Tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhân dân, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì cấp có thẩm quyền ban bố, công bố các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn; hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.
Bộ Quốc phòng cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (khoản 2 Điều 14), trong khi đó, nhiều biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp đang được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000.
Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ "sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh".
Bộ Quốc phòng đã xây dựng dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nguyên tắc hoạt động trong tình trạng khẩn cấp
Tại dự thảo, Bộ Quốc phòng đề xuất nguyên tắc hoạt động trong tình trạng khẩn cấp như sau:
Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và Nhân dân.
Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong tình trạng khẩn cấp; huy động hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành.
Huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân.
Thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra thảm hỏa lớn, dịch bệnh nguy hiểm và áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả tình trạng khẩn cấp, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, ổn định đời sống Nhân dân, chú ý đến đối tượng dễ bị tổn thương.
Tăng cường tính tự chủ, chủ động trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Tăng cường nghiên cứu khoa học cơ bản, tăng cường ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như Internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong công tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Dự thảo nêu rõ, các biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp phù hợp với tính chất, mức độ và phạm vi nguy hại của tình huống khẩn cấp; nếu có nhiều biện pháp để lựa chọn, phải chọn biện pháp bảo vệ quyền lợi của công dân, pháp nhân và tổ chức khác ở mức độ cao nhất và gây ít thiệt hại nhất đến quyền lợi của người khác và môi trường sinh thái và kịp thời điều chỉnh theo tình hình thay đổi, đảm bảo hiệu quả, khoa học, chính xác.
Nhà nước hợp tác và trao đổi với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế liên quan trong công tác phòng ngừa và chuẩn bị, giám sát và cảnh báo, ứng phó khẩn cấp và cứu trợ, khôi phục và tái thiết hậu quả của tình trạng khẩn cấp.
Nguyên tắc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân như sau:
- Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm có mục đích chính đáng.
- Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm tương xứng.
- Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm không phân biệt đối xử.
- Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền công dân, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm có căn cứ rõ ràng.
Khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm
Theo dự thảo, công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong tình trạng khẩn cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, người nào vi phạm quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong thi hành Nghị quyết ban bố hoặc Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm gồm:
1. Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp.
2. Cố ý gây thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức; ảnh hưởng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh; bỏ trốn sau khi gây thảm họa, gây mất trật tự công cộng, tạo chướng ngại vật nguy hiểm, cản trở hoặc chống lại người thi hành nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.
3. Lợi dụng tình trạng khẩn cấp để trục lợi, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
4. Đưa thông tin không chính xác, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả của cơ quan có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/du-thao-luat-tinh-trang-khan-cap-102241128150352149.htm