Thông tin báo chí: v/v tình hình công tác tháng 6 năm 2021 của Tổng cục Hải quan

Thứ ba - 13/07/2021 11:04

1. Cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC)

1.1 Về hoàn thiện cơ chế chính sách

Với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Hệ thống pháp luật hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và các chuẩn mực, cam kết quốc tế nhằm tạo thuận lợi thương mại và tăng cường quản lý nhà nước về hải quan. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách. Kết quả cụ thể:

Trình Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”; Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg ngày 2/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 38/2017/QĐ-TTg ngày 18/8/2017 quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình (Hà Nội); Nghị định 02/2021/NĐ-CP ngày 07/01/2021 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan. Trình Bộ Tài chính ký ban hành 03 Thông tư[1] và 01 Quyết định[2].

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 và Nghị định 59/NĐ-CP ngày 20/4/2018; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật về hải quan theo định hướng và giải pháp đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách, một số đề án thực hiện nội luật hóa các Điều ước quốc tế chưa có quy định tại các luật có liên quan hoặc một số đề án nghiên cứu các vấn đề mới cần nhiều thời gian để nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực tế dẫn đến tiến độ còn chậm.

1.2 Công tác cải cách hành chính

Về cải cách hành chính: Để chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành về CCHC, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành: Kế hoạch CCHC năm 2021[3]; Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) năm 2021[4]; Kế hoạch hành động của Tổng cục Hải quan thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ[5].

Triển khai đánh giá, xác định Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2020 của Bộ Tài chính theo yêu cầu của Bộ Nội vụ. Hoàn thiện hồ sơ đánh giá, xác định Chỉ số CCHC năm 2020 của Tổng cục Hải quan. Thực hiện chấn chỉnh việc triển khai công tác CCHC sau chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2019 và triển khai đánh giá, xác định Chỉ số CCHC năm 2020 trong toàn Ngành. Nghiên cứu sửa đổi các tiêu chí, chỉ số chấm điểm CCHC ban hành kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-TCHQ ngày 24/5/2019 phù hợp với đặc thù của ngành Hải quan

Xây dựng Báo cáo tham luận đánh giá kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2021; Tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC): Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính công bố 05 TTHC sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 27/2021/TT-BTC ngày 19/4/2021[6]. Công bố 08 TTHC mới, 08 TTHC sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 04 TTHC quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021[7]. Tính đến nay có tổng số 243 TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành Hải quan, trong đó nhiều TTHC mới được ban hành nhằm nội luật hóa một số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời triển khai mạnh mẽ việc công khai, minh bạch và tăng cường điện tử hóa TTHC.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác CCHC nói chung và công tác kiểm soát TTHC nói riêng, qua đó giữ vững vị trí đứng đầu trong số các đơn vị khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ về Chỉ số CCHC, đồng thời góp phần tăng điểm số Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Bộ Tài chính.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, trong đó yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh được quy định trong các văn bản QPPL hải quan. Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan luôn tích cực hiện đại hóa CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp. Hiện nay, dư địa cải cách TTHC không còn nhiều, do đó, Tổng cục Hải quan gặp khó khăn trong việc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thực hiện TTHC theo định mức cụ thể 20% như yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP.

2. Thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu:

Trong tháng 6 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 55,3 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 4,2% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 28 tỷ USD, giảm 0,9%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 318,02 tỷ USD, tăng mạnh 32,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 158,35 tỷ USD, tăng 29% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 159,67 tỷ USD, tăng 36,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6/2021 ước tính thâm hụt 700 triệu USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 1,31 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 5,87 tỷ USD của 6 tháng đầu năm trước.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 6/2021 có tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 37,39 tỷ USD, tăng nhẹ 1,4% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước 19,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước; nhập khẩu là 17,8 tỷ USD, giảm 0,6%.

 Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực FDI  có trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 220,16 tỷ USD, chiếm 69% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước và tăng 36,6 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này ước đạt 116,65 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020 và trị giá nhập khẩu ước 103,52 tỷ USD, tăng 40%.

* Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:

- Dầu thô: xuất khẩu trong tháng 6/2021 ước tính đạt 117 triệu USD, giảm 10,3% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu dầu thô trong 6 tháng/ 2021 ước đạt 1.545 nghìn tấn, trị giá ước đạt 739 triệu USD, giảm 37,9% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

- Gỗ và sản phẩm gỗ: trị giá xuất khẩu trong tháng 6/2021 ước tính là 1,4 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng/ 2021 ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Hàng giày dép: trị giá xuất khẩu trong tháng 6/2021ước tính đạt 2 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng/2021 ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước.

- Hàng dệt may: ước tính trong tháng 6/2021, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 3 tỷ USD, tăng 16,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng/2021 ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước.

- Hàng thủy sản: ước tính trong tháng 6/2021, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước là 780 triệu USD, giảm 1,3% tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng/2021 ước đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Điện thoại các loại & linh kiện: ước tính xuất khẩu nhóm trong tháng 6/2021 là 2,7 tỷ USD, giảm 24,7% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 6/2021, xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá xuất khẩu trong tháng 6/2021 ước tính đạt 4 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2021 ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 22,07% so với cùng kỳ năm trước. 

* Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:

- Xăng dầu các loại: nhập khẩu trong tháng 6/2021 ước tính là 500 nghìn tấn, giảm 28% so với tháng trước và trị giá là 286 triệu USD, giảm 28,1% so với tháng trước. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 6 tháng/2021 ước tính đạt 3,9 triệu tấn, trị giá ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 7,2% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

- Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2021 là 4,9 tỷ USD, giảm 12,5% so với tháng trước.  Ước tính đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước là 31,73 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2021 là 4 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng của cả nước là 22,9 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2020.

-  Điện thoại các loại và linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2021 là 1,3 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước.

- Vải các loại: ước tính nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 6/2021 là 1,4 tỷ USD, giảm 7,1% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu vải các loại đạt 7,3 tỷ USD, tăng 32,3% so với 6 tháng/2020.

- Sắt thép các loại: ước tính nhập khẩu trong tháng 6/2021 là 1 triệu tấn, tăng 5,1% và trị giá là 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 6 tháng/2021 ước đạt 6,98 triệu tấn, tăng 4% và trị giá là 5,7 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước.

- Chất dẻo nguyên liệu: ước tính nhập khẩu chất dẻo trong tháng 6/2021 là 590 nghìn tấn, giảm 2,5% so với tháng trước và trị giá là 1,05 tỷ USD, giảm 3,5%. Ước tính đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu mặt hàng này của cả nước là 3,7 triệu tấn, trị giá 6,1 tỷ USD; tăng 15,8% về lượng và tăng 54,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

- Kim loại thường khác: ước tính trong tháng 6/2021 là 185 nghìn tấn, giảm 0,4% và trị giá là 825 triệu USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu kim loại thường khác trong 6 tháng/2021 ước đạt 1.066 nghìn tấn, tăng 20,9% và tổng kim ngạch ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 59,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

-  Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2021 là 620 triệu USD, giảm 0,1% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của cả nước là 3,4 tỷ USD, tăng 34,2% so với 6 tháng/2020.

- Ô tô nguyên chiếc các loại: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2021 đạt 12 nghìn chiếc, trị giá đạt 285 triệu USD, giảm 23,1% về lượng và 23,6% về trị giá so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 6/2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 78 nghìn chiếc, trị giá đạt 1,79 tỷ USD, tăng 92,1% về lượng và tăng 94,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

3. Tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN):

Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu từ 01/6 đến 30/6/2021 do KBNN cung cấp đạt 35.725 tỷ đồng, lũy kế cả năm đến 30/6/2021 đạt 195.596 tỷ đồng đạt 62,1% dự toán, đạt 59,1% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 30,75% so với cùng kỳ năm 2020.

4. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại:

Trong tháng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách mở để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các hành vi vi phạm. Cụ thể: 

Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp việc kiểm tra, giám sát kiểm soát hành lý của khách nhập cảnh qua tuyến đường bộ gặp nhiều rủi do lây nhiễm dịch Covid-19 các đối tượng đã vận chuyển trái phép ngoại tệ, vàng vào trong nước tiêu thụ.

Đặc biệt trong tháng tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua các đường hàng không, chuyển phát nhanh và đường bưu điện từ các nước Châu Âu về Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng cất giấu ma túy qua tuyến đường này ngày càng tinh vi như cất trong: quà biếu; thuốc tân dược, sữa hộp… nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Trước những diễn biến phức tạp cả về hình thức, tính chất, mức độ vi phạm và phương thức thủ đoạn nêu trên, Tổng cục Hải quan đã ban hành một số kế hoạch, công văn hướng dẫn, chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm: Công văn số 2170/TCHQ-ĐTCBL ngày 11/5/2021 yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử lý hàng hóa tồn tại cảng Cái Mép; kế hoạch phối hợp điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu thuốc tân dược.

Kết quả: Tính từ 16/05/2021 đến 15/06/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.486 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 225 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 23,418 tỷ đồng, Cơ quan hải quan khởi tố 01 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 04 vụ

Số liệu phát hiện, bắt giữ và xử lý toàn ngành Hải quan: Từ 16/12/2020 -15/6/2021, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 7.105 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.533 tỷ 150 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước 93 tỷ 501 triệu đồng; Cơ quan Hải quan khởi tố 11 vụ; chuyển khởi tố 37 vụ.

* Một số vụ việc điển hình:

- Ngày 07/06/2021, Đội kiểm soát-Cục Hải quan Hải Phòng đã phối hợp với Phòng cảnh sát mội trường –Công sn Hải Phòng tiến hành kiểm tra 01 lô hàng được vận chuyển trên tàu KMTC TOKYO chuyến 2110S về Việt Nam có chứa 8.762 kg Gỗ tròn đẽo thô cắt thành đoạn (tên khoa học: Pterocarpus santalinus L. f., tên thương mại quốc tế: Red sandalwood, tên thương mại Việt Nam: Giáng hương santa), có tên thuộc phụ lục II trong “Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)”.

- Ngày 09/06/2021, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất-Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh  đã phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Nam - Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành kiểm tra kho hàng TCS phát hiện lô hàng 13 kiến được gửi từ (YYZ) LESTER B.PEARSON INT”L trung chuyển qua KOREA về Việt Nam có 04 hôp nhãn hiệu “Similac và Growing up” chứa 1.140 gram Cần Sa.

- Ngày 14/06/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả- Cục Hải quan Quảng Ninh đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cẩm Phả tuần tra, kiểm soát, phát hiện 01 đối tượng có hành vi vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Hàng hóa vi phạm gồm: 1.465 lít dầu Diesel, trị giá:19.236.222 đồng.

- Ngày 15/06/2021, Đội kiểm soát CBL ma túy KV miền Nam-Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cục C04-Bộ Công an, Cục A07; Đoàn 3- Bộ Tư lệnh BĐBP phá thành công chuyên án CH521, bắt giữ 05 đối tượng, tang vật tịch thu gồm: 30,5 kg ma túy đá, 100gam cần sa, 20 viên ma túy tổng hợp (thuốc lắc), 01 súng ngắn quân dụng hiệu CZ75B, kèm theo 01 băng đạn,09 viên đạn (đã được lắp dầy trong băng đạn) và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.

- Ngày 16/06/2021, Phòng PC04- Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Đội KSPC Ma túy - Cục Hải quan tỉnh Điện Biên tuấn tra, kiểm soát, phát hiện và bắt quả tang 02 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật tịch thu gồm: 08 bánh Heroin (2,8 kg) và 18 kg ma túy đá.

5. Công tác hiện đại hóa hải quan   

5.1. Triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia một cửa ASEAN

Với vai trò là đầu mối giúp việc cho Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong 06 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Kết quả cụ thể như sau:

Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia: Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, theo đó đã có 19 TTHC mới được triển khai với 319.272 hồ sơ được xử lý của  3.886 doanh nghiệp tham gia. Lũy kế đến ngày 15/6/2021, có 226 thủ tục hành chính của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,89 triệu hồ sơ của 47,7 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Triển khai chính thức Hệ thống Một cửa quốc gia đối với tàu bay nhập cảnh và Hệ thống quản lý, giám sát tự động hàng hóa nhập khẩu đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo Quyết định số 1475/QĐ-BTC ngày 28/9/2020 của Bộ Tài chính và triển khai mở rộng tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ 01/4/2021.

Triển khai xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung  (hiện đang xây dựng giải pháp và định hướng chính của Đề án). Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia.

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Đến tháng 6/2021, Việt Nam đã trao đổi chính thức thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 09 nước ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Từ 01/01 đến 15/6/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 107.152 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 622.987 C/O. Lũy kế đến ngày 15/6/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 366.458 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 939.460  C/O. Hiện đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesia, Thái Lan. Bên cạnh đó phối hợp chuẩn bị thông điệp thử nghiệm và kiểm tra kết nối. Theo kế hoạch của ASEAN, 02 chứng từ này sẽ được kết nối trao đổi chính thức trong năm 2021.

Ngoài việc triển khai kết nối với các đối tác trong ASEAN, Tổng cục Hải quan tham mưu với Uỷ ban chỉ đạo quốc gia triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN như Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc, New Zealand: (i) Hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu; (ii) phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán, thống nhất yêu cầu kỹ thuật xây dựng hệ thống  trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á – Âu, trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; (iii) Ký “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” với New Zealand.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã được Tổng cục Hải quan cùng các Bộ, ngành thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, qua đó đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia, một số TTHC của các Bộ, ngành có thay đổi về mặt cơ sở pháp lý, yêu cầu nghiệp vụ dẫn đến phải rà soát, điều chỉnh các hệ thống liên quan như Cổng thông tin một cửa quốc gia, các hệ thống quản lý chuyên ngành gây khó khăn trong việc bố trí nguồn lực để triển khai các TTHC mới theo yêu cầu hệ thống.

5.2. Triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (KTATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ:

- Trình Bộ Tài chính ký ban hành: (i) Quyết định số 922/QĐ-BTC ngày 05/5/2021 về việc ban hành Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định; (ii) Quyết định số 923/QĐ-BTC ngày 05/5/2021 về việc thành lập Tổ triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; (ii) Quyết định số 924/QĐ-BTC ngày 05/5/2021 về việc thành lập Nhóm xây dựng hệ thống chia sẻ kết nối thông tin giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phục vụ quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, trong  tháng 6 năm 2021, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn nhân lực, thời gian hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng (KTCL) và kiểm tra an toàn thực phẩm (KTATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu. Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan rà soát chi tiết các nội dung dự thảo Nghị định. Ngày 04/6/2021, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5976/BTC-TCHQ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trong thời gian chờ ý kiến thẩm định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp với một số Hiệp hội doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định vào ngày 11/6/2021. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng bài toán nghiệp vụ và hoàn thiện Hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo triển khai các yêu cầu tại dự thảo Nghị định..

5.3. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)

Triển khai thực hiện hải quan số theo Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính: Ngày 27/4/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TCHQ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 783/QĐ-TCHQ ngày 22/3/2021 ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số. Theo đó đang khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số. Ngày 29/4/2021, Tổng cục Hải quan đã ký thừa lệnh Bộ Công văn số 460/BTC-TCHQ gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Hồ sơ đề xuất cấp độ của Tổng cục Hải quan. Hiện đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan: Ngày 14/5/2021, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 2246/TCHQ-CNTT gửi Cục Tin học và Thống kê Tài chính đề nghị tham gia ý kiến đối với Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số.

Về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 203/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (~ 85,6% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 197 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 83%), đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng. Từ 01/01-15/6/2021 số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4 tiếp nhận giải quyết là 6.903.151 hồ sơ, trong đó số lượng hồ sơ hệ thống DVCTT HQ36a là 67.092 hồ sơ.

5.4. Công tác kiểm tra, giám sát hải quan

Trong tháng 6/2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai công tác xây dựng bài toán nghiệp vụ về Hệ thống hải quan thông minh; Chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh và triển khai các biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cụ thể:

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện thủ tục hải quan; tăng cường ứng dụng CNTT và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết TTHC đảm bảo công tác giám sát, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần đẩy lùi và hạn chế tối đa khả năng lây lan của dịch bệnh.

- Chỉ đạo các cửa khẩu, sân bay quốc tế triển khai thông quan nhanh hàng hóa, đặc biệt là hàng viện trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức có hành vị gây khó khăn cho doanh nghiệp. Triển khai thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia và giám sát tự động tại sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

- Xử lý vướng mắc trong việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài của hàng hóa xuất khẩu tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

- Hướng dẫn phối hợp giữa các đơn vị trong ngành đảm bảo thông quan hàng hóa tại các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch. Bố trí địa điểm (có trang bị đầy đủ các điều kiện phòng dịch) để cán bộ, công chức làm việc với doanh nghiệp nếu cần thiết...

- Báo cáo Bộ, trình Chính phủ áp dụng chính sách thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, quà tặng hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như Công ty TNHH Văn Lang nhập khẩu 2.000 máy thở, Công ty Hansae Hàn Quốc nhập khẩu 170.600 áo choàng y tế (vải kháng khuẩn) tặng Chính phủ, Bộ Y tế. Từ tháng 01/2021 đến 23/6/2021 số thuế nhập khẩu đã miễn đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch theo Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 07/02/2020 và Quyết định số 436/QĐ-BTC ngày 27/3/2020 của Bộ Tài chính là: 6,317 tỷ đồng.

- Xử lý vướng mắc đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là nguyên liệu có nguồn gốc thực vật dùng để sản xuất thực phẩm chức năng . Bên cạnh đó chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc xuất khẩu đá vôi và tăng cường quản lý khoáng sản xuất khẩu.

 

Tác giả: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,174
  • Hôm nay34,736
  • Tháng hiện tại6,463,643
  • Tổng lượt truy cập451,858,765
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây