Cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo để giải quyết vướng mắc, bất cập

Thứ ba - 14/05/2024 08:49
(CTTĐTBP ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự án Luật Nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).
gv 1715650795536478615128

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập ở các cấp học và trình độ đào tạo. Trong đó: 1.191.777 nhà giáo trong biên chế, 50.473 nhà giáo hợp đồng lao động trong cơ sở giáo dục công lập và 160.856 nhà giáo làm việc ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 81.900 nhà giáo (26.361 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 12.713 nhà giáo trong các trường trung cấp, 22.959 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10.867 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai. Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế đội ngũ nhà giáo hiện nay còn có một số bất cập như sau:

Thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông

Số lượng đội ngũ nhà giáo đang ngày càng phát triển, đặc biệt là nhóm nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục ở Việt Nam. Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối; "Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018".

Về chất lượng giáo viên cũng còn bất cập, vì chưa có quy định chuẩn chung cho đội nhà giáo, bao gồm cả nhà giáo trong cơ sở công lập và ngoài công lập.

Bất cập trong cơ chế quản lý đội ngũ nhà giáo

Chưa có đầy đủ quy định để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật viên chức để quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức. Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.

Việc giao thoa giữa quản lý ngành và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ đã tạo ra những bất cập nhất định trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với các cấp học mầm non, phổ thông và các đơn vị chưa tự chủ. Chẳng hạn, các cơ sở giáo dục là đơn vị trực tiếp sử dụng nhà giáo nhưng không có thẩm quyền tuyển dụng để kịp thời bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục; ở hầu hết các địa phương cơ quan quản lý giáo dục không được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái,… nhà giáo để giải quyết tình trạng thừa – thiếu cục bộ nhà giáo trên địa bàn quản lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu về người làm việc trước mỗi năm học; công tác thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo hầu hết không do ngành Giáo dục ở địa phương chủ trì và nhiều nơi không tổ chức nên việc thực hiện chế độ, chính sách của nhà giáo chưa kịp thời, không động viên nhà giáo phấn đấu phát triển nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục...

Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế: tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác.

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành Giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học. Số lượng biên chế tinh giản trong ngành giáo dục chủ yếu là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới.

Chế độ, chính sách chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo

Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa, hoặc luật hóa chưa đầy đủ nên thiếu cơ sở để thực hiện. Thực tế, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo. Đời sống kinh tế của nhà giáo còn khó khăn, nhà giáo chưa thể sống được bằng lương, tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non. Nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, nên còn xảy ra nhiều sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, từ phụ huynh, người học đối với nhà giáo. Điều này dẫn tới tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận nhà giáo bỏ việc, chuyển việc nhất là nhà giáo trẻ; đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục, đào tạo...

Xuất phát từ những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên, Quốc hội đã bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng với mục đích thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm, xuyên suốt; xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo); tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,217
  • Hôm nay677,035
  • Tháng hiện tại9,361,320
  • Tổng lượt truy cập454,756,442
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây