Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 03/07/2023 10:57
(CTTĐTBP) – Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện.
Theo đó, về quy mô bệnh viện, bệnh viện đa khoa, bệnh viện đa khoa y học cổ truyền phải có tối thiểu 30 giường bệnh; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền tối thiểu 20 giường bệnh, riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt, bệnh viện ban ngày phải có tối thiểu 10 giường bệnh; bệnh viện phải thực hiện điều trị nội trú, tổ chức trực khoa chuyên môn 24/24 giờ trừ bệnh viện ban ngày.
Cơ sở vật chất bệnh viện
Theo dự thảo, bệnh viện phải có địa điểm cố định; bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện.
Bên cạnh đó, bệnh viện được cấp phép thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn công trình là bệnh viện, bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m, bảo đảm thuận tiện cho xe cứu thương ra vào khu vực cấp cứu; Có giao thông thuận tiện bảo đảm tiếp cận cho người bệnh, người khuyết tật vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Có biển hiệu bệnh viện, có biển chỉ dẫn đến các khoa phòng, khu vực chuyên môn, hành chính rõ ràng.
Bảo đảm đủ điện, nước phục vụ hoạt động của bệnh viện 24h/24h; bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.
Thiết bị y tế
Bệnh viện phải có đủ thiết bị y tế theo danh mục chuyên môn kỹ thuật đăng ký. Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, phải có hợp đồng với cơ sở trên địa bàn có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Tổ chức của bệnh viện
Theo dự thảo, tổ chức của bệnh viện như sau:
1- Ban lãnh đạo, quản lý bệnh viện.
2- Các khoa chuyên môn: Bệnh viện được tổ chức theo các khoa khám bệnh, lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược và các khoa chuyên môn phụ trợ, bao gồm:
Khoa lâm sàng: Có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa hoặc một khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa.
Khoa khám bệnh: Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu).
Khoa cận lâm sàng: Có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh. Riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt nếu không có bộ phận chẩn đoán hình ảnh thì phải có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có bộ phận chẩn đoán hình ảnh.
Bên cạnh đó, phải có khoa dược; các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ. Đồng thời, có các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và các chức năng cần thiết khác.
Điều kiện về nhân sự bệnh viện
Theo dự thảo, Ban lãnh đạo, bộ phận quản lý có trình độ về chuyên môn, tổ chức, tài chính và hành chính.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1- Là bác sỹ có phạm vi hành nghề phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng. Trường hợp bệnh viện gồm nhiều chuyên khoa thì giấy phép hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có phạm vi hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các khoa lâm sàng mà bệnh viện đăng ký hoạt động.
2- Là người làm việc cơ hữu tại bệnh viện.
Ngoài ra, bệnh viện phải có đủ người hành nghề theo quy mô giường bệnh, danh mục kỹ thuật đạt tỷ lệ người hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 70% trên tổng số người hành nghề trong khoa.
Trưởng các khoa chuyên môn của bệnh viện phải có giấy phép hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải là người làm việc cơ hữu tại bệnh viện. Trưởng khoa khác không thuộc đối tượng cấp giấy phép hành nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và phải là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện tối thiểu 54 tháng hành nghề
Đối với người phụ trách khoa và chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của các phòng khám tối thiểu 36 tháng hành nghề, phòng khám với người đứng đầu có giấy phép hành nghề là đa khoa tối thiểu 54 tháng hành nghề.
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây./.