Nhiều quy định mới về trị giá hải quan được áp dụng

Thứ sáu - 11/10/2019 10:05
Từ 15/10 Thông tư số 60/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, các quy định mới về trị giá hải quan được chia thành 03 nhóm vấn đề, gồm: những thay đổi về quy định chung; về nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; và cơ sở dữ liệu trị giá.

Về quy định chung

Bổ sung 05 và sửa đổi 01 khái niệm tại Điều giải thích từ ngữ. Việc bổ sung, sửa đổi này nhằm phân định rõ hai vấn đề dễ bị nhầm lẫn liên quan đến xác định trị giá khi sử dụng những thông tin liên quan đến việc thanh toán giữa người mua với người bán hàng; đồng thời cũng giúp chúng ta phân biệt rõ khái niệm phần mềm ứng dụng, phần mềm điều khiển, vận hành nhằm xác định trị giá đối với hàng hóa máy móc thiết bị và phương tiện trung gian.

Ngoài ra, Thông tư này còn bổ sung, sửa đổi trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan theo hướng: Bổ sung thêm trường hợp cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan nếu có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo; bổ sung thêm một khoản quy định thời hạn xử lý của cơ quan hải quan khi xem xét, quyết định khoản giảm giá;... nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức hải quan và minh bạch các quyết định của công chức hải quan trong thực thi nhiệm vụ.

Khi kiểm tra kết quả khai trị giá, cơ quan hải quan được quyền yêu cầu người khai hải quan xuất trình, nộp chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định trị giá của hàng hóa, liên quan đến giao dịch XNK hàng hóa, việc thanh toán cho hàng hóa …

Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm xác định trị giá hải quan trong một số trường hợp cụ thể. Khi xác định trị giá, cơ quan hải quan phải ban hành thông báo xác định trị giá theo mẫu. Việc này được thực hiện ở tất cả các tình huống cơ quan HQ xác định trị giá, bao gồm xác định trị giá khi làm thủ tục hải quan, khi kiểm tra sau thông quan, khi thanh tra chuyên ngành về trị giá.

Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Về nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hàng hóa xuất khẩu: những quy định trước đây chưa hướng dẫn cụ thể việc sử dụng thông tin xác định trị giá, cách thức xem xét, cân nhắc các khoản chi phí phát sinh trong quá trình bán và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ. Nội dung mới tại Thông tư này đã giải quyết triệt để được vấn đề đó.

Các phương pháp xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu theo quy định tại Thông tư này bao gồm: xác định giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất; xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt hoặc tương tự tại cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; xác định giá bán của hàng hóa giống hệt hoặc tương tự tại thị trường Việt Nam; xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại; và xác định trị giá hải quan trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không có hợp đồng mua bán và không có hóa đơn thương mại.

Tại Thông tư này phương pháp xác định trị giá theo giá bán hàng hóa đến cửa khẩu xuất được quy định chi tiết theo giá bán hàng hóa đến cửa khẩu xuất theo từng điều kiện giao hàng xuất khẩu khác nhau gồm giao hàng tại cửa khẩu xuất, giao hàng trong nội địa Việt Nam và giao hàng tại địa điểm giao hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam, cụ thể như sau:

Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất là giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất phù hợp với các chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu được giao tại cửa khẩu xuất: là giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất phù hợp với các chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không được giao tại cửa khẩu xuất mà địa điểm giao hàng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất được xác định trên cơ sở giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại, trừ phí bảo hiểm quốc tế (I, nếu có), phí vận tải quốc tế (F) từ cửa khẩu xuất đến địa điểm giao hàng;

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không được giao tại cửa khẩu xuất mà địa điểm giao hàng ở trong nội địa Việt Nam thì giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất được xác định trên cơ sở giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại, cộng thêm các chi phí nếu phát sinh như: Phí vận tải nội địa và các chi phí có liên quan đến vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ địa điểm giao hàng đến cửa khẩu xuất; Phí bảo hiểm của hàng hóa xuất khẩu từ địa điểm giao hàng đến cửa khẩu xuất; Chi phí khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu phát sinh từ địa điểm giao hàng đến cửa khẩu xuất.

Ngoài ra, Thông tư cũng Bổ sung nội dung mở rộng khái niệm hàng hóa giống hệt, tương tự tại phương pháp giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại như quy định đối với hàng nhập khẩu để đảm bảo tính thống nhất.

Về nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hàng hóa nhập khẩu có 05 nội dung sửa đổi quan trọng, cụ thể là:

Thứ nhất, quy định về xác định trị giá hải quan của máy móc, thiết bị có chứa phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu: Sửa đổi quy định chi tiết các tình huống trị giá của phần mềm điều khiển, vận hành phải cộng hoặc không phải cộng vào trị giá giao dịch của máy móc, thiết bị; thủ tục khai báo cho người khai hải quan và trình tự kiểm tra, xử lý của cơ quan hải quan để đáp ứng tình hình thực tế hiện nay; đồng thời quy định rõ phần mềm ứng dụng không phải cộng vào trị giá của phương tiện trung gian.

Thứ hai, quy định về chứng minh mối quan hệ đặc biệt có hay không ảnh hưởng đến giá cả mua bán trong giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu: Sửa đổi quy định các chứng từ, tài liệu yêu cầu doanh nghiệp xuất trình; trường hợp cơ quan hải quan bác bỏ hoặc chấp nhận; trường hợp phải tổ chức đối thoại nhằm tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện cho người khai hải quan và công chức hải quan dễ dàng áp dụng vào thực tế.

Thứ ba, quy định về phí bản quyền, phí giấy phép: Sửa đổi quy định về điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu” và “như một điều kiện mua bán” để phù hợp với các khuyến nghị của WCO; bổ sung xử lý của cơ quan hải quan đối với trường hợp người khai hải quan khai báo đúng về phí bản quyền để phù hợp với thực tế và đảm bảo đầy đủ các trường hợp; sửa đổi mô tả chi tiết các giao dịch tại các tình huống về phí bản quyền tại Phụ lục I Thông tư số 39/2015/TT-BTC nhằm đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng.

Thứ tư, quy định về phương pháp suy luận (phương pháp 6): Sửa đổi quy định chi tiết việc vận dụng linh hoạt từng phương pháp đúng theo nguyên tắc trình tự để xác định trị giá hải quan; bổ sung phương pháp trị giá giao dịch của hàng nhập khẩu là một phương pháp được vận dụng và phải được vận dụng đầu tiên; Bổ sung quy định chi tiết trường hợp không được sử dụng giá tham chiếu trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro về trị giá để xác định trị giá hải quan cho hàng hóa, thống nhất với nguyên tắc sử dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro về trị giá.

Thứ năm, quy định về xác định trị giá đối với một số trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đặc thù: Quy định chi tiết việc xác định trị giá hải quan cho các trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã được xác định miễn thuế do thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, nay thay đổi mục đích sử dụng nên phải khai, tính toán và nộp thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh nhưng không có hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại; hàng hóa đi thuê, mượn nhằm tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về cơ sở dữ liệu trị giá

Nội dung sửa đổi quan trọng là bổ sung quy định về việc xây dựng, sử dụng Danh sách doanh nghiệp có rủi ro về trị giá hải quan, theo đó việc kiểm tra trị giá sẽ thực hiện theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro về trị giá và Danh sách doanh nghiệp có rủi ro về trị giá hải quan để đảm bảo việc kiểm tra tập trung trọng tâm, trọng điểm theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro.

Thông tư 60 được thực thi sẽ giải quyết triệt để được các vấn đề còn tồn tại trong quá trình khai báo, kiểm tra trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giúp việc khai báo của người khai hải quan, cũng như việc kiểm tra của cơ quan hải quan được dễ dàng và minh bạch hơn.

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,355
  • Hôm nay274,518
  • Tháng hiện tại6,987,382
  • Tổng lượt truy cập490,850,820
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây