Đề cương tuyên truyền ngày truyền thống Hợp tác xã Việt Nam 11/4

Thứ năm - 12/10/2017 11:03
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đưa tư tưởng HTX vào Việt Nam. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế hợp tác xã. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của hợp tác xã, Người đã nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu “ Nhóm lại thành giàu, chí nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận hợp tác xã đều nằm trong điều ấy.
Đề cương tuyên truyền ngày truyền thống Hợp tác xã Việt Nam 11/4

Năm 1945, sau khi Việt Nam giành được độc lập, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến việc phát triển hợp tác xã. Ngày 11/4/1946, Bác viết thư kêu gọi điền chủ nông gia ViệtNamtham gia hợp tác xã nông nghiệp (đăng trên Báo Cứu quốc số 229, ngày 01/5/1946). Trong thư, Bác viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã”; “…hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”; “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”. Người tha thiết kêu gọi:“Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã”. Sau đó hàng loạt các cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đầu là các tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành, rồi đến các hợp tác xã được phát triển mạnh mẽ vào những năm 50-60 của thế kỷ 20 và cho đến ngày nay. Trải qua các thời kỳ cách mạng ViệtNam, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã luôn luôn có những đóng góp quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Để giáo dục truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các hợp tác xã, động viên phong trào thi đua và phát triển kinh tế hợp tác ở nước ta và biểu dương, khen thưởng các hình thức thích hợp với các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng, phát triển phong trào hợp tác xã, thực hiện tốt chủ trường, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1268/QĐ-TTg công nhận ngày 11 tháng 4 hàng năm là “Ngày Hợp tác xã Việt Nam”.

Ôn lại truyền thống lịch sử hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã ở nước ta hơn 70 năm qua, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp quan trọng của phong trào hợp tác xã đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ViệtNamxã hội chủ nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau, phong trào hợp tác xã ở Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước; đặc biệt là những đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phòng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở nước ta trong những năm qua, có thể tóm tắt theo các thời kỳ như sau:

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1955: hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào kinh tế hợp tác được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác giản đơn như tổ hợp tác, tổ vần công, tổ đổi công, tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Trong phong trào đó, năm 1948 Hợp tác xã Thủy tinh Dân chủ ra đời, có thể nói đó là hợp tác xã đầu tiên được thành lập tại chiến khu Việt Bắc, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của phong trào hợp tác xã ở Việt Nam sau khi nước ta giành được độc lập. Trong thời kỳ này, mặc dù số lượng cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển chưa nhiều, năng lực sản xuất còn hạn chế nhưng đã thu hút hàng chục vạn nông dân, thợ thủ công vào con đường làm ăn tập thể. Sự phát triển của phong trào kinh tế hợp tác, hợp tác xã cùng với kết quả của cải cách ruộng đất đã góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ, có những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo hậu cần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.

Thời kỳ 1955-1960: Từ những cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã được hình thành trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển hợp tác xã trong các ngành kinh tế.

Chỉ trong một thời gian ngắn, sau giai đoạn thí điểm xây dựng các hợp tác xã và các hình thức hợp tác giản đơn, trong 3 năm (1958-1960) miền Bắc đã có hơn 50.000 hợp tác xã được thành lập. Trong đó có 41.000 hợp tác xã nông nghiệp, với 2,4 triệu hộ nông dân tham gia, bằng 84,8% số hộ và 76% diện tích ruộng đất vào các hợp tác xã, đến năm 1960 về cơ bản miền Bắc đã hoàn thành việc hợp tác hóa bậc thấp trong nông nghiệp. Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có 2.760 hợp tác xã, 20 vạn lao động, chiếm 88% số thợ thủ công vào làm trong các hợp tác xã. Hơn 250 hợp tác xã mua bán ở cấp huyện với 4.320 cửa hàng hợp tác mua bán được tổ chức. Trong lĩnh vực tín dụng đã thành lập được 5.294 hợp tác xã với 2 triệu xã viên tham gia. Hơn 520 hợp tác xã ngư nghiệp ở vùng biển với 78% lao động và 75% thuyền, lưới tham gia vào hợp tác xã.

Việc vận động xây dựng, phát triển phong trào hợp tác xã trong giai đoạn này thực sự là một phong trào cách mạng rộng lớn, thu hút được đại bộ phận hộ nông dân, hộ kinh tế cá thể và người lao động tham gia. Kết quả hoạt động của các hợp tác xã trong những năm 1955-1960 đã góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn này phát triển với tốc độ cao. Đồng thời thông qua việc xây dựng và phát triển phong trào hợp tác xã đã hình thành quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn tư liệu sản xuất, đất đai và sức lao động; đưa những hộ nông dân, những người sản xuất nhỏ, thợ thủ công, tiểu thương vào làm ăn hợp tác trong các hợp tác xã theo đường lối của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Với quan hệ sản xuất mới, phù hợp cùng với các yếu tố chính trị, xã hội mới đã tạo ra sự hăng hái, phấn khởi sản xuất trong nông dân, sản xuất phát triển, tình hình nông thôn có chuyển biến tích cực, đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn có bước phát triển rõ rệt cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong giai đoạn 1961-1965: phát huy những thành quả đã đạt được, phong trào kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các hợp tác xã bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng ngàn hợp tác xã trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, mua bán, vận tải, tín dụng, xây dựng được thành lập, thu hút hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia.

Các hợp tác xã nông nghiệp với hình thức tổ chức lao động tập thể, nhanh chóng chuyển biến phương thức sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp, phân tán thành sản xuất tập trung, đưa máy móc, công cụ và kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất. Cơ sở vật chất kỹ thuật trong các hợp tác xã được tăng cường, giá trị tài sản cố định của các hợp tác xã năm 1965 tăng gấp 6,5 lần. Các công trình thủy lợi được xây dựng, đồng ruộng được cải tạo, khai hoang phục hóa được đẩy mạnh. Vì vậy, số hộ nông dân tham gia hợp tác xã đã tăng từ 84,8% năm 1960 lên 90% năm 1965, diện tích đất canh tác của hợp tác xã so với tổng diện tích tăng từ 68% lên 80,3%.

Các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển các cơ sở sản xuất tập trung, tích cực cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do các hợp tác xã sản xuất ra năm 1965 tăng gấp 8,4 lần so với năm 1960. Lần đầu tiên khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở nước ta tổ chức sản xuất được hàng xuất khẩu và xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

Các hợp tác xã mua bán cơ sở được chuyển về xã và mạng lưới mua, bán được mở rộng đến tận thôn, bản. Chỉ trong 3 năm 1962-1965 hơn 3000 hợp tác xã mua bán đã được thành lập. Tỷ trọng chiếm trong tổng mức bán lẻ của thị trường xã hội của các hợp tác xã mua bán tăng từ 6,5% năm 1962 lên 18% năm 1965. Các hợp tác xã mua bán đã làm tốt vai trò trợ thủ đắc lực của thương nghiệp quốc doanh trong việc đại lý bán lẻ hàng công nghệ phẩm và thu mua ủy thác lương thực, nông sản thực phẩm cho Nhà nước.

Các hợp tác xã tín dụng cũng được phát triển mạnh ở khắp các vùng, các miền trên miền Bắc. Với gần 2.500 cơ sở, hoạt động của các hợp tác xã tín dụng đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về vốn; góp phần hạn chế, xóa bỏ dần nạn cho vay nặng lãi.

Cùng với những đóng góp về kinh tế, phong trào hợp tác xã còn có vai trò quan trọng về mặt xã hội, như giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống. Các hợp tác xã còn chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao giác ngộ chính trị cho đông đảo quần chúng lao động. Đồng thời còn là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung cán bộ cho địa phương. Trong giai đoạn này các hợp tác xã còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lối sống mới, có văn hóa ở nông thôn thông qua việc tổ chức các dịch vụ phục vụ các nhu cầu xã hội như tang lễ, hiếu hỷ, giữ trẻ,…

Các phong trào thi đua của hợp tác xã cũng được đẩy mạnh. Phong trào thi đua học và làm theo Hợp tác xã Đại Phòng (Quảng Bình), Hợp tác xã Thành Công (Thanh Hóa),… được các địa phương phát động sâu rộng và đạt kết quả thiết thực.

Thời kỳ 1965-1975: Từ năm 1965, khi Đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc, quy mô chiến tranh mở rộng. Với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”, “Tất cả để giải phóng miềnNamruột thịt”. Các HTX được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cuộc vận động cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất được phát động và tổ chức thực hiện như một cuộc vận động cách mạng lớn. Các hợp tác xã tiến hành củng cố chế độ sở hữu tập thể trong HTX, tổ chức các đội sản xuất kết hợp với các đội chuyên khâu, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất. Nhiều phong trào sản xuất được phát động như phong trào xây dựng những cánh đồng 5 tấn/ha, phong trào học tập Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phòng (Quảng Bình), Hợp tác xã nông nghiệp Vũ Thắng (Thái Bình),…

Các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cũng được củng cố chuyển dần thành hợp tác xã bậc cao, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, cung cấp hàng hóa cho chiến trường, đồng thời cũng đã sản xuất ra nhiều mặc hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu.

Các hợp tác xã mua bán cũng đã tổ chức tốt việc tham gia lưu thông hàng hóa trong thị trường, đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng, chống nạn đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Các hợp tác xã vận tải ngoài việc đáp ứng các nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách còn trực tiếp tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiền tuyến phục vụ chiến đấu.

Trong giai đoạn này, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, phong trào hợp tác xã vẫn được củng cố và phát triển. Trong nông nghiệp, các hợp tác xã được đổi mới, mở rộng quy mô (sáp nhập các hợp tác xã có quy mô nhỏ vào thành hợp tác xã có quy mô lớn, toàn xã). Đến cuối năm 1974, toàn miền Bắc có hơn 46.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức lại theo quy mô toàn xã, thu hút 96% số hộ nông dân tham gia. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, trong những năm 1970-1974 bình quân tăng 11,8%, chiếm hơn 32% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương. Các hợp tác xã mua bán cũng nâng tỷ trọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ xã hội lên 21%.

Trên cơ sở giáo dục lòng yêu nước, các hợp tác xã đã động viên được sự lao động quên mình của các xã viên hợp tác xã, vừa sản xuất vừa chiến đấu, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay cày, tay súng”, vừa sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng chi viện cho miền Nam, vừa tổ chức các đơn vị tự vệ, tham gia chiến đấu, đánh trả máy bay địch, bảo vệ quê hương. Nhờ có hợp tác xã, chúng ta đã huy động được cao độ sức người, sức của cho tiền tuyến, huy động được hàng triệu thanh niên trai tráng nông thôn ra mặt trận, đánh giặc cứu nước, giải  phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Các hợp tác xã còn làm nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân thực hiện công tác hậu phương quân đội, trực tiếp chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ; tiếp nhận các chiến sĩ, thương bệnh binh từ mặt trận về tham gia sản xuất với các công việc phù hợp, tạo điều kiện ổn định cuộc sống. Các hợp tác xã còn là nơi giáo dục, nâng cao ý thức chính trị cho quần chúng nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao tình làng nghĩa xóm, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp tích cực vào những thành tựu của cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa ở nông thôn.

Thời kỳ 1975-1986: Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các hợp tác xã được phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Thực hiện chính sách cải tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 24 (Khóa III) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, với mục tiêu là đến năm 1980 hoàn thành cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Chỉ trong 4 năm (1976-1980) chúng ta đã xây dựng được 4.000 tổ đoàn kết sản xuất, 5.000 tổ hợp tác sản xuất và gần 1.000 hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, thu hút 70% lực lượng lao động trong các ngành nghề quan trọng và địa bàn sản xuất tập trung. Trong thương nghiệp đã xây dựng được hợp tác xã mua bán ở 92% số xã, lực lượng hợp tác xã mua bán cũng đã giúp Nhà nước nắm 80% nguồn hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương và 30% nguồn hàng nông sản.

Đối với khu vực nông nghiệp, thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thí điểm cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp được đẩy mạnh, tính đến cuối năm 1980 toàn miền Nam đã xây dựng được 2.689 hợp tác xã và 11.530 tập đoàn sản xuất.

Ở miền Bắc, phong trào cải tiến quản lý, tổ chức lại sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp được đẩy mạnh. Quy mô các hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục được mở rộng và tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên môn hóa và cơ giới hóa. Các hợp tác xã trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, xây dựng cũng được củng cố và tiếp tục phát triển, hoạt động có hiệu quả.

Đến năm 1986, năm được coi là năm phát triển cao nhất của phong trào hợp tác xã ở Việt Nam, cả nước có 76.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia. Trong đó có 16.740 hợp tác xã nông nghiệp, 40.228 tập đoàn sản xuất, với 94,2% số hộ nông dân và 80,8% tổng số ruộng đất canh tác nông nghiệp, sản xuất hơn 80% sản lượng lượng thực, thực phẩm của cả nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, cả nước có 32.000 hợp tác xã, với 1,27 triệu lao động, sản xuất ra một khối lượng hàng hóa chiếm 30% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc và gần 50% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương. Trong lĩnh vực thương mại, cả nước có 9.600 hợp tác xã mua bán cơ sở xã, phương, 10 vạn điểm mua, bán hàng. Các hợp tác xã mua bán đã chiếm gần 20% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường xã hội và đại lý thu mua ủy thác hơn 60% sản lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm cho cả nước. Trong những năm này, hơn 9.900 hợp tác xã vận tải với hàng chục ngàn phương tiện đã vận chuyển hơn 45% khối lượng hàng hóa và 50% khối lượng hành khách vận chuyển của các địa phương. Trong lĩnh vực xây dựng, cả nước đã có 3.913 hợp tác xã xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần quan trọng phục vụ cho việc xây dựng các công trình công cộng và nhà ở cho nhân dân. Trong lĩnh vực tín dụng với 7.100 hợp tác xã, đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vốn phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất của các hộ xã viên, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Thời kỳ 1987 đến nay: từ năm 1987, thực hiện đường lối đổi mới được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thức VI, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã có những biến đổi quan trọng và có thể nói từ năm 1987 đến năm 1996 là giai đoạn khó khăn nhất của các hợp tác xã ở nước ta. Khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp từng bước được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế; phần lớn các hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng, nhiều hợp tác xã sản xuất kinh doanh thua lỗ bị tan rã, giải thể. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có một bộ phận hợp tác xã đã kịp thời chuyển đổi thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả.

Từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên được Quốc hội ban hành vào cuối năm 1996, có hiệu lực thi hành từ 01/7/1997 đến Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hợp tác xã nước ta củng cố, đổi mới, phát triển bền vững.

Đến cuối năm 2015, cả nước có trên 150.000 tổ hợp tác, 18.024 HTX. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 10.452 HTX; thương mại-dịch vụ có 1.424 HTX; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng có 846 HTX; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có 2.187 HTX; vận tải có 965 HTX; tài chính – tín dụng có 1.145 quỹ tín dụng nhân dân; các lĩnh vực, ngành nghề khác là 1.005 HTX và 41 Liên hiệp HTX thu hút khoảng 13 triệu thành viên và người lao động.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: dịch vụ nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và làm muối,... gọi chung là hợp tác xã nông nghiệp. Hầu hết các hợp tác xã đã tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với kinh tế hộ theo hình thức dịch vụ hỗ trợ với các khâu dịch vụ như thủy lợi, làm đất, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư kỹ thuật, phân bón, cây con giống,... Một số hợp tác xã đã tổ chức được việc tiêu thụ nông sản hàng hóa cho xã viên. Nhiều HTX cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ nông nghiệp đã chú trọng phát triển thêm các ngành nghề sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ khác, hình thành HTX dịch vụ kinh doanh tổng hợp. Thông qua hoạt động hỗ trợ của hợp tác xã, nhiều hộ xã viên đã phát triển sản xuất có hiệu quả, thu nhập và đời sống được cải thiện, một số hộ đã giàu lên.

Trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, phần lớn các HTX đã được đổi mới và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt, thích ứng được với cơ chế thị trường, mở rộng được sản xuất và góp phần đáng kể vào việc cung ứng hàng tiêu dùng cho xã hội và cho xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp trong những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 20%.

Các HTX thương mại, dịch vụ cũng phát triển ở các vùng, đô thị, nhất là các thành phố lớn. Nhiều HTX, Liên hiệp HTX đã bám sát các yêu cầu của sản xuất và đời sống xã viên để tổ chức kinh doanh phục vụ. Bên cạnh việc mở rộng kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường, áp dụng những phương thức bán hàng văn minh, vẫn chú ý phục vụ tốt  nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là đối với những bà con xã viên nghèo.

Các HTX vận tải trong những năm qua cũng được đổi mới về tổ chức, quản lý và phương thức hoạt động, có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân. Hiện nay, các HTX giao thông vận tải đáp ứng 48% nhu cầu vận chuyển của toàn ngành, ở một số tỉnh, thành phố tỷ trọng vận tải hàng hóa và hành khách do các HTX đảm nhận chiếm từ 60 đến 75%.

Hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân cũng không ngừng được mở rộng, có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân để hỗ trợ các thành viên  phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Trong các ngành, lĩnh vực khác như dược, y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh môi trường, dịch vụ điện, nước, tin học, ... đã xuất hiện các HTX hoạt động hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần làm giảm khoảng cách giàu – nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương.

Có thể nói trong quá trình đổi mới từ cuối những năm 80 trở lại đây, phong trào hợp tác xã ở nước ta đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, từng bước thoát ra khỏi cơ chế quản lý cũ, hình thành mô hình HTX kiểu mới. Mặc dù còn những khó khăn, nhưng các cơ sở kinh tế hợp tác xã đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về kinh tế, trong những năm qua khu vực hợp tác xã đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, hoạt động của các HTX đã thực sự có tác dụng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo ra mối liên kết, hợp tác giữa các hộ xã viên trong HTX và giữa xã viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản, lương thực. Các HTX thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính riêng 100 HTX điển hình tiên tiến được nhận Cúp vàng “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng” vào năm 2012 cho thấy, tổng vốn hoạt động của 100 đơn vị đạt 9.314 tỷ đồng, doanh thu 27.960 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 636 tỷ đồng, nộp ngân sách 363 tỷ đồng, thu hút 74.791 lao động và đóng góp 22 tỷ đồng cho công tác xã hội, từ thiện,...

Về xã hội, với tính chất là tổ chức kinh tế - xã hội, các HTX đã tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 13 triệu người, đặc biệt là các đối tượng xã hội, góp phần giúp nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, ổn định đời sống. Các HTX còn là nơi giáo dục ý thức cộng động, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng làm giàu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các HTX ở các vùng, miền trong cả nước còn thể hiện rõ vai trò tích cực của mình trong việc góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an ninh quốc phòng, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở,...

Với những thành tích đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong 70 năm qua, các HTX , Liên hiệp HTX và Liên minh HTX các cấp đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ trao tặng nhiều hình thức và danh hiệu khen thưởng. Đã có 107 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động; 1.100 Huân chương các hạng; hàng ngàn cờ thi đua của Chính phủ và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cán bộ, xã viên và Liên minh HTX Việt Nam vìcó nhiều công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Dân tộc. Huân chương Độc lập hạng Ba cho Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam đãcó thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra Liên minh HTX các tỉnh, thành phố và các HTX, Liên hiệp HTX, thành viên còn được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành trao tặng hàng chục ngàn Bằng khen và danh hiệu thi đua khác.

Phát huy truyền thống 70 năm, năm 2016 khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh quá trình củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng những cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Liên minh HTX các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Tập trung vào tổ chức triển khai Kế hoạch Cuộc thi tìm hiểu Luật THX năm 2012 và tìm hiểu các loại mô hình HTX kiểu mới. Tích cực chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi, tổ chức đăng ký lại HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012. Tổng hợp nhu cầu, xây dựng đề án, chương trình,  kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-TTg với các nội dung sát với thực tế của ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển HTX. Tham gia tích cực vào việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó trọng tâm ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng và triển khai kế hoạch thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm vị thế, chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX các cấp lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2016-2020 và các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2016./.

Nguồn: Liên minh HTX Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,854
  • Hôm nay208,296
  • Tháng hiện tại11,062,668
  • Tổng lượt truy cập456,457,790
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây