Giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc trong phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ năm - 31/10/2024 10:03
(CTTĐTBP) - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
blgd 1730203939818967887906
Bộ Công an đề xuất quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình


Bộ Công an cho biết, ngày 14/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã có những bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân, trong đó việc quy định về biện pháp cấm tiếp xúc đóng vai trò then chốt. Theo quy định của Luật, biện pháp này nhằm ngăn chặn người có hành vi bạo lực gia đình tiếp cận và gây tổn hại cho nạn nhân, bảo đảm an toàn cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều 27 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định cụ thể về việc giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc, bảo đảm bảo vệ an toàn cho nạn nhân một cách hiệu quả. Theo quy định tại khoản 6 Điều 49 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 giao Bộ Công an ban hành văn bản hướng dẫn công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

Theo Bộ Công an, để bảo đảm biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện có hiệu quả, việc giám sát đóng vai trò rất quan trọng, góp phần ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tái diễn; bảo vệ trực tiếp tính mạng, sức khỏe của nạn nhân; bảo đảm thực thi nghiêm minh pháp luật và góp phần xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh. Việc giám sát cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan. Giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc là biện pháp quan trọng bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Việc thực hiện hiệu quả công tác giám sát sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng xã hội văn minh, an toàn.

Bộ Công an đề xuất dự thảo Thông tư quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm bảo đảm việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc theo quy định của Luật có hiệu quả.

Phân công người giám sát thực hiện Quyết định cấm tiếp xúc

Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất việc phân công người giám sát thực hiện Quyết định cấm tiếp xúc được thực hiện như sau: Ngay khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời hạn 06 giờ làm việc, Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) phải ra Quyết định phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc sau khi trao đổi với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình, Công an cấp xã phải ra Quyết định phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc sau khi trao đổi với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở.

Dự thảo nêu rõ, việc ra Quyết định phân công người giám sát phải căn cứ vào nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh của người bị giám sát; căn cứ vào nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh, năng lực và khối lượng công việc của người được phân công giám sát. Một người có thể được phân công giám sát nhiều người nhưng không quá 03 người trong cùng một thời điểm.

Quyết định phân công người giám sát phải gửi ngay cho người được phân công giám sát, người bị giám sát và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị giám sát và được lưu vào hồ sơ thực hiện giám sát.

Theo dự thảo, trong quá trình thực hiện giám sát, nếu người giám sát không có điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được phân công thì Trưởng Công an xã phải kịp thời phân công người khác thay thế.

Nội dung, hình thức giám sát

Dự thảo nêu rõ nội dung giám sát gồm: Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người bị giám sát theo quy định của pháp luật liên quan; thông báo cho người bị giám sát các quyền tại Điều 31, Điều 32 và Điều 33 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; theo dõi người bị giám sát việc thực hiện Quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự.

Theo dự thảo, việc giám sát thực hiện theo hình thức sau: 1- Yêu cầu người bị giám sát làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh quyết định cấm tiếp xúc và việc thực hiện giám sát; 2- Thông báo cho gia đình người bị giám sát về tình hình chấp hành của người đó; 3- Yêu cầu người bị giám sát trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.

Việc thực hiện nghĩa vụ trình diện của người bị giám sát

Dự thảo nêu rõ, trong thời gian giám sát, nếu người bị giám sát vi phạm nghĩa vụ hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì theo đề nghị của người giám sát, Trưởng Công an cấp xã yêu cầu người bị giám sát trình diện.

Khi có yêu cầu trình diện của Trưởng Công an xã, người giám sát phải thông báo cho người bị giám sát hoặc người giám hộ của họ biết về địa điểm, thời gian trình diện. Việc trình diện phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ.

Vi phạm quy định về cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người

Về xử lý khi người bị giám sát vi phạm Quyết định cấm tiếp xúc, dự thảo nêu rõ, khi phát hiện hành vi vi phạm Quyết định cấm tiếp xúc thì người được phân công giám sát báo ngay cho Công an cấp xã tiến hành kiểm tra, xác minh và lập biên bản.

Người bị giám sát vi phạm quy định về cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Người bị giám sát vi phạm quy định về cấm tiếp xúc thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03 ngày trong các trường hợp sau đây:

1- Có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình;

2- Hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tác giả: Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,267
  • Hôm nay266,678
  • Tháng hiện tại1,615,806
  • Tổng lượt truy cập447,010,928
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây