Điều này cho thấy người nông dân tiếp tục rơi vào vòng xoáy của giá cả “giá cao thì ồ ạt trồng, giá thấp lại chặt bỏ”. Việc “trồng – chặt – trồng” đang dần phá vỡ quy hoạch vùng cây trồng của tỉnh, đồng thời gây thiệt hại về kinh tế cho chính người nông dân. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, người nông dân không nên chặt bỏ cây trồng vì lợi ích trước mắt, đồng thời thực hiện một số biện pháp để tăng thêm thu nhập.
Trồng xen cây khác để cứu cao su
Trước đây, người nông dân thường chọn giải pháp xen canh cây mì (sắn) trong vườn cao su non, nhưng điều này đã làm đất vườn cây bạc màu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, năng suất, chất lượng của cây cao su sau này. Nhằm khắc phục tình trạng trên, một số hộ nông dân hiện trồng xen các loại cây ngắn ngày khác để tăng thêm thu nhập trong vườn cao su đang trong thời gian kiến thiết như cây đu đủ, ngô, mía... Đây được xem là một trong những biện pháp trước mắt, lấy ngắn nuôi dài và nhằm hạn chế việc chặt bỏ cây cao su trong thời gian bão giá.
Trồng xen cây đu đủ trong vườn cao su đang kiến thiết để tăng thu nhập.
Bà Hồ Thị Liễu (xã Đồng Nơ, Hớn Quản) có 3 ha đất trồng cao su hơn 2 năm tuổi. Nhà chỉ có hai vợ chồng nên bà Liễu đã cho một hộ dân khác thuê diện tích đất nói trên để trồng xen cây đu đủ. Bà Liễu cho biết: “Nếu không cho người khác thuê đất để trồng xen, mỗi năm tôi phải chi gần chục triệu đồng thuê máy cày, nhân công làm cỏ, mua phân bón cho vườn cây. Với tình trạng giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, cho người ta thuê đất để trồng xen là biện pháp lấy ngắn nuôi dài hiệu quả”.
Tương tự, ông Trương Hữu Thuận (xã Lộc Hưng, Lộc Ninh) trồng xen mía đường, đu đủ trong 2,5 ha vườn cao su 3 năm tuổi. Ông Thuận chia sẻ: “Cao su còn nhỏ, tôi tận dụng trồng xen mía giữa hàng cao su, mỗi hàng trồng 2 luống mía. Do gần suối nên không lo thiếu nước vào mùa khô, giữa 2 luống mía tôi làm hệ thống tưới nước tự động, vừa cung cấp đủ nước cho cây mía vừa tăng độ ẩm cho vườn cao su. Trồng mía không cần kỹ thuật nhiều, ít công chăm sóc, 8 tháng là cho thu hoạch”.
Ông Thuận dự tính 1,5 ha mía trồng xen trong cao su năm nay sẽ cho thu hoạch 45 tấn. Với giá mía khoảng 1 triệu đồng/tấn, trừ tất cả chi phí thì gia đình ông còn thu lời khoảng 30 triệu đồng. Ông Thuận phấn khởi cho biết thêm: “Tôi hợp đồng bán mía cho thương lái ở Bình Dương, đồng thời bỏ mối cho các quán nước giải khát trên địa bàn huyện nên không sợ ế hàng”.
Nông dân phải biết hạch toán kinh tế
Ông Nguyễn Văn Tới – Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Được mùa mất giá, mất mùa được giá” là quy luật cung - cầu, từng hộ dân hoặc nhóm hộ không thể tự
|
Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Võ Đình Khánh nhận định: Việc một số hộ dân chặt bỏ cây cao su để thay thế các cây trồng khác không theo quy hoạch của tỉnh và trung ương là biện pháp không bền vững. Với tình trạng giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, các hộ nông dân nên chọn biện pháp trồng xen một số loại cây ngắn ngày trên diện tích cây cao su đang trong thời gian kiến thiết là một biện pháp lấy ngắn nuôi dài khá hiệu quả. Diện tích cây trồng xen không nhiều, nên đầu ra ổn định, nguồn cung không vượt cầu. Tuy nhiên, người dân nên chọn một số loại cây thích hợp, không cạnh tranh nhiều chất dinh dưỡng với cây cao su. |
|
điều chỉnh. Trên thực tế, sản phẩm hàng hóa (lương thực, thực phẩm) đến với người tiêu dùng luôn tăng, nhưng giá nông sản thì có tăng có giảm, có lúc giảm rất mạnh. Nguyên nhân là do giữa người sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa có sự chia sẻ lợi ích với nhau, nên thua thiệt phần nhiều vẫn là người nông dân. Muốn kiểm soát được tình trạng giá cả bấp bênh, cần phải hình thành chuỗi giá trị sản phẩm gắn với thị trường.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đã và đang hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, chứ không thể sản xuất với giá thành cao rồi yêu cầu thị trường phải mua cao.
“Giai đoạn 2002 - 2010 được xem là thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su, nhưng nay giá mủ cao su đã xuống thấp và sẽ khó phục hồi được như cũ. Đây là thời điểm tốt nhất để người nông dân hạch toán giá thành sản xuất của mình. Và qua việc hạch toán kinh tế này, nông dân sẽ lựa chọn được loại cây trồng phù hợp, nên tiếp tục đầu tư sản xuất hay thay thế bằng loại cây trồng khác hiệu quả hơn...”, ông Tới cho biết./.
Nhật Phong