Sửa tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

Thứ hai - 28/10/2024 08:07
(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá; tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá; chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên; hướng dẫn lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
daugiataisan 17298558300791335077470

Bộ Tư pháp cho biết, ngày 27/6/2024, Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025), trong đó giao Bộ Tư pháp quy định chi tiết 02 nội dung gồm: (i) Về lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản (khoản 36 Điều 1) và (ii) Quy định chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên (khoản 44 Điều 1).

Thực hiện quy định của Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BTP ngày 16/5/2017 quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá và biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bỏ điều kiện về thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá tài sản; một số biểu mẫu cũng không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. 

Do đó, để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu quả, kịp thời, đồng bộ và khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư số 06/2017/TT-BTP và Thông tư số 02/2022/TT-BTP, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá; tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá; chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên; hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản là cần thiết.

Cơ sở đào tạo nghề đấu giá là Học viện Tư pháp

Về cơ sở đào tạo nghề đấu giá, chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, dự thảo Thông tư cơ bản kế thừa quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BTP, theo đó, quy định cơ sở đào tạo nghề đấu giá là Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. Chương trình khung đào tạo nghề đấu giá do Học viện Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

Đấu giá viên phải tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ít nhất 8 giờ/năm

Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở nghiên cứu quy định về bồi dưỡng chuyên môn trong lĩnh vực luật sư, công chứng, dự thảo Thông tư quy định nội dung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên bao gồm một hoặc một số nội dung: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá; cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về đấu giá tài sản và các quy định pháp luật khác có liên quan; kỹ năng hành nghề đấu giá; kỹ năng giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình hành nghề đấu giá; kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề đấu giá. 

Tổ chức thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Học viện Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp và tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên. 

Thời gian tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên tối thiểu là 01 ngày làm việc/năm (08 giờ/năm).

Dự thảo Thông tư quy định các trường hợp được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong năm đó như có bài nghiên cứu pháp luật đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan đến đấu giá tài sản đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước hoặc nước ngoài; viết hoặc tham gia viết sách, giáo trình về đấu giá tài sản đã được xuất bản; tham gia giảng dạy về đấu giá tài sản tại Học viện Tư pháp...

Sửa đổi, bổ sung các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản 

Về hướng dẫn lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Thông tư số 02/2022/TT-BTP còn hiệu quả trên thực tế, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, hạn chế phát sinh. Một số nội dung chính sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

Về việc đánh giá tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (Điều 33), dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 5 Điều 5 Thông tư số 02/2022/TT-BTP theo hướng thu hẹp các hành vi vi phạm bị trừ điểm khi tổ chức hành nghề đấu giá nộp hồ sơ tham gia lựa chọn. Theo đó, chỉ chọn lọc các hành vi liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm, tính liêm chính và đạo đức hành nghề của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên thuộc trường hợp cố ý, tính chất nghiêm trọng trong hoạt động hành nghề, ví dụ như công bố không đúng người trúng đấu giá, thông đồng, dìm giá... nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề.

Về trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản (Điều 36) và nhiệm vụ của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 37), để giải quyết tình trạng người có tài sản gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh tính chính xác của thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn do tổ chức đấu giá tài sản kê khai, dự thảo Thông tư đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản (khoản 3 Điều 36), trong đó có việc chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn và gửi Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở báo cáo theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này về tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản định kỳ hàng năm.

Đồng thời, dự thảo Thông tư bổ sung quy định trách nhiệm của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đăng tải báo cáo nêu trên lên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia (điểm e khoản 2 Điều 37). 

Trên cơ sở Báo cáo về tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản của tổ chức đấu giá tài sản được đăng tải công khai, người có tài sản có thể dễ dàng truy cập, khai thác, tra cứu, phục vụ cho việc chấm điểm lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Về Phụ lục "Bảng điểm tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản", căn cứ quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phụ lục kèm theo dự thảo Thông tư đã bãi bỏ tiêu chí "Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp"; sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí thành phần cụ thể theo hướng: (i) Đề cao phương án đấu giá hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cuộc đấu giá và bổ sung tiêu chí về phương án giám sát việc tổ chức đấu giá; (ii) sửa đổi tiêu chí về trụ sở ổn định, địa chỉ rõ ràng kèm theo thông tin liên hệ (số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử...) để rõ ràng, khả thi hơn, hạn chế tình trạng các tổ chức hành nghề đấu giá thuê trụ sở không có địa chỉ rõ ràng; (iii) sửa đổi, bổ sung các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo công bằng, minh bạch, trong đó có hướng đến kinh nghiệm, năng lực, uy tín của cá nhân đấu giá viên điều hành các cuộc đấu giá.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/sua-tieu-chi-lua-chon-to-chuc-dau-gia-tai-san-102241025164407357.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,787
  • Hôm nay292,826
  • Tháng hiện tại7,385,109
  • Tổng lượt truy cập491,248,547
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây