Thông tin báo chí: về tình hình công tác tháng 8 năm 2021 của Tổng cục Hải quan

Thứ năm - 02/09/2021 18:00

1. Thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu

Trong tháng 8 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5%.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tháng 8 năm ngoái thì tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 năm nay đã tăng 6,6%. Trong đó, trị giá xuất khẩu giảm 5,4% nhưng trị giá nhập khẩu lại tăng cao tới 21,2%.

Với kết quả ước tính trên thì trong 8 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 428,82 tỷ USD, tăng mạnh 27,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó trị giá xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% và trị giá nhập khẩu ước đạt 216,27 tỷ USD, tăng 33,8%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2021 ước tính thâm hụt 1,3 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 8 tháng/2021, cả nước dự kiến vẫn nhập siêu 3,71 tỷ USD, ngược với con số xuất siêu lên tới 13,69 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

* Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:

- Dầu thô: trị giá xuất khẩu có thuế trong tháng 8/2021 ước đạt 45 triệu USD, giảm 70,2% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu dầu thô trong 8 tháng/2021 ước đạt 1,88 triệu tấn, trị giá ước đạt 989 triệu USD, giảm 45,9% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

- Clanhke và xi măng: trị giá xuất khẩu có thuế trong tháng 8/2021 ước đạt 61 triệu USD, giảm 23,9% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu trong 8 tháng/2021 ước đạt 16,6 nghìn tấn, trị giá ước đạt 582 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

- Gỗ và sản phẩm gỗ: trị giá xuất khẩu có thuế trong tháng 08/2021 ước tính là 115 triệu USD, giảm 25,8% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng/2021 ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Nguyên phụ liệu dệt may, da giày: ước tính trong tháng 08/2021, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước là 0,03 triệu USD, giảm 90,7% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng/2021 ước đạt 3 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.  

* Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:

- Xăng dầu các loại: nhập khẩu trong tháng 08/2021 ước tính là 197 nghìn tấn, giảm 59,2% so với tháng trước và trị giá là 116 triệu USD, giảm 62,7% so với tháng trước. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 8 tháng/2021 ước tính đạt 3,88 triệu tấn, trị giá ước đạt 2,16 tỷ USD, giảm 19% về lượng và tăng 13,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

-  Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 08/2021 là 453 triệu USD, tăng 10,8% so với tháng trước.  Ước tính đến hết tháng 08/2021, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước là 3,4 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 08/2021 là 1,79 tỷ USD, giảm 19,8% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 08/2021, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng của cả nước là 14,66 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020.

-  Điện thoại các loại và linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 08/2021 là 88 triệu USD, giảm 50,7% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 08/2021, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 1,57 tỷ USD, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm trước.

-  Sắt thép các loại: ước tính nhập khẩu trong tháng 08/2021 là 590 nghìn tấn, giảm 16,8% và trị giá là 615 nghìn USD, giảm 16,6% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 8 tháng/2021 ước đạt 7,17 triệu tấn, giảm 10,3 và trị giá là 5,86 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Chất dẻo nguyên liệu: ước tính nhập khẩu chất dẻo trong tháng 08/2021 là 310 nghìn tấn, giảm 19,4% so với tháng trước và trị giá là 487 triệu USD, giảm 21,2%. Ước tính đến hết tháng 08/2021, nhập khẩu mặt hàng này của cả nước là 3,03 triệu tấn, trị giá 4,72 tỷ USD;  tăng 2,5% về lượng và tăng 41,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

-  Kim loại thường khác: ước tính trong tháng 08/2021 là 88 nghìn tấn, giảm 57,8% và trị giá là 347 triệu USD, giảm 19,5% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu kim loại thường khác trong 08 tháng/2021 ước đạt 863 nghìn tấn, tăng 16,1% và tổng kim ngạch ước đạt 3,37 tỷ USD, tăng 59,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

- Ô tô nguyên chiếc các loại: ước tính nhập khẩu có thuế nhóm hàng này trong tháng 08/2021 đạt 7,3 nghìn chiếc, trị giá đạt 185 triệu USD, giảm 49,3% về lượng và và giảm 35,6% về trị giá so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 08/2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 102,7 nghìn chiếc, trị giá đạt 2,34 tỷ USD, tăng 91% về lượng và tăng 96% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

2. Tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN)

Số thu NSNN từ hoạt động XNK từ ngày 01/08 đến ngày 30/08/2021 do KBNN cung cấp đạt 25.360 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/08/2021 đạt 256.920 tỷ đồng, bằng 81,56% dự toán được giao, bằng 77,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 29,35% so với cùng kỳ năm trước.

3. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 8/2021 không xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan lớn, phức tạp. Các vụ bắt giữ chỉ mang tính chất nhỏ, lẻ, trị giá hàng vi phạm thấp được vận chuyển trái phép qua biên giới. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, đồ chơi trẻ em, gỗ, gia cầm, sản phẩm đông lạnh, gia cầm…

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tuy có giảm hơn với tháng trước song vẫn rất phức tạp trên tất cả các tuyến. Tuyến hàng không bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy. Trên tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh, … tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng và thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi và số lượng ma túy bị bắt giữ lớn.

Tổng cục Hải quan đã quán triệt tới các đơn vị trong ngành Quyết định số 1294/QĐ-BTC ngày 06/7/2021 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và ban hành Công văn số 3773/TCHQ-ĐTCBL ngày 29/7/2021 hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người.

Để giải quyết vướng mắc về thủ tục nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc... đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã có văn bản Công văn số 753/ĐTCBL-Đ3 ngày 20/7/2021 đề nghị Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cho ý kiến để Tổng cục Hải quan có cơ sở hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện. 

Kết quả: Tính từ 16/7-15/8/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 790 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 142 tỷ 782 triệu đồng; Số thu ngân sách đạt 6 tỷ 825 triệu đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 03 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 10 vụ.

* Một số vụ việc điển hình:

- Ngày 14/08/2021, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Đội Kiểm soát ma túy-Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị; Công an tỉnh Quảng Trị tuần tra, kiểm soát phát hiện và bắt quả tang 01 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật tịch thu gồm: 60.000 viên ma túy tổng hợp (5,1 kg).

- Từ ngày 06/07 đến 15/08/2021 Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy - Cục Hải quan TP.HCM đồng chủ trì phối hợp cùng Đội 6 - Cục Điều tra chống buôn lậu, PC04 – Công an TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra thực tế 10 bưu kiện được gửi từ Pháp về Việt Nam theo đường EMS cất giấu trong các gói bánh, kẹo để lẫn trong các bưu kiện quà biếu. Tang vật gồm 30.877,2 gram chất ma túy (trong đó:29.439,6 gram MDMA; 1.437,6 gram Ketamin).

- Ngày 26/08/2021, PC04-CA tỉnh Sơn La đã phối hợp với Đội KS phòng, chống ma túy – HQ Điện Biên tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ 01 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển chất ma túy. Tang vật tịch thu gồm: 09 bánh Heroin (tương đương khoảng 3.150 gram).

- Ngày 15/08/2021, Đội kiểm soát số 1- Cục Hải quan Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát, phát hiện 01 lô hàng vô chủ gồm: 480 Bộ Kit test nhanh virus Sars-CoV2 hiệu chữ Trung Quốc (Quy cách 01 bộ gồm: 01 tăm bông lấy mẫu dài 12cm, 01 lọ đựng dung dịch 5ml và 01 lọ dung dịch đệm); (2) 100 hộp thuốc viên nang (con nhộng) dùng để điều trị ho hiệu Lianhua Qingwen (Quy cách  đóng gói 01 hộp gồm: 02 vỉ, mỗi vỉ 12 viên);  trị giá hàng hóa ước tính 49 triệu đồng.

- Ngày 17/08/2021, Chi cục Hải quan CK Mộc Bài-Cục Hải quan Tây Ninh đã phối hợp với Trạm Biên phòng CKQT Mộc Bài kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 01 đối tượng là lái xe đã có hành vi vận chuyển trái phép 1.000 hộp thuốc lá = 10.000 bao thuốc lá (800 hộp JET; 200 hộp Hero), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 163 triệu đồng.

- Ngày 21/08/2021, Chi cục HQCK QT Lao Bảo- Cục HQ Quảng Trị đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra, kiểm soát tại khu vực CK phát hiện 01 đối tượng lái xe tại có hành vi vận chuyển trái phép 160,85 kg (0,16085 m3) Gỗ Trắc gốc, cành, ngọn, XX Lào; Chủng loại: Thực vật rừng nhóm IIA thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; 0,499 m3 Gỗ Cẩm Lai xẻ, XX Lào; Chủng loại: Thực vật rừng nhóm IIA thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 17 triệu đồng.

- Ngày 17/08/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả-Cục HQ Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát, phát hiện 01 đối tượng có hành vi Kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng hóa vi phạm 1.800 lít dầu Điêzen (0,05S-II), trị giá khoảng 26.400.000 đồng.

4. Công tác hiện đại hóa hải quan   

4.1. Triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia một cửa ASEAN

Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia: Tiếp tục hoàn thiện Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống CNTT phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung. Xây dựng chương trình, chuẩn bị tài liệu họp trực tuyến Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia & tạo thuận lợi thương mại và đã tham mưu Bộ Tài chính báo cáo[1] Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Chủ tịch ủy ban 1899 về việc chuẩn bị nội dung phiên họp thứ 8 của Ủy ban 1899. Triển khai Hệ thống Quá cảnh ASEAN (ACTS), theo đó đã phối hợp với với các chuyên gia ARISE Plus cài đặt hệ thống và chạy kiểm thử.

Từ 15/7 – 15/8/2021, số hồ sơ được xử lý trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 60 nghìn hồ sơ với khoảng gần 500 doanh nghiệp tham gia. Đến 15/08/2021, có 226 TTHC của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với hơn 4 triệu hồ sơ của gần 49 nghìn doanh nghiệp.

 Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 09 nước ASEAN[2]. Từ 15/7-15/8/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN trên 15 nghìn C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước xấp xỉ 22,5 nghìn C/O. Lũy kế đến ngày 15/8/2021: số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 397.909 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 993.388 C/O. Từ 01/8/2021, Tổng cục Hải quan đã triển khai chức năng cho phép doanh nghiệp và các bên liên quan tra cứu trạng thái chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesia, Thái Lan. Dự kiến Việt Nam kết nối trao đổi chính thức thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu điện tử từ ngày 01/10/2021.

4.2. Triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (KTATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ theo đó đã tham mưu Bộ Tài chính ký hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt Nghị định tại Tờ trình số 144/TTr-BTC ngày 16/8/2021.

- Tiến hành xây dựng dự thảo các nội dung: Mô hình tổng quan; Quy trình nghiệp vụ; Các yêu cầu nghiệp vụ phù hợp theo quy định tại Nghị định; Các nội dung thông tin dự kiến sẽ chia sẻ giữa các Bộ, ngành, đơn vị liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong phạm vi quy định của Nghị định… phục vụ cho việc triển khai xây dựng các hệ thống CNTT đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định khi được ban hành. Có văn bản đề nghị Ngân hàng Vietinbank tài trợ Hệ thống CNTT phục vụ triển khai Nghị định.

- Triển khai sắp xếp, bổ sung nhân lực, thiết bị…sẵn sàng thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP theo lộ trình của Đề án đề ra đáp ứng theo mô hình mới, cụ thể: Tiến hành thí điểm kiểm tra đối với một số mặt hàng có trên thị trường và các chỉ tiêu đã có chứng nhận theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016. như: Kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh[3] trên một số mặt hàng hoa quả sấy khô; Thí điểm kiểm tra các chỉ tiêu kim loại nặng trên nền mẫu bánh quy và rau; Thí điểm kiểm tra chất lượng một số chỉ tiêu pH, axit tự do, … trên mặt hàng phân bón; Các chỉ tiêu chất lượng sữa thanh trùng như hàm lượng protein, chất béo, chất khô; Tiến hành rà soát và sửa đổi hệ thống ISO 17025: 2017; Triển khai xây dựng hồ sơ theo ISO 17065: 2013. Thực hiện thử nghiệm thành thạo các chỉ tiêu kim loại nặng As, Cd, Pb, Hg trong bánh quy, sữa, rau. Các chỉ tiêu về độ bền kéo, giới hạn chảy trên, độ dãn dài tương đối sau khi đứt của thép, thành phần thép… Đã nộp hồ sơ xin chỉ định thử nghiệm mặt hàng phân bón, hiện đang sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Cục Bảo vệ Thực vật.

4.3. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)

Triển khai thực hiện hải quan số theo Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính: Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và đã hoàn thành khối lượng lớn công việc đặt ra như: Hoàn thành yêu cầu bài toán nghiệp vụ; hoàn thành yêu cầu kỹ thuật công nghệ; hoàn thành xây dựng dự toán kinh phí; hoàn thành dự thảo hồ sơ phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho hệ thống; hoàn thành dự thảo Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có một số vướng mắc về nội dung quản trị vận hành hệ thống và vướng mắc đối với thuế giá trị gia tăng trong việc xác định một số nội dung chi phí thuê dịch vụ (Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính để chỉ đạo).

Về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp theo đó đến nay đã cung cấp 215/237 DVCTT mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số TTHC do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 209 TTHC đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bên liên quan chuẩn bị điều kiện kỹ thuật để tích hợp 26 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ.

Ngoài ra trong tháng, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 4012/TCHQ-CNTT ngày 12/8/2021 gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025 để tổng hợp, trình Bộ Tài chính phê duyệt và Công văn số 4026/TCHQ-CNTT ngày 13/8/2021 gửi Cục Tin học và Thống kê Tài chính tiếp tục xin ý kiến đối với dự thảo Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số.

4.4. Công tác kiểm tra, giám sát hải quan

Trong tháng 8/2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai công tác xây dựng bài toán nghiệp vụ về Hệ thống hải quan thông minh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn trong tình hình dịch bệnh Covid-19, cụ thể:

Giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái: Để tháo gỡ, giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, ngày 02/8/2021, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh[4] phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Khuyến khích việc thông quan tại cảng Cái Mép - Thị Vải và bàn phương án thành lập Chi cục Hải quan để thông quan hàng hóa ngay tại cảng Cái Mép – Thị Vải, giảm tải cho cảng Cát Lái. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư "scan" bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và bổ sung bản gốc sau…

Bên cạnh đó, ngày 19/8/2021, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính[5] dự thảo Thông tư Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Ban hành Công văn số 3695/TCHQ-GSQL ngày 22/7/2021 về kiểm tra bảo quản hàng hoá trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp; Công văn số 3980/TCHQ-GSQL ngày 11/8/2021 về việc hỗ trợ thông quan hàng hoá phòng chống dịch Covid-19, theo đó chỉ đạo thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (đặc biệt là hàng hoá phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19) tại 3 cấp. Thành lập Tổ phản ứng nhanh để thực hiện thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm và Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch Covid-19” để giải đáp nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu: Ngày 29/7/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3793/TCHQ-GSQL trả lời Bộ Công thương về phản ánh của Trung Quốc liên quan đến việc xuất khẩu cá tầm sang Việt Nam. Ngày 13/8/2021, Tổng cục Hải quan đã tham gia cuộc Họp trực tuyến song phương giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn[6] và đại diện phía Trung Quốc[7] về vướng mắc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam. Phía Trung Quốc đề xuất phía Việt Nam rút ngắn thời gian thông quan cá tầm Trung Quốc và đưa cá tầm lai vào Danh mục được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời phía bạn sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về đề nghị của phía bạn và sẽ nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Về quản lý xuất xứ và sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Thực hiện phân tích, xác định rủi ro đối với một số nhóm mặt hàng để chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Trao đổi ý kiến với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến xử lý nhãn hiệu thuốc lá Luffman. Ban hành các văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: (i) thực hiện việc nộp C/O bản scan, bản điện tử và tra cứu trên hệ thống đối với C/O mẫu VK, KV[8]; (ii) thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu thuốc lá Luffman. Hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh biên giới với Campuchia thực hiện kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng điều thô nhập khẩu[9] và hướng dẫn Cục Hải quan Bình Dương xử lý vướng mắc về xuất xứ hàng hóa khi thực hiện Hiệp định Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ailen[10].

Về công tác quản lý, sử dụng seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát hàng hóa chịu sự giám sát hải quan: Với số lượng 2.000 seal định vị điện tử đã trang bị, triển khai tại 14 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, công tác quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển chịu sự giám sát hải quan đã được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi đến Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến. Tổng số lượng seal sử dụng năm từ đầu năm 2021 đến nay: 14.823 lượt.

Về công tác quản lý kho, bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP: Hiện nay Tổng cục Hải quan đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các kho, bãi, cảng trên toàn quốc và thống kê các kho, bãi, cảng cơ bản đáp ứng các yêu cầu quản lý, giám sát đối với hàng hóa để xem xét gia hạn thời gian thực hiện xây dựng kho, bãi, cảng đảm bảo theo yêu cầu tại các Công văn[11] hướng dẫn. Đối với việc tiêu hủy hàng quá hạn gửi kho ngoại quan hiện đang lưu giữ tại cửa khẩu xuất, Tổng cục Hải quan đã đề xuất bổ sung nội dung vào Nghị định sửa đổi bổ sung Nghi định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 để có cơ sở giải quyết thủ tục với các trường hợp này sau khi Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được ban hành.

Tác giả: Tổng cục Hải Quan

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập779
  • Hôm nay9,171
  • Tháng hiện tại7,101,454
  • Tổng lượt truy cập490,964,892
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây