Đề xuất xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Thứ tư - 04/12/2024 07:44
(CTTĐTBP) - Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.
cong chuc 17332114898611207844277
Xây dựng nền công vụ thực tài và cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Bộ Nội vụ cho biết, Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019 tại Luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019 (gọi chung là Luật Cán bộ, công chức). Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Cán bộ, công chức đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Tuy nhiên, sau 05 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng, cụ thể là:

Một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: Cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng; chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành khác.

Ngoài ra, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: Các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ; việc áp dụng cơ chế quản lý thống nhất giữa cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; quy định về việc tiếp nhận vào công chức, trong đó cần bổ sung đối tượng là sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển; chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.

Từ những căn cứ chính trị, pháp lý và để khắc phục những bất cập trong thực tiễn nêu trên thì việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là cần thiết.

Xây dựng cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Mục đích xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đồng thời, xây dựng nền công vụ thực tài và cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, “vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được”. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở quy định rõ các trường hợp cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch.

Đẩy mạnh số hóa toàn diện, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số thông qua xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về nền tảng số, bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về quản lý cán bộ, công chức.

Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quản lý nguồn nhân lực khu vực công, tạo động lực phát triển.

Đề xuất 5 chính sách xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng 5 chính sách, cụ thể như sau:

Chính sách 1: Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Mục tiêu của chính sách nhằm đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.

Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ.

Mục tiêu của chính sách nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thẩm quyền, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu.

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.

Mục tiêu của chính sách là tập trung hoàn thiện quy định về quản lý cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.

Chính sách 4: Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tiếp tục thể chế thành luật các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ mới ban hành chưa kịp thể chế.

Chính sách 5: Thống nhất nền công vụ từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Mục tiêu của chính sách nhằm thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây./.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/de-xuat-xay-dung-luat-can-bo-cong-chuc-sua-doi-102241203144218946.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập936
  • Hôm nay309,900
  • Tháng hiện tại9,756,640
  • Tổng lượt truy cập493,620,078
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây