Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tài chính về việc quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, ngày 09/8/2021, Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản yêu cầu các đảng bộ, chi bộ thực hiện một số nội dung đối với công tác trên.
Theo đó, Đảng ủy đề nghị các đảng bộ, chi bộ trực thuộc phối hợp với thủ trưởng đơn vị, các tổ chức đoàn thể quần chúng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ thể bao gồm: Tổ chức quán triệt sâu sắc, toàn diện nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư đến các đảng bộ, chi bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị; Các cấp ủy đảng phối hợp với chính quyền cùng cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cụ thể hóa nhiệm vụ, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị sổ 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư, nhất là đối với các đơn vị trực tiếp xây dựng thể chế, chính sách và quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, giao Chi bộ Tạp chí Hải quan, Cổng thông tin điện tử Hải quan phối hợp đăng tải Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư, các hoạt động của Đảng ủy, Tổng cục Hải quan, tổ chức đoàn thể, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan về việc tổ chức thực hiện số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư.
Ngoài ra, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Đảng ủy cơ quan Tổng cục để tổng hợp, báo cáo Đảng ủy Bộ Tài chính.
Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện; ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều; một số nơi tỉ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo. Một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.
Trong tổ chức thực hiện, Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị; nghiên cứu ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo bền vững. Phân công một số tỉnh, thành phố; vận động cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan Trung ương giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về giảm nghèo.
* Toàn văn Chỉ thị số 05-CT/TW.