Trong tình hình này, rất cần phải xây dựng một văn bản hướng dẫn chung để thống nhất đánh giá tình hình và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Do vậy, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Thông tư Hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã để thay thế Thông tư 01/2006/TT-BKHĐT đã hết hiệu lực và làm căn cứ để thống kê, đánh giá tình hình hợp tác xã nói chung trên toàn quốc là hoàn toàn phù hợp và rất cần thiết.Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, một số Bộ, ngành và địa phương đã ban hành quy định riêng để phân loại và đánh giá hợp tác xã trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị... Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính chất chuyên ngành hoặc đặc thù của địa phương, chưa bao trùm thống nhất toàn bộ việc phân loại, đánh giá hợp tác xã của tất cả các loại hình HTX trên toàn quốc khiến cho các quy định chồng chéo, không thống nhất do vậy càng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Phân loại hợp tác xã
Dự thảo đề xuất “Phân loại hợp tác xã theo loại hình đăng ký”, gồm 4 loại hình: 1. Hợp tác xã; 2. Liên hiệp hợp tác xã; 3.Quỹ tín dụng nhân dân; 4. Ngân hàng hợp tác xã.
Về phân loại hợp tác xã theo sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho thành viên, dự thảo quy định, căn cứ theo sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho thành viên, hợp tác xã được chia thành:
Hợp tác xã của người tiêu dùng là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành viên. Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng tiêu dùng cuối cùng;
Hợp tác xã của người sản xuất là hợp tác xã thành lập nhằm mục tiêu chủ yếu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên có tổ chức hoạt động kinh tế (hợp tác xã này có thể cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào, hoặc chế biến sản phẩm, hoặc tiêu thụ sản phẩm và thực hiện dịch vụ đầu ra cho thành viên nhằm phục vụ hoạt động kinh tế của thành viên).
Hợp tác xã của người lao động là hợp tác xã chủ yếu cung ứng dịch vụ việc làm cho thành viên. Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động trong hợp tác xã.
Phân loại hợp tác xã theo quy mô thành viên như sau: Hợp tác xã quy mô thành viên siêu nhỏ là hợp tác xã có dưới 30 thành viên. Hợp tác xã quy mô thành viên nhỏ là hợp tác xã có từ 30 đến dưới 100 thành viên. Hợp tác xã quy mô thành viên vừa là hợp tác xã có từ 100 đến 500 thành viên. Hợp tác xã quy mô thành viên lớn là hợp tác xã có trên 500 thành viên.
Phân loại hợp tác xã theo quy mô tổng nguồn vốn như sau: Hợp tác xã quy mô vốn siêu nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng. Hợp tác xã quy mô vốn nhỏ là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Hợp tác xã quy mô vốn vừa là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng. Hợp tác xã quy mô vốn lớn là hợp tác xã có tổng nguồn vốn từ trên 50 tỷ đồng.
3 nhóm tiêu chí đánh giá hợp tác xã
Hợp tác xã được đánh giá dựa trên 16 tiêu chí và được chia thành 3 nhóm:
Nhóm tiêu chí về kinh tế (tối đa 30 điểm): Tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu; doanh thu, thu nhập sau thuế, tỷ lệ trích lập các quỹ đầu tư phát triển, dự phòng tài chính, khen thưởng phúc lợi;
Nhóm tiêu chí về quản trị, điều hành (tối đa 30 điểm): Trình độ bộ máy quản trị điều hành hợp tác xã; trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mức độ giải quyết khiếu nại tố cáo;
Nhóm tiêu chí về thành viên và cộng đồng (tối đa 40 điểm): Số lượng thành viên; giá ưu tiên cho thành viên; ưu tiên phân phối thu nhập cho thành viên theo mức độ sử dụng dịch vụ; mức độ hài lòng của thành viên đối với hợp tác xã; tỷ lệ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi; HTX được khen thưởng; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.