Từ ngày 01/7/2022, Tổng Cục thuế đã triển khai hệ thống HĐĐT phục vụ người nộp thuế trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh thực hiện chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Việc triển khai hệ thống HĐĐT giúp tiết kiệm chi phí phát hành, lưu giữ hóa đơn, thuận tiện trong khâu đối chiếu, rà soát, kiểm tra việc kê khai thuế, hoàn thuế.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng HĐĐT để xuất khống, mua bán hóa đơn để trục lợi, vi phạm pháp luật. Cụ thể như lập hóa đơn sai quy định: kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu; hóa đơn chiết khấu thương mại lại lập thành hóa đơn điều chỉnh; hóa đơn lập sai liên quan đến loại tiền, không đúng đơn vị tiền tệ theo quy định, có cả tỷ giá cho tiền VND...; hóa đơn thay thế và hóa đơn bị thay thế có giá trị khác nhau.
Hủy hóa đơn điện tử đã lập không đúng quy định: hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế đã gửi hóa đơn cho người mua hàng không rõ lý do, sau đó có văn bản đề nghị cơ quan thuế chấp thuận; lập hóa đơn không đúng thời điểm: hàng hóa, dịch vụ đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua; công trình xây dựng đã hoàn thành, đã nghiệm thu theo giai đoạn nhưng không xuất hóa đơn trả khách hàng kịp thời mà để đến tháng sau, quý sau thực hiện lập hóa đơn. Chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế quá thời hạn quy định. Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ. Không chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế trong thời hạn quy định.
Nhằm thông tin rộng rãi đến người nộp thuế được biết, Cục thuế Bình Phước cung cấp một số nội dung về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ.
Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có quyền
Tạo HĐĐT không có mã của cơ quan thuế để sử dụng nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 2, Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế nếu thuộc trường hợp và đối tượng quy định tại khoản 1,3, 4, Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Sử dụng hóa đơn hợp pháp để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh.
Khiếu kiện các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm các quyền tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn hợp pháp.
(quy định tại khoản 7, Điều 55 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ
Lập và giao hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Quản lý các hoạt động tạo hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Đăng ký sử dụng HĐĐT theo Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP nếu sử dụng HĐĐT và chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế trong trường hợp sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
Công khai cách thức tra cứu, nhận file gốc HĐĐT của người bán tới người mua hàng hóa, dịch vụ.
Báo cáo việc sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế theo mẫu số BC26/HĐG phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này.
Gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế đối với trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế theo mẫu số 01/TH-HĐĐT phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
(quy định tại khoản 2, Điều 55 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
Trách nhiệm của người mua hàng hóa, dịch vụ
Yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn.
Sử dụng hóa đơn đúng mục đích.
Cung cấp thông tin trên hóa đơn cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in thì phải cung cấp hóa đơn bản gốc, trường hợp sử dụng HĐĐT thì thực hiện quy định về việc tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin HĐĐT.
(quy định tại Điều 56 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
Hóa đơn chứng từ hợp pháp
Là hóa đơn, chứng từ đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Nghị định này.
(khoản 7, Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
Một số hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn
*Hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế:
Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.
(Điều 6 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội)
*Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ:
Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ.
Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.
Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
(quy định tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)
Sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn
Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cường chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế; HĐĐT không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế; HĐĐT chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế, hoặc cơ quan công an, hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
Sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ là việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả; hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra; hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế, hoặc cơ quan công an, hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
(Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP)
Các hình thức xử phạt về hóa đơn
*Hình thức xử phạt chính:
Phạt cảnh cáo áp dụng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn. Phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.
Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.
Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dần đến thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.
Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.
Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Nghị định này.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Buộc điều chỉnh lại sổ lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau.
Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin.
Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn.
Buộc lập hóa đơn theo quy định.
Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in.
Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn.
Buộc chuyển dữ liệu HĐĐT.
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
(Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
Một số biện pháp khuyến cáo người nộp thuế nhằm giảm thiểu rủi ro và ngặn chặn gian lận trong việc sử dụng HĐĐT
Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế và giúp người nộp thuế tránh bị xử phạt về các hành vi vi phạm về hóa đơn, Cục thuế Bình Phước đưa ra một số khuyến cáo như sau:
Khi mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến hoặc trực tiếp, người mua hàng chỉ nhận - hàng và kê khai thuế giá trị gia tăng HHDV mua vào, ghi nhận chi phí đối với HĐĐT được lập bởi người bán (có hàng hóa thật) đã đăng tải đầy đù thông tin phù hợp với thông tin trên đơn đặt hàng như: địa chỉ, mã số thuế, tên đơn vị cung cấp hàng hóa...
Thường xuyên truy cập vào hệ thống HĐĐT trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế (
hoadondientu.gdt.gov.vn) và ứng dụng mobile “
Tra cứu hóa đơn” của Tổng Cục thuế để tra cứu, đối soát hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra để kiểm tra tính hợp lệ của hóa đơn, nhằm kịp thời phát hiện các hóa đơn không hợp pháp./.