Tăng cường năng lực thống kê quốc gia về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực

Thứ năm - 06/07/2023 09:10 251

(CTTĐTBP) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Đề án Tăng cường năng lực thống kê quốc gia về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực thống kê.

cc 1679301612808699600990 1688541747602896731740

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tổ chức bộ máy, bên cạnh những hạn chế tồn tại từ trước đây chưa được khắc phục triệt để; còn có những hạn chế mới phát sinh do quá trình sắp xếp vừa qua chưa thật sự phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, trong cơ cấu tổ chức của Cơ quan Tổng cục Thống kê, khi tổ chức, sắp xếp lại, Thanh tra Thống kê từ vị trí độc lập, được ghép với Pháp chế và Tuyên truyền, thành lập Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê. Mặc dù tổ chức bộ máy của Cơ quan Tổng cục Thống kê gọn nhẹ hơn, nhưng công chức của Vụ này kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên hoạt động thanh tra bị hạn chế, kết quả đạt được không cao, có những mặt bị giảm sút.

Việc sáp nhập 2 hoặc 3 Chi cục Thống kê cấp huyện theo đơn vị hành chính, thành lập Chi cục Thống kê khu vực không phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền 4 cấp ở nước ta hiện nay. Tổ chức bộ máy thống kê tại một số bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến nay vẫn còn 11/23 bộ, ngành chưa thành lập Tổ chức Thống kê theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 85/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Về thực trạng nguồn nhân lực, chất lượng nhân lực thống kê tuy đã được nâng lên, nhưng còn có một số hạn chế, biểu hiện rõ trên 3 mặt. Một là, số người kiêm nhiệm thống kê chiếm tỷ lệ cao (Thống kê bộ, ngành chiếm 42,57%; Thống kê sở, ban, ngành cấp tỉnh và Thống kê xã chiếm 100%). Hai là, số người được đào tạo chuyên ngành Thống kê chiếm tỷ lệ thấp (Trong Hệ thống thống kê tập trung, tỷ lệ này tại thời điểm 31/12/2022 và 15/6/2023 lần lượt là 19,80% và 19,74%). Ba là, trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật tương đối cao, nhưng chủ yếu là các chuyên ngành ngoài thống kê (Trong Hệ thống thống kê tập trung, giữa năm 2022 chỉ có 7/14 tiến sĩ; 107/770 thạc sĩ, 794/4.095 đại học được đào tạo chuyên ngành Thống kê).

Thực trạng về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thống kê quốc gia của nước ta hiện nay cho thấy, có sự đan xen giữa kết quả đạt được và hạn chế đang tồn tại. Trên đường phát triển hướng tới những năm tiếp theo, trong các lĩnh vực này vừa có thuận lợi; vừa có khó khăn, thách thức. Do vậy, yêu cầu xây dựng Đề án Tăng cường năng lực thống kê quốc gia nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy; bảo đảm đủ về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thống kê càng có ý nghĩa thiết thực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng Đề án Tăng cường năng lực thống kê quốc gia theo hướng: Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy; bảo đảm nguồn nhân lực thống kê đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có tính chuyên nghiệp và chất lượng ngày càng cao. Góp phần quan trọng nâng cao khả năng sản xuất thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, quản lý, điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện tổ chức bộ máy của Hệ thống thống kê tập trung

Dự thảo nêu rõ, mục tiêu cụ thể về tổ chức bộ máy là: Đến năm 2025 hoàn thiện tổ chức bộ máy của Hệ thống thống kê tập trung, đặc biệt là Tổ chức thống kê cấp huyện; kiện toàn tổ chức thống kê bộ, ngành. Nâng số bộ, ngành có Tổ chức thống kê từ 12/23 bộ ngành hiện nay, lên 15/23 bộ, ngành năm 2025 và 23/23 bộ, ngành năm 2030.

Về phát triển nguồn nhân lực thống kê, phấn đấu cơ cấu lại nguồn nhân lực thống kê, nâng tỷ lệ người được đào tạo chuyên ngành Thống kê của Hệ thống thống kê tập trung từ mức gần 20% hiện nay, lên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030; tỷ lệ công chức, viên chức thống kê chuyên trách của bộ, ngành từ trên 57% hiện nay lên 60% năm 2025 và 65% năm 2030.

Năm 2026-2030 hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút tạo nguồn nhân lực thống kê chất lượng cao; sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ đối với địa bàn khó khăn và xây dựng đội ngũ cộng tác viên thống kê. Đồng thời, thí điểm đưa công chức, viên chức thống kê của Hệ thống thống kê tập trung biệt phái có thời hạn làm thống kê chuyên trách tại một số bộ, ngành.

Năm 2025, tất cả công chức, viên chức của hệ thống thống kê tập trung đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; tỷ lệ này của Thống kê bộ, ngành là 30%.

Năm 2030, tỷ lệ người làm công tác thống kê tại các bộ ngành; sở, ban ngành cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đạt 60%.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Tác giả bài viết: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,125
  • Hôm nay173,848
  • Tháng hiện tại7,373,676
  • Tổng lượt truy cập406,659,656
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây