Công nghiệp tuần hoàn - hướng đi bền vững

Thứ năm - 04/05/2023 08:17
(CTTĐTBP) - Thực hiện Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó có định hướng sử dụng vật liệu tái chế theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, Nhà máy Xi măng Bình Phước thuộc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả, biến rác thải thành nhiên liệu. Trung bình mỗi ngày tiêu thụ 150-250 tấn rác thải, tính ra mỗi năm nhà máy có thể tiêu thụ hơn 90.000 tấn nguyên liệu gần như bỏ đi này, phần nào giải tỏa áp lực mang tên rác thải công nghiệp.
 

BIẾN RÁC THÀNH… NHIÊN LIỆU THAY THẾ

Tại Nhà máy Xi măng Bình Phước, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 2,1 triệu tấn clinker và khoảng 1,3 triệu tấn xi măng. Ðể giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhà máy đang dần chuyển sang phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhằm hướng đến phát triển bền vững. Trước đó, từ năm 2013, nhà máy đã đưa bã vỏ hạt điều vào xử lý. Đến năm 2020, nhà máy tiếp tục đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống đốt chất thải rắn công nghiệp như vải vụn, đế giày, các phế phẩm từ ngành giày da… để làm nhiên liệu thay thế một phần than cám. Hiện tỷ lệ nhiên liệu thay thế của nhà máy đạt từ 25-30% tổng nhiệt năng tiêu hao sử dụng sản xuất clinker.

h3 22422003052023
Trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 2,1 triệu tấn clinker và khoảng 1,3 triệu tấn xi măng, Nhà máy Xi măng Bình Phước đang tiêu thụ hơn 90 ngàn tấn rác thải/năm

Anh Nguyễn Minh Nhật, Quản đốc Xưởng nguyên liệu của nhà máy cho biết: Từ ngày đưa vào sử dụng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp, mỗi ngày có hàng trăm tấn rác thải, như: vỏ hạt điều, vải vụn, đế giày, các phế phẩm trong sản xuất công nghiệp đã được nhà máy thu mua để phục vụ quá trình sản xuất xi măng. Hiện trung bình mỗi ngày, chúng tôi nhập hơn 200 tấn rác thải. Một số phế phẩm sau khi nhập về sẽ được lấy mẫu, kiểm tra, phân loại trước khi cho vào lò đốt. Với cách làm này, không chỉ giúp thu gom lượng lớn rác thải công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp doanh nghiệp chủ động được một phần nhiên liệu, nhất là trong thời điểm nguồn than cung cấp gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Nhà máy Xi măng Bình Phước khẳng định: Trong khi nhiên liệu hóa thạch nguồn cung ngày càng hiếm, giá thành tăng thì việc dùng rác thải làm nguyên liệu thay thế là hết sức cần thiết. Từ ngày sử dụng nguồn rác thải công nghiệp, tỷ lệ thay thế nhiệt tại nhà máy đạt 25%. Điều này góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, nhưng không ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị, năng suất, chất lượng clinker cũng như chất lượng khí thải.

THIẾT THỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tính ưu việt của hệ thống xử lý chất thải mới của công ty là tăng năng suất lò nung, tăng sản lượng nghiền xi măng, tiết kiệm nguyên liệu truyền thống. Ngoài ra, việc dùng các nguyên liệu phế phẩm, rác thải công nghiệp còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường do giảm phát CO2, giảm diện tích chôn lấp.
 

h4 22422703052023
Công nhân Nhà máy Xi măng Bình Phước đóng gói sản phẩm trước khi xuất ra thị trường tiêu thụ

Anh Huỳnh Quốc Thanh, Trưởng phòng An toàn môi trường, Nhà máy Xi măng Bình Phước cho biết: Toàn bộ hệ thống xử lý rác thải của công ty được thực hiện theo quy trình khép kín. Nguyên liệu đầu vào được nhà máy sàng lọc kỹ. Bụi và khí thải ra môi trường được công ty kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống quan trắc tự động giám sát online liên tục 24/24 giờ. Nhờ đó, các thông số hiển thị gồm nồng độ bụi, hàm lượng khí SO2, CO và NOx được kiểm soát trong ngưỡng cho phép. Các thông số này sau khi được phân tích ở ngoài sẽ đưa dữ liệu trực tiếp về máy quan trắc và được kiểm soát liên tục thông qua hệ thống vận hành của nhà máy. Trong quá trình vận hành nếu có thông số nào vượt ngưỡng thì giá trị đó lập tức được gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Ưu điểm lớn nhất của hệ thống xử lý chất thải của nhà máy là toàn bộ thông số phát thải chính như hàm lượng bụi, khí được giám sát chặt chẽ; quá trình xử lý không để lại tro, không chôn lấp, giảm phát thải CO2 và khí thải độc hại. Bởi toàn bộ tro sinh ra trong quá trình xử lý nhiệt của chất thải tham gia vào các quá trình hóa lý trong lò nung, thay đổi tính chất ban đầu, tạo thành khoáng và nằm lại trong clinker xi măng.

“KHÁT” NGUỒN RÁC THẢI

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Nhà máy Xi măng Bình Phước cho biết, ở Bình Phước, rác thải công nghiệp không đủ cung cấp cho lượng tiêu thụ của nhà máy. Lâu nay, chúng tôi phải thông qua các công ty trung gian để nhập thêm nguồn nguyên liệu từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai mới đáp ứng được nhu cầu của nhà máy.
 

h1 22423203052023
Rác thải gồm vải vụn, đế giày, vỏ hạt điều được công ty sàng lọc kỹ trước khi cho vào lò đốt
“Do ảnh hưởng của thời kỳ hậu Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine nên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất da giày, may mặc gặp không ít khó khăn do khan hiếm đơn hàng. Vì thế, khối lượng rác thải nhập vào đã giảm đáng kể. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị để xử lý chất thải nguy hại như thuốc trừ sâu, thuốc thực vật, dầu ăn, các sản phẩm lỗi trong quá trình sản xuất công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty” - ông Thắng cho biết thêm.
 

Tiềm năng xử lý chất thải trong ngành xi măng nói chung và tại Nhà máy Xi măng Bình Phước nói riêng là rất lớn. Với công suất hiện nay của nhà máy, mỗi ngày cần nhập từ 200-300 tấn rác thải. Vì vậy, hằng năm một khối lượng rác khổng lồ đã được xử lý nhờ tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp, không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Ông NGUYỄN QUỐC THẮNG, Giám đốc Nhà máy Xi măng Bình Phước


Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt cũng khẳng định rõ: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH và Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập841
  • Hôm nay125,822
  • Tháng hiện tại10,387,627
  • Tổng lượt truy cập470,280,314
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây