Muôn nghề kiếm sống: Những lái buôn xuyên Việt

Thứ tư - 11/12/2013 11:03
(CTTĐTBP) - Để bán hàng trên đất Campuchia, lái buôn phải biết tiếng Khơme, thông thuộc địa bàn và có bạn hàng tại các chợ mối. Bên cạnh đó, họ phải thức khuya dậy sớm, chịu nhiều rủi ro trên đường vận chuyển hàng hóa. 
 

THỨC ĐÊM CHỜ LẤY HÀNG...

Hơn 2 giờ, chợ Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh) bắt đầu tụ họp. Những chiếc xe máy chở sọt hàng cồng kềnh, đậu sát nhau ngay cổng chợ chờ mua bán hàng. Trời càng về sáng, người mua người bán đổ về chợ càng đông. Lái buôn từ nhiều xã trên địa bàn huyện về đây tấp nập. Người chọn những bó rau tươi ngon, củ, quả bắt mắt; người chọn thịt, cá từ các mối giết mổ, xe chở cá đông lạnh; người bốc dỡ hàng khô từ trên xe ôtô xuống... Rồi họ lựa nhặt hàng, cân hàng, kì kèo thêm bớt... dưới những ánh đèn pha lẫn hơi sương, hòa trong những tiếng còi xe báo hiệu hàng về.
 

Các lái buôn chờ làm thủ tục xuất cảnh.
 
Đa số lái buôn ở đây đều là người không có hoặc ít vườn rẫy. Họ gắn đời mình với nghề bán hàng rong trên địa bàn huyện hoặc bỏ mối hàng cho các chợ bên Campuchia. Chị Đặng Thị Kim Thành với khuôn mặt hốc hác, sạm đen, mồ hôi ướt đẫm, đang vội vã chất hàng lên xe máy để giao cho các tiểu thương ở chợ Snoul (tỉnh Kratíe, Campuchia). Chị buôn bán rau, củ, quả ở chợ Lộc Ninh đã mấy chục năm, nhưng bắt đầu qua Campuchia bỏ mối hàng khoảng 10 năm trở lại đây. Khoảng 4 giờ, hai sọt hàng trên xe của chị và các lái buôn khác đã gần đầy. Nào rau, củ, quả, mắm muối, hành tỏi... Tất cả đã sẵn sàng xuất bến, tỏa về các xã vùng sâu trên địa bàn huyện, qua các huyện lân cận, hay sang Campuchia.
 
Đồng hành với lái buôn là những chiếc xe máy khá đặc biệt. Mỗi chuyến qua biên giới, các lái buôn thường chở 400-600kg hàng hóa các loại. Để có thể chở nặng được như thế, chủ xe phải “độ” xe (làm cho xe mạnh hơn). Giảm xóc sau của xe máy chở hàng, mỗi bên được gắn thêm 2-3 cái; vành xe được tăng cường thêm những sợi thép to bằng chiếc đũa; gác baga xe được cơi nới rộng, dài và có gờ bám giữ... Chị Thành cho biết: “Buôn hàng rau, củ, quả qua Campuchia bán chủ yếu là phụ nữ. Khi tuổi đã cao, chúng tôi phải thuê những người đàn ông khỏe mạnh chở hàng, còn mình đi theo để bỏ mối. Mỗi ngày, người buôn trả cho người chở thuê 150 ngàn đồng, đóng thuế cho bên bạn khoảng 100 ngàn đồng, tiền xăng xe và các chi phí khác gần 200 ngàn đồng”.

... VÀ VƯỢT GẦN 100KM ĐI BÁN
 
Vừa qua hết địa phận thị trấn Lộc Ninh (Lộc Ninh), các lái buôn tập trung tại một địa điểm trên quốc lộ 13. Họ tập trung ở đây chờ lấy cá biển của ông Đức ở thị xã Bình Long - một mối hàng quen thuộc - bán bằng giá chợ nhưng cân đủ ký hơn. Hôm chúng tôi gặp, xe ôtô chở cá của ông Đức tới điểm hẹn trễ hơn 30 phút, nhưng các lái buôn vẫn đợi, vì cá biển được khách hàng bên bạn ưa chuộng.
 
Trong lúc chờ đợi, chị Thành kể với chúng tôi: “Đã hơn 10 năm nay, ngày nắng cũng như mưa, tôi cùng các lái buôn khác phải vượt quãng đường gần 100km để đến chợ Snoul bán hàng. Thông thường một chuyến hàng từ Việt Nam qua Campuchia, tôi phải đầu tư tiền hàng 6-7 triệu đồng, có thời điểm lên đến 10 triệu đồng/ngày. Trước kia, cả thôn chỉ có mình tôi làm nghề này. Sau này, nhiều người thấy làm ăn được nên tham gia. Thấy nhiều người Việt Nam qua bán nên các thương lái bên bạn ép giá. Nếu như trước đây, trung bình một ngày tôi lãi 500-600 ngàn đồng, thì nay chỉ còn khoảng 300-400 ngàn đồng”.
 
Hiện tại, mỗi ngày tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có nhiều đợt xe lái buôn qua lại. Đợt sớm nhất, các lái buôn lấy hàng từ 3 giờ ở chợ Lộc Ninh và đến cửa khẩu lúc 7 giờ. Đợt thứ hai, các lái buôn lấy hàng khoảng 9 sáng và qua cửa khẩu lúc hơn 11 giờ trưa. Những lái buôn bán hàng khô (mắm, muối, bột ngọt, dầu ăn...) thường đi xe ba gác, mỗi chuyến chở gần 1 tấn. Còn lái buôn rau, củ, quả, thịt, cá... thường đi xe máy chuyên dụng, chở 500-600kg hàng.
Chị Bùi Thanh Tâm, một lái buôn khác tiếp chuyện: “Thu nhập mỗi ngày 400-500 ngàn đồng là cao, nhưng chúng tôi rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm và đôi khi chở hàng trên đường rất nguy hiểm. Để có lời, các xe máy phải chất hàng cao hơn người. Những hôm trời nổi giông, gió mạnh, mưa tạt thẳng vào mặt, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chưa kể nhiều hôm trời sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế, khả năng gặp rủi ro rất cao. Có những ngày xe cán phải đinh, lại bốc hàng xuống, lấy đồ nghề ra “tự xử”. Ngoài ra, để bán được hàng, người buôn phải biết tiếng Khơme, thông thuộc địa bàn và có bạn hàng tại các chợ”.
 
Đúng 7 giờ, xe hàng của chị Thành, chị Tâm và các lái buôn khác đã có mặt tại cửa khẩu Hoa Lư làm thủ tục xuất cảnh. Gần 9 giờ, các lái buôn đã có mặt tại chợ Snoul để bỏ mối hàng. Khoảng 1 tiếng sau, các lái buôn đã giao hết hàng. Họ lại tiếp tục hành trình trở về nhà, nghỉ ngơi và chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai.                 
 
Nhất Sơn (Báo Bình Phước)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,361
  • Hôm nay360,506
  • Tháng hiện tại10,827,097
  • Tổng lượt truy cập456,222,219
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây