(CTTĐTBP) - Ngày 6/6, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 932/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thành lập đội công nhân xung kích (CNXK), tự quản về an ninh, trật tự (ANTT) trong doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2025.
Đề án hướng tới mục tiêu huy động, sử dụng sức mạnh tổng hợp của đội ngũ công nhân, người lao động, người quản lý trong DN tích cực tham gia phong trào xây dựng DN an toàn về ANTT; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ tài sản DN nhằm phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng, phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật những vụ việc có liên quan đến ANTT.
Thành lập ít nhất 150 đội công nhân xung kích
Căn cứ tình hình thực tế tại từng địa phương, quy mô các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh và dự báo xu thế phát triển DN trong thời gian tới, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tập trung lựa chọn, vận động thành lập ít nhất 150 đội CNXK ở DN (cả trong và ngoài KCN, CCN, KKT), đạt tỷ lệ khoảng 50% tổng số DN đủ điều kiện thành lập.
Cụ thể, phấn đấu trong năm 2023 triển khai Đề án và thành lập 25 đội CNXK, trong đó 10 đội thuộc các DN nằm trong KCN, CCN; 15 đội thuộc các DN nằm ngoài KCN. Năm 2024 thành lập 70 đội, trong đó có 40 đội thuộc các DN nằm trong KCN, CCN; 30 đội thuộc các DN nằm ngoài KCN. Đến năm 2025, thành lập 55 đội, trong đó có 30 đội thuộc các DN nằm trong KCN, CCN; 25 đội thuộc các DN nằm ngoài KCN.
Đội CNXK được thành lập trong DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, tập trung vào những địa bàn có nhiều DN hoạt động, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT; DN có yếu tố nước ngoài, DN sử dụng số lượng lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực giày da, may mặc, dệt nhuộm, giấy, gỗ, điện tử... có nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình, lãn công, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường dẫn đến gây bất ổn tình hình trên địa bàn.
Tiêu chí thành lập đội công nhân xung kích
DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có số lượng lao động từ 100 người trở lên; DN có số lao động dưới 100 người nhưng do yêu cầu bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình ANTT mà chủ DN và địa phương quyết định thành lập với số lượng được lựa chọn căn cứ vào mục tiêu cụ thể đã nêu.
Mỗi DN thành lập 01 đội, tối thiểu có 10 đội viên, có 1 đội trưởng và từ 1 đến 2 đội phó. Căn cứ vào điều kiện sản xuất, kinh doanh, địa bàn trú đóng, số lượng công nhân..., chủ DN quyết định số lượng đội viên của đội CNXK phù hợp. Nếu số lượng đội viên nhiều thì chia làm nhiều tổ, mỗi tổ có từ 7 đến 12 đội viên và phân công 1 tổ trưởng phụ trách, có từ 1 đến 2 tổ phó giúp việc.
Đội trưởng, đội phó là người có năng lực quản lý và điều hành trong DN, do chủ DN lựa chọn.
Tổ trưởng, đội viên là người có hợp đồng lao động, đang làm việc tại DN; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động. Ưu tiên lựa chọn trong số công đoàn viên tiêu biểu; công nhân đã hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang; lực lượng phòng cháy, chữa cháy bán chuyên trách; lực lượng bảo vệ nội bộ DN.
Nếu DN có nhiều chi nhánh có trụ sở hoạt động độc lập thì việc thành lập đội CNXK tại nơi này theo cơ cấu như trên.
Các bước thành lập đội công nhân xung kích
Bước 1: Chủ DN quyết định chủ trương thành lập đội CNXK tại DN; cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phối hợp với cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân thống nhất cơ cấu tổ chức của đội, lựa chọn thành viên tham gia, phân công đội trưởng, đội phó và các tổ trưởng, tổ phó (nếu có). Dự thảo quyết định thành lập, danh sách chỉ huy đội và đội viên, quyết định ban hành quy chế và bản quy chế hoạt động của đội CNXK.
Bước 2: Chủ DN ký quyết định thành lập, danh sách chỉ huy đội và đội viên, quyết định ban hành quy chế (kèm theo bản quy chế hoạt động của Đội CNXK).
Bước 3: DN chuyển quyết định thành lập, danh sách chỉ huy đội và đội viên, quyết định ban hành quy chế (kèm theo bản quy chế hoạt động của đội CNXK) đến cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân để trình Chủ tịch UBND cùng cấp phê chuẩn.
Bước 4: DN chủ động tổ chức công bố các quyết định thành lập và ra mắt, giao nhiệm vụ cho đội CNXK tại DN.
Bước 5: DN phối hợp cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân tổ chức tập huấn pháp luật, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT cho thành viên đội CNXK (có thể tổ chức tập huấn đơn lẻ tại DN hoặc liên kết nhiều DN với nhau).
Trong quả trình hoạt động, nếu cần thay đổi, bổ sung quy chế hoặc chỉ huy, thành viên đội CNXK thì DN trao đổi thống nhất với cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân. Sau đó, tiến hành thủ tục theo trình tự từ Bước 2 đến Bước 5.
Nguyên tắc và phạm vi hoạt động
Đội CNXK chịu sự quản lý điều hành, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của chủ DN. Hoạt động của đội phải tuân thủ đúng pháp luật và quy chế hoạt động.
Thành viên đội CNXK: Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất thường xuyên theo hợp đồng lao động, khi được triệu tập để thực hiện công tác học tập, huấn luyện theo quy chế, kế hoạch hoạt động của đội và tham gia giải quyết các tình huống phát sinh về ANTT theo phân công của chủ DN và chỉ huy đội thì chủ DN sắp xếp, bố trí thời gian cho các thành viên tham gia theo yêu cầu.
Đội hoạt động trong phạm vi địa giới hành chính của DN. Khi có yêu cầu của lực lượng Công an hoặc đề nghị của các DN trong cùng khu vực để hỗ trợ cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường, truy bắt người phạm tội quả tang thì được tham gia hoạt động bên ngoài khuôn viên DN nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật hiện hành./.