Nhận diện thủ đoạn gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp

Thứ ba - 01/10/2019 09:11
Nhiều vụ gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bị phát hiện thời gian vừa qua. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Hải quan đã phác họa rõ nét các  thủ đoạn gian lận này.

Hiện nay, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước; cuộc chiến tranh thương mại một số nước trên thế giới đã và đang có tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Đồng thời Việt Nam cũng đã và đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mại tự do FTA.

Trước bối cảnh đó, Lãnh đạo ngành Hải quan dự báo hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào các thị trường để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì hành vi này nguy cơ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường – hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp. Điều đó sẽ gây thiệt hại rất lớn về nhiều mặt cho các nhà sản xuất Việt Nam như bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hậu quả tất yếu của việc đó làm mất uy tín doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Rộng hơn là nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Việt Nam  trên trường quốc tế.

Cụ thể, một số mặt hàng của Việt Nam hiện nay đã bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Như là mặt hàng thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ thép cán nóng nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp dụng mức thuế hơn 400%. Hay một số mặt hàng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như pin năng lượng mặt trời, xe đạp, xe tay nâng…Các nước điều tra chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có yêu cầu bảo về quyền sở hữu trí tuệ, ngành Hải quan đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.           

Đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Cơ quan Hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng mà hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”…

Các đối tượng lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa.

Các đối tượng còn nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Không những thế, các đối tượng còn lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do, các đối tượng đã sử dụng C/O giả, C/O không hợp lệ khi làm thủ tục hải quan hay khai sai các thông tin trên C/O để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi làm thủ tục hải quan như khai không đúng hàm lượng giá trị khu vực (RVC), khai sai tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC),…., khai sai người đứng tên tại ô số 1 (đối với C/O mẫu E), khai không đúng hóa đơn tại ô số 10….

Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, một số doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) đã dùng “thủ thuật” nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Khi xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Ngành Hải quan cũng đã lật tẩy thủ đoạn của một số doanh nghiệp khi các đối tượng tiến hành thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba là một trong nhưng chiêu thức các đối tượng cũng sử dụng khá nhiều thời gian qua.

Thủ đoạn sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan cũng đã bị lực lượng Hải quan vạch trần.

Các đối tượng lợi dụng sự lỏng lẻo trong việc cấp C/O để hợp thức hóa hồ sơ đề nghị cấp C/O như không khai nguồn gốc nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, ký khống các hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nước, sử dụng hóa đơn GTGT cho nhiều tờ khai xuất khẩu, quay vòng hồ sơ xin cấp C/O.

Việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường quốc tế là lợi ích trước mắt của một nhóm đối tượng nhưng ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Với quan điểm các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là thành quả của Nhà nước dành cho các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam, do vậy, không thể chia sẻ hay bị đánh mất vào tay các nhà sản xuất nước ngoài, ngành Hải quan sẽ quyết liệt đấu tranh chống lại các hình thức gian lận này. 

Tuy nhiên, để công tác đấu tranh thu được kết quả cao, cơ quan Hải quan rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cấp xuất xứ hàng hoá cũng như sự lên tiếng của các nhà sản xuất trong nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình./.

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập964
  • Hôm nay81,328
  • Tháng hiện tại6,510,235
  • Tổng lượt truy cập451,905,357
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây