Muôn nghề kiếm sống: Tiều phu thời công nghệ

Thứ tư - 11/12/2013 11:09
(CTTĐTBP) - Tiều phu (người đốn củi trên rừng) thời nay không còn cảnh tay xách dao, vai gánh củi nhọc nhằn kiếm sống trên rừng. Giờ đây, họ có máy cưa để đốn cây; xe ba gác để vận chuyển củi, gỗ. Công việc tuy vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập tương đối cao, ít phải cạnh tranh mối hàng.
 

CHẠY SÔ VỚI NGHỀ

 

Về ấp 2, xã Đồng Nơ (Hớn Quản), hỏi thăm nhà anh “Thuyết tiều phu” (tên thật là Tô Duy Thuyết, 35 tuổi) người trong ấp ai cũng biết. Bởi lẽ, anh làm đã khá lâu và trong ấp chỉ có anh làm nghề này. Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi tìm đến nhà anh. Lúc này, trên xe ba gác của anh Thuyết đã chuẩn bị đầy đủ đồ nghề gồm: Máy cưa, xăng dầu, kính mắt, cơm nước buổi trưa... Anh Thuyết cho biết: “Sáng nào cũng vậy, cả nhà cùng đi ăn sáng. Sau đó đưa cháu đến trường, vợ chồng tôi mới đi làm. Hôm nào ít việc, vợ tôi ở nhà làm vườn, còn tôi đi một mình. Vào mùa mưa, người dân gọi cưa cây nhiều, làm không hết việc”.
 

Anh Bình cùng thợ phụ hạ vườn cao su.
 
Anh Thuyết cho biết, những năm đầu vào Bình Phước lập nghiệp, công việc cưa cây đốn củi khá vất vả, vì chủ yếu phải dùng sức người là chính. Đường sá đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển nghèo nàn. Nay với sự trợ giúp của máy cưa, công việc nhàn nhã hơn, thu nhập tăng lên đáng kể. “Giai đoạn 1999-2004, phong trào trồng hồ tiêu phát triển mạnh, hằng ngày tôi đi chặt cây rừng về bán cho người dân để làm trụ tiêu. Mỗi ngày tôi thu nhập 200-300 ngàn đồng, cuộc sống gia đình khá ổn định” - anh Thuyết nhớ lại.
 
Hiện nay, anh Thuyết không còn đốn củi trên rừng, mà trên các vườn điều, cao su, vườn tạp của dân. Ngày nào cũng có người điện thoại gọi anh tới cắt củi, cưa cây dọn vườn, hạ cây để lấy gỗ, cắt cây chết hoặc cây gãy đổ... Cắt những cây gỗ có giá trị, chủ nhà lấy gỗ, anh Thuyết lấy phần củi, tiền công. Cắt những cây gỗ tạp, chủ nhà cho anh lấy gỗ, thậm chí trả thêm tiền xăng dầu. Việc cưa, cắt cây bây giờ rất khỏe, chỉ cần điều khiển máy cưa cho vững và thạo là được, không phải tốn nhiều công sức và chai tay như dùng dao, búa, rìu chặt như trước. Cắt xong củi, anh Thuyết cho xe ba gác hoặc xe công nông vào tận chỗ cây cưa, chất củi lên xe, chở ra đường lớn tập hợp thành đống. Khi củi đủ xe ôtô tải, anh gọi mối tới chở đi bán.

GẮN CUỘC ĐỜI TRÊN NHỮNG VƯỜN CAO SU
 
Khác với anh Thuyết, anh Huỳnh Văn Bình (1978), ngụ xã Thanh Bình (Hớn Quản) đã có 20 năm tuổi nghề cưa cây cao su. Anh Bình kể: “15 tuổi tôi đã theo phụ cắt cây. 18 tuổi tôi tự ôm máy cưa cây. Và từ đó, tôi gắn đời mình với nghề này”. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn hécta cao su được thanh lý, nên nghề đốn củi cao su như anh Bình khá ổn định. Hiện nay, anh ký hợp đồng chuyên cắt cây cao su với Công ty TNHH Kim Huy (tỉnh Bình Dương).
 
Mỗi khi Công ty Kim Huy mua được vườn cây cao su trên địa bàn tỉnh hay các tỉnh lân cận, anh Bình cùng những người làm công lại vác máy cưa, mùng mền, chăn gối, các vật dụng cần thiết lên đường, dựng lán cưa cây. Có những chuyến đi kéo dài vài tuần, cũng có chuyến cả tháng, nửa năm. “Không kể mùa khô hay mùa mưa, cứ hễ công ty mua được vườn cây là tôi có mặt để làm phần việc của mình. Chuyến đi dài hay ngắn ngày tùy thuộc vào số lượng cây trong vườn. Làm nghề này cũng đủ sống, nhưng phải thường xuyên xa vợ con” - anh Bình nói.

NGUY HIỂM VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM
 
Theo chân anh Bình đi cắt cây ở xã Tân Hưng (Hớn Quản), chúng tôi mới thấy hết sự vất vả và nguy hiểm của nghề. Từ sáng sớm, thầy trò anh Bình đã nổ máy cưa hạ cây. Khi mặt trời lên cao, nhiệt độ tăng dần, lưng trần (không áo) của các thợ cưa sáng bóng mồ hôi. Mặt, lưng, bụng dính đầy mùn cưa, ai mới vào nghề chưa quen thì ngứa, rát hết cả người. Điều đáng sợ hơn là khi đang cắt cây có một luồng gió trái chiều, làm cho cây đổ không theo ý muốn của người cưa. Tình huống này có thể cướp đi tính mạng của thợ cắt cây trong tích tắc.
 
Anh Bình chia sẻ thêm: “Các thợ cắt cây rất sợ đinh và dây thép. Đinh, dây thép được đóng, cột vào thân cây lúc còn nhỏ. Cây lớn dần, vỏ cây bao phủ đinh, dây thép, nên thợ cưa không nhìn thấy. Khi lưỡi cưa dính phải làm cho máy giật ngược trở lại. Nếu thợ cưa đứng ở thế không vững, giữ không chắc máy cưa hoặc thiếu kinh nghiệm xử lý, rất có thể làm cho máy cưa rơi xuống đất, va chạm vào tay, chân, nguy hiểm khôn lường”.
 
Hiện tại, những thợ cắt cây được trả công bình quân 27 ngàn đồng/m3 gỗ. Với những người có kinh nghiệm và tuổi nghề như anh Bình, anh Thuyết thì mỗi ngày cắt được 40-45m3 gỗ; trừ các khoản chi phí, mỗi người kiếm được khoảng 500 ngàn đồng/ngày.
Còn theo anh Thuyết, để làm được nghề này, người cưa phải có kinh nghiệm. Đơn cử như muốn hạ một cây to, mọc sát nhà, thế cây không thuận lợi thì trước khi đốn, thợ cưa phải trèo lên cây cắt hết phần ngọn, cành để tránh trường hợp cây đổ đè lên mái nhà. Sau đó dùng dây thừng buộc ở phần ngọn để kéo cây đổ theo hướng định sẵn. Với những cây mọc ở không gian hẹp, thợ cưa phải đốn từng đoạn từ trên cao xuống. Muốn vậy, người cưa phải dùng dây thừng cột vào đoạn mình muốn cắt, rồi trèo lên một cây bên cạnh, đưa máy cưa sang cắt từng đoạn đã được buộc dây và thả từ từ xuống. Trường hợp này, mỗi ngày chỉ cưa được vài cây, tuy nhiên chủ nhà trả công khá hậu hĩnh.   
 
 

Nhất Sơn (Báo Bình Phước)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập931
  • Hôm nay365,529
  • Tháng hiện tại10,832,120
  • Tổng lượt truy cập456,227,242
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây