
Bằng những lời mời chào đầy hấp dẫn, không ít người đã trở thành nạn nhân của hình thức bán hàng theo kiểu này. Không phải bất cứ ai tham gia vào đều có thể trở thành Presidential Diamond (Tổng thống Kim Cương), người có cấp bậc cao, thu nhập vài chục triệu đồng/tháng như họ nói. Anh N., Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, tham gia BHĐC đã 1 năm nay, nhưng khi hỏi về thu nhập anh vẫn ngần ngại không nói. Bởi lẽ, anh N. vẫn chưa có thu nhập. Muốn có thu nhập, người BHĐC phải lôi kéo được bạn bè, người thân và những người quen từ các mối quan hệ khác tham gia mua sản phẩm.
Một người bạn cũng là nạn nhân của BHĐC chia sẻ: “Tôi bỏ công việc đó từ lâu rồi. Mới đầu tham gia thấy hăng hái với những lớp học OPP (huấn luyện những kỹ năng làm giàu). Nhưng từ khi tham gia, tôi không phát triển được mạng lưới, bởi bạn bè tôi ai cũng biết những công ty BHĐC đa phần là lừa đảo. 100 người tham gia may ra chỉ có một người thành công”. Thở dài ngao ngán, chị P.T.H. (ngụ Đồng Xoài) cho hay: “Đúng là nhẹ dạ cả tin, trên đời này làm gì có việc gì mà không làm việc, lương lại nhiều đến vậy. Mình đã bỏ ra 5,6 triệu đồng mua sản phẩm của một công ty BHĐC, nhưng đã hơn 1 năm nay mình không giới thiệu được ai mua sản phẩm, nên chẳng có nguồn thu nhập. Đã đành bỏ tiền ra mua sản phẩm, nhưng sản phẩm đó đắt hơn ngoài thị trường gấp 2 - 3 lần. Minh xem đây là bài học nhớ đời, rút kinh nghiệm sau này đi tìm việc sẽ cẩn thận hơn”.
Từ thâm nhập hệ thống BHĐC của một số công ty, chúng tôi nhận thấy: Người tham gia vào hệ thống BHĐC phải mua một sản phẩm với giá cắt cổ. Khi trở thành một mắt xích trong hệ thống BHĐC, muốn có lương thì phải lôi kéo được người mua sản phẩn của công ty. Khi bạn bè, người thân mua sản phẩm thì mình được hưởng hoa hồng từ những sản phẩm công ty BHĐC. Cứ như thế, nhiều người đã phải trả cái giá quá đắt như mất tiền, làm rạn nứt mối quan hệ bạn bè, người thân, sao nhãng việc học hành, trong khi chỉ có những người khởi xướng ra hình thức kinh doanh này lại được hưởng lợi. Đối với những người có kinh tế khó khăn, khi đã biết mình bị lừa, nhưng họ cũng phải lừa người khác để bù lại số tiền trót dại vì lỡ mua hàng đa cấp.
Nhật Phong