Cuộc điều tra nhằm mục đích thu thập thông tin cơ bản phản ánh kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên phạm vi cả nước nhằm phục vụ việc tính toán các chỉ tiêu thống kê cấp quốc gia, cấp tỉnh của ngành lâm nghiệp; đáp ứng yêu cầu quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch, hoạch định các chính sách phát triển sản xuất lâm nghiệp của các cấp, các ngành và nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin khác.
Cuộc điều tra được tiến hành tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có rừng , thuộc tất cả các loại hình kinh tế, thuộc ngành kinh tế cấp 3 như sau:
- Trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và ươm giống cây lâm nghiệp;
- Khai thác gỗ;
- Khai thác và thu nhặt sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ từ rừng và từ cây lâm nghiệp trồng phân tán;
- Dịch vụ lâm nghiệp.
Điều tra lâm nghiệp là cuộc điều tra toàn bộ và điều tra mẫu. Đối tượng điều tra là: Rừng sản xuất; rừng phòng hộ; rừng đặc dụng; cây giống lâm nghiệp; cây lâm nghiệp trồng phân tán
Đơn vị điều tra:
- Thôn, ấp, bản, tiểu khu,... có rừng (gọi chung là thôn có rừng).
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác có hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, ươm cây giống lâm nghiệp, khai thác gỗ, khai thác, thu nhặt sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ, bảo vệ rừng và thực hiện các hoạt động dịch vụ lâm nghiệp khác trong 12 tháng trước thời điểm điều tra.
- Trang trại lâm nghiệp, trang trại thuộc lĩnh vực khác có diện tích rừng trồng đạt quy mô từ 31 ha trở lên;
- Các Ban quản lý rừng;
- Tổ chức khác là các chủ rừng ;
- Hộ thuộc thôn có rừng.
Cuộc điều tra được tiến hành vào thời điểm điều tra: 01/01 hàng năm. Thời gian điều tra 15 ngày, bắt đầu từ thời điểm điều tra.